Nghề... “đi trước, về sau”!

Luôn lao vào hiện trường đầu tiên, vượt qua những gian nan, hiểm nguy để cứu người bị nạn và tìm kiếm nạn nhân sau khi các tai nạn, sự cố đã được khống chế…, cán bộ, chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ được gọi là những người “đi trước, về sau” trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Nữ chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội trong một buổi tập luyện.
Nữ chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội trong một buổi tập luyện.

Đơn vị đặc biệt

Lần đầu chúng tôi đến Phòng Cứu nạn, cứu hộ (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) khi đơn vị còn ở đường Tựu Liệt (huyện Thanh Trì). Đây là đơn vị có nhiều điều đặc biệt với cả người trong và ngoài ngành.

Theo chân cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi lên tầng thượng tòa nhà - nơi đơn vị đang luyện tập tình huống cứu nạn, cứu hộ cao tầng. Thật ngỡ ngàng! 5 nữ chiến sĩ đang sẵn sàng tập luyện. Hỏi mới biết, toàn lực lượng cứu nạn, cứu hộ cả nước hiện chỉ có 5 nữ chiến sĩ nói trên.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Đội trưởng Đội cứu nạn, cứu hộ kiểm tra lại từng sợi dây, móc khóa bảo hiểm cho đồng đội. Khi mệnh lệnh được phát ra, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan cùng hai nam đồng nghiệp lập tức rời khỏi lan can ở độ cao cách mặt đất khoảng 40m. Gió thổi mạnh khiến tôi càng thấy “ngợp” khi nhìn xuống đất.

Phía dưới, những chiếc đệm được trải ra, nhiều chiến sĩ khác đang thực hiện các thao tác nhằm bảo đảm an toàn cho đồng đội khi không may có sự cố bất ngờ. Bằng những động tác nhanh, chính xác, Đại úy Lan cùng đồng đội xoay người, từ từ thả dây neo để tiếp đất trong tiếng vỗ tay động viên của đồng đội. Tiếp tục quá trình huấn luyện, Đại úy Phan Thị Ngọc Anh "trong vai" người bị nạn trên nhà cao tầng đã được đồng nghiệp nam “giải cứu” thành công.

Theo Thiếu tá Vũ Trọng Sang, Phó Trưởng phòng Cứu nạn, cứu hộ (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội), giáo án tập luyện như nhau, hoàn toàn không phân biệt giới tính. Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, lúc đầu tham gia cứu nạn, cứu hộ, chị cũng gặp nhiều khó khăn so với những đồng nghiệp nam về nhiều phương diện. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội cũng như sự ủng hộ của gia đình, chị và 4 chị em khác đã vượt qua trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Không chỉ đặc biệt vì là đơn vị phòng cháy, chữa cháy duy nhất có nữ cán bộ, chiến sĩ, Phòng Cứu nạn, cứu hộ còn đảm nhận những công việc “đặc biệt” ngoài chuyên môn sâu. Thiếu úy Nguyễn Đình Thanh, cán bộ Đội Cứu nạn, cứu hộ chia sẻ, vất vả nhất là tham gia cứu nạn, cứu hộ dưới nước.

Thiếu úy Thanh kể lại việc một lần tham gia vớt tử thi vào buổi tối ở hồ Bảy Mẫu. Mới ra trường, mặc dù đã được tập luyện nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên Thanh thực hiện nhiệm vụ thực tế trong môi trường nước lạnh, tối đen. Trong đội hình mò tìm, Thanh lại là người phát hiện tử thi đầu tiên.

“Lúc đó, một đồng đội nhiều kinh nghiệm ở gần đã hướng dẫn và cùng tôi đưa tử thi lên bờ” - Thiếu úy Thanh kể. Ngoài ra, vụ cứu nạn, cứu hộ tại vụ cháy quán karaoke số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) năm 2016 cũng để lại những ám ảnh khó quên đối với thiếu úy trẻ này.

Từng bước nâng cao nghiệp vụ công tác

Từ tháng 3-2018, Phòng Cứu nạn, cứu hộ đã dời trụ sở sang địa chỉ mới tại quận Cầu Giấy, với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại hơn. Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng Cứu nạn, cứu hộ cho biết, theo Nghị định 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy thì nhiệm vụ của lực lượng cứu nạn, cứu hộ được mở rộng hơn.

Trước đây, chủ yếu cứu nạn, cứu hộ đám cháy thì hiện tại tất cả các sự cố như tai nạn giao thông, sập đổ công trình, tai nạn đuối nước… đơn vị đều là lực lượng chủ công.

Công tác cứu nạn, cứu hộ đòi hỏi những cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên tập luyện và có thần kinh tốt.
Công tác cứu nạn, cứu hộ đòi hỏi những cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên tập luyện và có thần kinh tốt.

Theo Thượng tá Trương Đức Dũng, để đáp ứng yêu cầu công tác, thời gian qua, đơn vị đã đi tham quan học tập kinh nghiệm tại một số nước và được đầu tư trang thiết bị cứu nạn, cứu hộ hiện đại. Đơn vị đã tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ giao thông, tai nạn đuối nước trên địa bàn thành phố, cũng như giúp đỡ các đơn vị bạn, điển hình như vụ sạt lở đất tại Hòa Bình năm 2017. Đây cũng là những trải nghiệm thực tế, giúp cán bộ, chiến sĩ tích lũy kinh nghiệm, phục vụ cho công tác trong thời gian tới.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, trong năm 2017 và quý I-2018, đơn vị đã tiếp nhận 87 tin báo cứu nạn, cứu hộ, tham gia trực tiếp 65 vụ, qua đó giải cứu được 69 người, tìm được 32 thi thể.

Để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các sự cố tại nhà cao tầng, tai nạn giao thông trên đường cao tốc… trong đó có những thiết bị như máy khoan thủy lực, hệ thống định vị cảm biến cháy, bình chữa cháy dầu…, đồng thời tổ chức bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, kỹ thuật về cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, chiến sĩ.

Đối với những thay đổi trong công tác theo Nghị định 83/2017/NĐ-CP, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường luyện tập với những tình huống thực tế để cán bộ, chiến sĩ làm quen, không để bị động khi có tình huống xảy ra. Đây là những thuận lợi để Phòng Cứu nạn, cứu hộ - lực lượng chủ công của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy luôn "đi trước, về sau" hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.

Tuy nhiên, theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, ngoài lực lượng cứu nạn, cứu hộ, công tác quan trọng nhất vẫn là mỗi cơ quan, đơn vị và người dân cần chủ động các phương án thoát nạn đối với từng khu vực, bảo đảm an toàn tính mạng khi sự cố xảy ra.

Tiến Thành/Báo Hà Nội mới