Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Thắc mắc của dân mà giải quyết được thì trả lời ngay"
(Dân trí) - Tại buổi tiếp xúc cử tri tỉnh Thanh Hoá vào chiều 9/12, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã tiếp thu, giải đáp nhiều thắc mắc. Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan hữu quan trả lời dứt điểm các kiến nghị liên quan của cử tri.
Địa phương phải tự chịu trách nhiệm đầu tiên về phát sinh
Chiều 9/12, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, khóa XIV gồm Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; đồng chí Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề về “Giải quyết những vướng mắc trong lĩnh vực chính sách ưu đãi người có công”.
Theo Bộ trưởng, cả nước hiện có khoảng 9 triệu NCC, 12 nhóm đối tượng NCC. Một năm cả nước chi cho riêng lĩnh vực NCC xấp xỉ 50.000 tỷ đồng và khoảng trên 3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội. Cho đến nay, qua rà soát, về cơ bản các chính sách NCC đã đến với NCC, đảm bảo cơ bản đúng, đủ, kịp thời. Các chính sách NCC ngày càng được chăm lo đầy đủ hơn, thiết thực hơn. Nhiều nhóm đối tượng rất muốn được nâng chính sách. Tinh thần sau sửa đổi Pháp lệnh kỳ này cố gắng điều chỉnh một số nhóm chính sách.
Mở đầu buổi tiếp xúc cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Vừa là tình cảm, trách nhiệm, vừa thấy một số vấn đề bức xúc qua công việc của ngành, chúng tôi đề xuất tiếp xúc cử tri tập trung vào giải quyết một số nhóm vấn đề. Trước mắt, hôm nay tập trung vào giải quyết nhóm vướng mắc đối với người có công (NCC). Về tổng thể, hiện nay chúng ta đang tập trung sửa đổi toàn diện Pháp lệnh NCC. Theo đó, có rất nhiều nhóm nội dung sẽ được thay đổi”.
Tại buổi tiếp xúc, ông Lê Xuân Phong (80 tuổi), xã Quảng Đại, TP Sầm Sơn đề nghị tăng lương cho các đối tượng về hưu trước năm 1993; xác định rõ tiêu chuẩn của liệt sĩ và tử sỉ, chế độ đối với liệt sĩ và chế độ đối với tử sĩ; tại sao cũng là hi sinh trong phục vụ chiến đấu lại có người báo tử là liệt sĩ, có người lại báo tử là tử sĩ?...
Trả lời cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những người càng về hưu trước đây thì có lương hưu thấp, đời sống còn khó khăn. Đây là một thực tế đã tồn tại từ lâu nay.
Trong chính sách tiền lương mới được áp dụng từ ngày 1/1/2021 sẽ có điều chỉnh. Ví dụ công chức có thể điều chỉnh khoảng 7% thì người hưu trí có thể 10% hoặc cao hơn.
Đối với ý kiến của huyện Triệu Sơn về nhà ở NCC theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 22), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là một chủ trương rất lớn của Chính phủ, dự kiến chỉ có 79.000 căn nhà cần hỗ trợ thống kê ban đầu và các địa phương tập hợp lên.
Nhưng đến khi thực hiện xong 79.000 căn nhà rồi thì các địa phương kêu thiếu, tổng hợp lên đến 413.000 căn nhà.
“Vừa qua, chúng tôi phải báo cáo Chính phủ, Thường vụ Quốc hội bổ sung tiếp 8.000 tỷ đồng để thực hiện tiếp QĐ 22 và khóa tất cả con số đến ngày 31/9/2018 theo số các địa phương tổng hợp lên cho Bộ trưởng. Bộ trưởng thẩm định rồi, chuyển cho Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính cùng thẩm định trình lên Thủ tướng, Thường vụ Quốc hội, đồng ý 413.000 căn nhà này và tất cả những trường hợp từ ngày 31/9/2018 trở về sau phát sinh ở địa phương nào thì địa phương đó phải tự chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, khả năng Thanh Hóa sẽ gặp phải khó khăn nhất định. Bởi vì số thẩm định theo nhiều nguồn còn khác nhau.
"Về nguyên tắc, tài sản, tài chính, thanh toán theo con số 31/9/2018 của Bộ trưởng. Chắc chắn Chính phủ sẽ không chấp nhận chuyện này và ước tính như vậy, khả năng Thanh Hóa phải thu hồi tổng 200 tỷ. Trong khi đó, nhà NCC thì vẫn còn thiếu", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm.
Nhân ý kiến của huyện Triệu Sơn và một số huyện, Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa có báo cáo tổng thể về vấn đề này và đề xuất cụ thể phương án xử lý vấn đề này để báo cáo và 3 Bộ trưởng (LĐ-TB&XH, Tài Chính và Xây dựng) sẽ phải ngồi với nhau để xem xét tỉnh Thanh Hóa cộng với các địa phương khác, sau đó báo cáo với Chính phủ để Chính phủ báo cáo với Thường vụ Quốc hội.
Đối với thắc mắc khi nào gọi là tử sĩ hoặc liệt sĩ, Bộ trưởng giải thích, tử sĩ và liệt sĩ khác hoàn toàn. Trong Pháp lệnh NCC cũng nói rất rõ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tất cả những trường hợp đã được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước năm 1995 thì không xem xét thay đổi về các chế độ, chính sách.
Về ý kiến cấp kinh phí cho nhân dân đi tìm hài cốt, theo Bộ trưởng: “Chúng ta hiện nay có những đội chuyên đi tìm kiếm, bốc cốt liệt sĩ. Tìm hài cốt liệt sĩ không phải là vấn đề đơn giản, còn nhân dân ai có điều kiện, có tấm lòng phát hiện, cung cấp thông tin, tham gia là khuyến khích. Nhưng Nhà nước không thể cấp kinh phí cho từng người đi tìm hài cốt được”.
Còn vấn đề tăng kinh phí di dời hài cốt liệt sĩ. Sau khi Pháp lệnh mới có hiệu lực thì sẽ rà soát tổng thể vấn đề kinh phí, chính sách.
Điều gì giải quyết được cho dân kết luận ngay
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Dương Đình Chức, xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa nêu ý kiến: Ông nhập ngũ ngày 3/6/1965, xuất ngũ tháng 1/1977. Ông cũng đã tái ngũ tháng 9/1978 và xuất ngũ phục viên tháng 4/1982.
Quá trình phục vụ trong quân đội là 15 năm 3 tháng. Nhưng thời gian tái ngũ do lụt bão đã mất Quyết định ra quân, chỉ còn giấy tờ chứng nhận thời gian chống Mỹ nên hưởng 1 lần 11 năm, Ban chính sách xã cắt thời gian tái ngũ không được hưởng chế độ 15 năm.
Còn ông Phạm Văn Quản, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc nêu ý kiến, ông làm hồ sơ đề nghị đi giám định vết thương, đã được Bộ chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh gọi đi giám định 2 lần nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Cục chính sách Bộ Quốc phòng trả lời 2 trường hợp và trả lời dứt điểm. Theo Bộ trưởng, cái gì giải quyết được cho dân thì kết luận ngay.
Theo đại diện BCHQS tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này có nhận được 2 ý kiến của cử tri kiến nghị về công tác chính sách.
Đối với trường hợp ông Chức, được hưởng chế độ trợ cấp một lần là 8 triệu đồng. Trường hợp này BCHQS đã thiết lập hồ sơ giải quyết chế độ, chính sách. Trước đây chế độ chính sách ông Chức khai trong hồ sơ chỉ có thời gian nhập ngũ từ 6/1965-7/1977; còn thời gian tái ngũ không khai và không có các giấy tờ chứng minh. Do đó không có cơ sở để lập hồ sơ.
Theo đại diện BCHQS, nếu như ông Chức liên hệ với đơn vị cũ xin lại được các giấy tờ chứng minh thời gian tái ngũ thì lúc đó mới có cơ sở để lập hồ sơ tiếp.
Trường hợp ông Quản, hiện nay BCHQS đã tiếp nhận và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục và ông cũng đã đi kiểm tra thương tật. Hồ sơ đã hoàn chỉnh và gửi đến các cấp có thẩm quyền chờ giải quyết.
Theo ý kiến của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trường hợp ông Quản khi tiếp xúc cử tri cách đây 2 năm (2017) tại huyện Ngọc Lặc, Bộ trưởng đã nghe chuyện BCHQS có mời lên 2 lần. “Nhưng đến bây giờ, bác (ông Quản-PV) là người dân tộc thiểu số, để thế này lớn tuổi rồi. Ai lại để chính sách chờ đợi mãi thế này được”, Bộ trưởng trăn trở.
“Tôi đề nghị Cục chính sách giúp cho Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ-TB&XH xác định chuyện này nhanh. Tinh thần phấn đấu trước Tết Nguyên đán giải quyết dứt điểm trường hợp này. Không thể để trường hợp kéo dài mãi thế này được. Được hay không được phải nói rõ với tinh thần ưu tiên những NCC với cách mạng”, Bộ trưởng đề nghị.
Để giải quyết vấn đề, theo Bộ trưởng: “Trường hợp bác Chức, cho hai phương án, bây giờ cũng phải vận dụng rất linh hoạt vì dân. Thứ nhất, có thể ở cơ quan cũ, đơn vị cũ mà còn hiện hữu thì đề nghị địa phương có văn bản gửi cho đơn vị cũ và gia đình cũng liên hệ trực tiếp để xem xác nhận lại thời gian tái ngũ. Nếu như có hồ sơ nào ở địa phương chứng minh được bác đã tái ngũ ở thời điểm này, đến thời điểm này về thì có thể xem xét vận dụng.
Thứ hai là địa phương có căn cứ để xác nhận bác Chức có đi tái ngũ và xuất ngũ ở thời điểm thứ hai thì có thể xem xét vận dụng. Chỗ này tôi đề nghị linh hoạt vận dụng, hoàn toàn đúng nguyên tắc, không có gì sai cả. Trong trường hợp phải giải quyết cách thứ hai thì nhân dân địa phương họp lại, xác nhận. Tỉnh đội và Cục chính sách xử lý linh hoạt, trên cơ sử đảm bảo nguyên tắc”.
Đối với ý kiến của ông Lê Doãn Nhân, xã Cát vân, huyện Như Xuân đại diện cho 17 trường hợp xã Cát Vân đã lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thương binh theo hướng dẫn của Xã đội và Huyện đội nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Theo ý kiến trả lời của BCHQS: Ban CHQS huyện và Phòng LĐ-TB&XH đã gặp và giải quyết, trả lời. Hiện nay hồ sơ thương binh của ông Nhân và các hồ sơ khác, theo quy định phải có giấy tờ gốc (giấy đi viện, giấy chứng nhận bị thương của đơn vị nơi công tác hoặc danh sách bị thương của đơn vị lưu lại, phô tô xác nhận của đơn vị). Nếu không có giấy tờ gốc thì phải có vết thương thực thể, có mảnh kim khí trong cơ thể.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời: “Tôi nhớ trường hợp này tiếp xúc cử tri cách đây 2 năm đã có ý kiến rồi và tôi cũng đã đề nghị Sở LĐ-TB&XH cũng như Văn phòng đoàn đại biểu có ý kiến để Tỉnh đội xem xét, kết luận sớm”.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị sau kết luận ngày hôm nay, Tỉnh đội chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH đưa tất cả các trường hợp này, xem xét hồ sơ, nếu đủ căn cứ pháp lý về giấy tờ thì đồng ý cho chuyển qua Hội đồng y khoa để thẩm định. Nếu như 17 trường hợp này còn kim khí, còn vết thương thì cho kết luận ngay. Đề nghị việc này phải kết thúc, cố gắng trước Tết Nguyên đán.
“Trường hợp nào được thì nói nhanh là được, không được thì nói với dân là không được. Để không phải đơn thư kiện cáo mất thời gian. Bao nhiêu trường hợp giải quyết được mà một số trường hợp này lại không giải quyết được, xót xa lắm”, Bộ trưởng trăn trở.
Đối với ý kiến của ông Lê Xuân Sơn về 52 trường hợp chưa được công nhận liệt sĩ và nhiều thương binh chưa được công nhận, theo Bộ trưởng đây là ý kiến rất hay: “Tôi đã nói rồi, bây giờ chọn Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định để làm điểm giải quyết chính sách về Thanh niên xung phong liên quan đến liệt sĩ và thương binh và hưởng chất độc hóa học”.
Theo Bộ trưởng, vừa qua Bộ đã đồng ý chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, người hưởng chính sách thương binh mà cựu thanh niên xung phong đang quản lý qua Sở LĐ-TB&XH quản lý để Sở chịu trách nhiệm chuyên môn, rà soát lại toàn bộ.
“52 trường hợp này hồ sơ đã gửi, đề nghị Cục NCC và Sở LĐ-TB&XH rà soát lại ngay tất cả các trường hợp này để báo cáo Bộ trưởng. Trường hợp nào đủ điều kiện thì khẳng định ngay; trường hợp nào không đủ điều kiện cũng trả lời với dân; trường hợp nào thiếu hồ sơ cần bổ sung thủ tục gì, hồ sơ gì thì trả lời rõ ràng với dân. Tinh thần, chậm nhất 15/1/2020 phải trả lời. Giao Thanh tra giúp cho Bộ trưởng giám sát toàn bộ quá trình giải quyết cuộc này của Bộ trưởng”, Bộ trưởng yêu cầu.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri các huyện Quảng Xương, Hà Trung, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Nông Cống, Hoằng Hóa… đã kiến nghị với Đoàn ĐBQH một số vấn đề sau: Bộ LĐ-TB&XH cần quy định rõ tiêu chuẩn của liệt sĩ và tử sĩ, chế độ đối với liệt sĩ và chế độ đối với tử sĩ; kiến nghị về việc cấp lại Huân chương chiến sĩ giải phóng, Huân chương chiến sĩ vẻ vang; chế độ mai táng phí dân công hỏa tuyến, đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; điều chỉnh danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến nạn nhân bị phơi nhiễm với chất độc hóa học; nâng mức hỗ trợ thanh toán tiền tàu xe, ăn ở thăm viếng mộ liệt sĩ và mức hỗ trợ cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sĩ; chi phí tổ chức tang lễ cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo Nghị định số 56/2013 không quá 2 tháng lương tối thiểu chung cho 1 trường hợp, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí do cấp nào chi trả…
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội cần xem xét, bổ sung thêm một số chính sách trong thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với NCC với cách mạng theo QĐ 22 …
Tại buổi tiếp xúc cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tiếp thu và trao đổi làm rõ 8 nhóm vấn đề về thực hiện chính sách đối với NCC như: Chế độ liên quan đến nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; vợ liệt sĩ tái giá; chế độ đối với bệnh binh; trợ cấp đối với các trường hợp thờ cúng liệt sĩ; hỗ trợ kinh phí đi tìm mộ liệt sĩ, kinh phí xây mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang…
Đồng thời, giải đáp một số ý kiến, kiến nghị của cử tri về chính sách liên quan đến QĐ 22.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Công tác thực hiện chính sách NCC là lĩnh vực rất quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp và toàn xã hội quan tâm. Việc lắng nghe, trao đổi trực tiếp với cử tri là nhu cầu, là trách nhiệm của ĐBQH và ngành LĐ-TB&XH, góp phần tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với NCC.
Duy Tuyên