Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Doanh nghiệp chính là trường nghề thực hành của thợ trẻ"

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc về công tác đào tạo với cán bộ, giáo viên và học viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, chiều 9/12.

Sinh viên đi làm với lương từ 8-12 triệu đồng/tháng

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hoá, tiền thân là trường Công nghiệp kỹ thuật thuộc Ty Công nghiệp - Tiểu thủ Công nghiệp Thanh Hóa.

Đến ngày 29/12/2006, trường là một trong 10 trường cao đẳng nghề đầu tiên trong cả nước được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ký quyết định thành lập.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Doanh nghiệp chính là trường nghề thực hành của thợ trẻ - 1
Bộ trưởng thăm hỏi, động viên các em học sinh nhà trường.

Hiện tại nhà trường có hơn 85% giáo viên giảng dạy được tích hợp, 95 giáo viên đạt trình độ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3, 100% cán bộ viên chức sử dụng tin học phục vụ công tác và giảng dạy.

Tổng số học sinh sinh viên là 3.500, trong đó đối tượng tham gia đào tạo theo mô hình 9+ là 1.182 học sinh.

Nhà trường đã thực hiện xây dựng xong 8 chương trình cao đẳng, 14 chương trình trung cấp, 14 chương trình sơ cấp, tất cả chương trình đều có sự tham gia góp ý của doanh nghiệp.

Các chương trình được xây dựng có tính liên thông, đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và đang được triển khai thực hiện.

Từ 2007 đến nay, trường luôn gắn kết với doanh nghiệp, luôn có mối liên hệ mật thiết với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Năm 2019, trường đã kết nối và đưa gần 900 sinh viên nhà trường học nâng cao, thực tập, trải nghiệm và đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với mức lương hỗ trợ của doanh nghiệp từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.

Hiện có 5 sinh viên của nhà trường làm việc tại Nhật Bản với mức lương 60 triệu đồng/tháng.

Qua khảo sát trước khi thi tốt nghiệp, khoảng 85% sinh viên đã có địa chỉ tiếp nhận với mức lương 8-12 triệu đồng/tháng.

Số còn lại đang cân nhắc lựa chọn địa điểm làm việc, vì số doanh nghiệp tuyển dụng rất lớn nên hầu hết trong thời gian 3 tháng sau tốt nghiệp, 100% sinh viên ra trường đều có việc làm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Doanh nghiệp chính là trường nghề thực hành của thợ trẻ - 2
Bộ trưởng động viên cán bộ, giáo viên nhà trường.

Về hợp tác quốc tế, năm 2019 trường đã giúp đỡ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho 6 cán bộ quản lý, giáo viên trường dạy nghề tỉnh Hủa-Phăn nước CHDCND Lào.

Trong thời gian tới, nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, quyết định bổ sung Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hoá vào danh sách các trường được đầu tư thành trường chất lượng cao giai đoạn 2020-2025.

Nhà trường cũng kỳ vọng được tiếp cận, chuyển giao chương trình quốc tế để tuyển sinh đào tạo các nghề trọng điểm; xây dựng trung tâm đánh giá kỹ năng nghề cho người học và lao động trên địa bàn tỉnh.

“Không sợ thiếu chỗ làm việc”

Sau khi đi thăm quan cơ sở đào tạo, thực hành của nhà trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có buổi làm việc với tập thể cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường.

“Qua thông tin về sự ra đời và phát triển của nhà trường với một bề dày truyền thống, chúng ta đã gặt hái được rất nhiều thành công. Thành công quan trọng nhất là đến hôm nay về vị thế, uy tín, chỗ đứng của trường chúng ta chính là sự khẳng định của xã hội, khẳng định của các em học sinh”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mở đầu buổi làm việc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Doanh nghiệp chính là trường nghề thực hành của thợ trẻ - 3
Bộ trưởng trực tiếp chứng kiến sinh viên nhà trường thực hành.

Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: “Kỹ năng là một trong ba yếu tố để Việt Nam phát triển bao trùm và bền vững”. 

Đến giai đoạn này, giáo dục nghề nghiệp càng đóng một vai trò kỳ quan trọng trong việc bồi dưỡng kỹ năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

"Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất để chúng ta vượt bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Chia sẻ thông tin về công tác triển khai lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi cả nước, Bộ trưởng cho biết: “Hầu như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện kết nối rất tốt với doanh nghiệp; 85% các em ra trường hầu như đều có việc làm, nhiều trường 100%. Có những trường đã cam kết ngay từ đầu, nếu như trong 6 tháng mà sinh viên ra trường không có việc làm, nhà trường trả lại hoàn toàn học phí".

Bên cạnh đó, nhiều trường còn ký với doanh nghiệp thực hiện một hợp đồng "3 cùng": Cùng tham gia xây dựng chương trình, cùng giảng dạy, cùng thực tập và cùng thống nhất tiếp nhận các em. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc tổ chức thực tập cho học sinh, sinh viên ở doanh nghiệp nên tăng thêm thời lượng. Nhà trường nên giảm tải thời gian học lý thuyết. Lý thuyết hiện nay các trường nghề của các nước tiên tiến chỉ chiếm 30%, 70% là thực hành ở trong các doanh nghiệp.

Và khi đó, doanh nghiệp trở thành một trường nghề thứ hai, trường nghề đó là trường nghề thực hành. Nhà trường nên mở rộng quan hệ hơn với các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam đang thiếu cả thầy và thiếu cả thợ. Tỷ lệ sinh viên đại học cũng phải là cao so với các quốc gia, còn người thực hành chúng ta đang thiếu rất nhiều.

“Chúng ta đào tạo theo mô hình "đồng hồ cát": Công nhân kỹ thuật bậc đang cao thiếu, kỹ sư cũng thực hành thiếu. Trong khi đó, mô hình đào tạo của nhiều nước là "hình củ khoai tây hay quả trứng": Công nhân kỹ thuật, kỹ sư thực hành rất nhiều. Gần đây nhất, tại Diễn đàn nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, tôi tiếp xúc 28 tập đoàn lớn đang làm việc tại Việt Nam, cả 28 tập đoàn đều đặt hàng với tôi xin đề nghị nhận sinh viên các trường nghề. Do đó, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp không sợ thiếu chỗ làm việc”, Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng lưu ý, học nghề, học văn hóa trong trường nghề là một chủ trương rất đúng. Theo đó không nên coi nhẹ việc học văn hóa của các em, vì đó là nền tảng để phát triển lên.

"Chúng ta có chủ trương liên thông rồi, đề nghị nhà trường kết nối, tạo điều kiện cho những em có khả năng và có nhu cầu học lên được. Đừng coi các em học trong cao đẳng nghề đây là chấm dứt. Các em học cao đẳng nghề xong, có điều kiện, có nhu cầu học tiếp lên đại học" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Duy Tuyên