1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh

Dương Nguyên

(Dân trí) - Khi nước rút, ngư dân ở Hà Tĩnh đổ ra cửa biển để cào nghêu. Công việc ngâm mình trong nước nhiều giờ giúp họ có thu nhập từ 150 nghìn đến nửa triệu đồng mỗi ngày.

Giữa trưa nắng gần 40 độ C ngày cuối tháng 6, ông Võ Hồng Vân (52 tuổi, trú tại thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) lúi húi cào nghêu mưu sinh tại vùng cửa biển của huyện Nghi Xuân, giáp ranh huyện Lộc Hà.

Công việc vất vả khiến da của người đàn ông này đen sạm đi. Hôm nay, ông Vân đội chiếc mũ tai bèo, mặc áo khoác gió sẫm màu, cũ kỹ.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 1

Ông Võ Hồng Vân đội nắng, ngâm mình dưới khu vực cửa biển Nghi Xuân để cào nghêu.

Đồ nghề ông mang theo là một chiếc vợt làm bằng tre dài hơn 1,6m. Phần tiếp đất, chiếc vợt được chẻ làm đôi, tách thành hình chữ V ngược để gắn lưỡi cào vào. Trên thân vợt được cột thêm một chiếc túi đựng đan bằng lưới.

Công việc của ông Vân bắt đầu từ 8h, kéo dài đến 16h, khi dòng nước triều nơi cửa biển rút xuống thấp.

Ông khom mình, hai tay ấn cán vợt, dí lưỡi cào xuống bùn cát rồi đi giật lùi. Cứ làm như vậy, nghêu sẽ mắc ở lưỡi cào, ông Vân nhặt cho vào túi đựng.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh

Theo ngư dân này, những ngày hè nắng oi ả, công việc cào nghêu sẽ vất vả hơn. Ngày nào, ông Vân cũng mang theo bên mình một chai nước lọc để uống giải khát. Có hôm, trong quá trình cào nghêu, ông Vân bị say nắng và phải lên bóng cây trên bờ nghỉ ngơi.

Nhưng đó chưa là phải là mối lo lớn nhất với những người cào nghêu.

"Sợ nhất là sa chân vào hố sâu trong lúc mệt nhoài. Tình huống bất ngờ có thể khiến người cào nghêu trở tay không kịp và gặp nạn", ông Vân chia sẻ.

Dù vậy, cái nghề truyền thống này từ xưa đến nay đã giúp nhiều người dân nơi đây có thu nhập ổn định.

Mỗi ngày, ông Vân cào được trung bình khoảng 2-2,5kg nghêu, con to giá 90.000 đồng/kg, loại nhỏ có giá 40.000 đồng/kg. Sau một ngày làm việc, ông Vân thu về được khoảng 150.000-200.000 đồng, có hôm được nhiều hơn.

Còn bà Lê Thị Dung (39 tuổi) cho biết, có ngày cào được nhiều nghêu, bà thu về 300.000-500.000 đồng sau khi bán cho nhà hàng. Số tiền đó giúp bà Dung có thêm khoản chăm chồng ốm đau và nuôi các con ăn học.

Bà Dung, ông Vân và những người dân nơi đây chưa từng có ý định bỏ cái nghề "đi giật lùi" này, dù công việc mưu sinh không hề đơn giản, nhẹ nhàng.

Một số hình ảnh về nghề "đi giật lùi" cào nghêu:

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 2

Đồ nghề ngư dân mang theo là chiếc vợt tre có gắn lưỡi cào thép. Trên chiếc vợt cột thêm một túi lười đựng nghêu.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 3

Để tìm được nghêu trong lớp bùn cát, ông Vân phải đi giật lùi dưới nước trong nhiều giờ đồng hồ.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 4

Khi va phải vật cứng, thợ cào nghêu khom mình, dùng tay lần mò kiểm tra.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 5

Khi đúng là nghêu, ông Vân cho vào túi đựng.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 6

Cùng với đồ nghề, ông Vân lúc nào cũng mang bên mình một chai nước để uống tại chỗ giải khát.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 7

Làm việc trong nắng hè oi ả, người thợ cào nghêu nhanh mệt và mất sức hơn.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 8

Da tay ông Vân nhợt nhạt, săn lại sau nhiều giờ ngâm mình dưới nước.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 9

Công việc này không chỉ có đàn ông khỏe sức làm, mà còn có nhiều phụ nữ địa phương cũng tham gia.

Ngâm nước, đội nắng nóng đi giật lùi mưu sinh - 10

Công việc tuy vất vả và gặp không ít hiểm nguy, nhưng người cào nghêu vẫn tiếp tục bám nghề để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.