Quảng Nam:
Cuối năm, ngư dân đi cào sản vật quý, kiếm nửa triệu mỗi ngày
(Dân trí) - Những ngày cận Tết, các bãi biển ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) luôn nhộn nhịp bởi hàng chục ngư dân liên tục ngâm mình dưới biển, đội sóng để cào ốc ruốc (ốc gạo), thu nửa triệu đồng mỗi ngày.
Đội sóng vớt tiền
Ốc gạo từ lâu đã được xem là sản vật quý ở vùng bãi ngang. Vào mùa ốc, ngoại trừ những lúc biển động, hàng ngày, cứ mỗi buổi sáng sớm, ngư dân Núi Thành lại mang dụng cụ ra biển khai thác ốc.
Mỗi nhóm từ 4-5 ngư dân cùng đi cào ốc đến trưa cùng ngày thì tập trung lại để bán cho thương lái. Thời điểm này, tranh thủ ốc gạo đang có giá, hàng chục ngư dân trước đây làm các nghề biển khác cũng chuyển sang khai thác ốc.
Hàng ngày, bà Tạ Thị Thuận (48 tuổi, trú tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) cùng với các ngư dân địa phương lại mang theo dụng cụ gồm cây cào, thùng nhựa… ra bờ biển, ngâm mình trong nước ngập ngang lưng để cào bắt ốc ruốc.
Bà Thuận cho hay, hơn một tháng nay, ốc ruốc vào mùa, việc khai thác thuận lợi nên bà con ngư dân ai cũng phấn khởi. Những ngày xuất hiện lượng ruốc nhiều, nhiều người có thể khai thác được từ 5-10 xô.
"Mỗi ngày tôi cào cũng được 3-5 xô, thu nhập hơn 400.000 đồng, lúc cào trúng ổ ốc thì có thể kiếm được tiền triệu. Một mùa nếu may mắn có thể thu về hàng chục triệu là chuyện thường", bà Thuận chia sẻ.
Cũng theo bà Thuận, dụng cụ để săn ốc ruốc rất đơn giản, chỉ một cây sào dài làm bằng tre và gắn lưỡi cào bằng kim loại có nối với mảnh lưới nhỏ. Để kéo được ốc, ngư dân phải đi thụt lùi rồi nhấn sào, cào sâu xuống lớp cát và kéo, toàn bộ ốc sẽ lọt vào lưới.
"Dù đánh bắt gần bờ, nhưng người cào ốc phải lội ra chỗ nước ngập đến ngang người, "đội sóng dữ" để cắm sào, nếu gặp vùng nước xoáy, sâu thì dễ bị cuốn trôi và mất mạng như chơi", bà Thuận nói.
Nghề thời vụ Tết
Dù thời gian khai thác không nhiều, công việc lại khá vất vả, nhưng sản vật này cũng giúp nhiều gia đình ngư dân một khoản thu nhập đáng kể để sắm sửa ngày cuối năm.
Theo người dân địa phương, mùa ốc ruốc chỉ kéo dài từ tháng 12 âm lịch đến tháng 2 năm sau. Những ngày gần Tết là thời gian vào mùa, ốc biển tụ lại từng đàn, nằm dày đặc ở biển nên bà con ngư dân rất phấn khởi, bỏ qua mệt mỏi sau những ngày mưu sinh trong những cơn sóng dữ.
Bà Nguyễn Thị Sương (60 tuổi, trú tại xã Tam Thanh, Núi Thành, Quảng Nam) chia sẻ, so với những nghề khác, công việc này tuy vất vả nhưng thu nhập lại cao hơn trong những ngày tàu cá nằm bờ.
Ốc sau khi vớt lên được rửa sạch cát, sau đó thương lái mua trực tiếp tại biển với giá 60.000 - 70.000 đồng một xô (khoảng 30 kg). Bình quân mỗi người cào được 3-7 xô, mang lại thu nhập mỗi ngày từ vài trăm nghìn đồng đến tiền triệu.
"Hôm nay tôi cào từ 6h sáng đến giờ được 10 xô, kiếm được 700.000 đồng. Còn trung bình mỗi ngư dân ở đây đều kiếm được từ 500.000 - 600.000 đồng/ngày, cá biệt có người lội xa hơn và siêng hơn thì kiếm được cả triệu đồng", bà Sương nói.
Còn anh Nguyễn Hữu Nhật (28 tuổi, trú thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến) cho biết: "Hôm nay, tôi cào được 7 xô ốc ruốc, kiếm được 500.000 đồng. Giờ đang vào mùa nên mọi người tranh thủ ra biển để cào ốc kiếm thêm thu nhập sắm Tết".
Cùng với ngư dân, các thương lái cũng tấp nập mua bán và vận chuyển ốc đi khắp nơi. Vì đang vào mùa nên ốc ruốc được thương lái mua với số lượng lớn để tiêu thụ làm thức ăn thủy sản và bỏ "mối" các tiểu thương ở chợ.
Một thương lái mua ốc ruốc tại xã Tam Thanh cho biết, bà bắt đầu đi thu mua ốc ruốc từ 2 tuần trước. Trung bình, mỗi ngày bà thu mua hơn 100 xô ốc mang đi tiêu thụ tại địa phương và xuất bán ra TP Đà Nẵng, thu nhập cũng tạm được.
Được biết, từ lâu, ốc ruốc đã trở thành món ăn dân dã quen thuộc của người dân miền biển, nếu đã một lần nếm thử món ăn dân dã này, nhiều người sẽ ấn tượng không quên.