Nếu không có Tết, sẽ buồn biết bao!
“Sao năm nào cứ đến gần dịp Tết cổ truyền của người Việt thì người ta lại rần rần bàn chuyện bỏ Tết thế các chị? Nếu bỏ Tết thì chị em công nhân mình buồn biết bao” - Em Hoa, quê Nghệ An, mới vào Sài Gòn làm công nhân được một năm, thắc mắc khi xóm trọ chúng tôi tụ tập nấu chè liên hoan cuối tuần.
Học xong phổ thông, Hoa không học tiếp mà vào Nam làm công nhân. Tính hoa hiền lành, từ nhỏ chưa bước chân ra khỏi huyện nên lần đi xa này với Hoa là một thử thách. Nhớ những ngày đầu, con bé gầy gầy, đen đen với đôi mắt to, sáng, cứ chiều chiều lại ngồi một góc nhà trọ. Thỉnh thoảng lại khóc sụt sùi vì nhớ nhà.
Chị em trong xóm trọ nhìn Hoa lại nhớ đến bản thân mình cách đây năm, mười năm. Những cô gái mới lớn, lần đầu xa quê, xa gia đình, một mình vào Nam nếm đủ mọi khó khăn, vất vả của đời công nhân. Rồi mỗi năm, chỉ mong Tết đến để được về quê, ôm lấy mẹ, cùng cha gói bánh chưng, cùng đứa em đi chọn cành đào, hít hà hơi lạnh lạnh, xoa xoa đôi bàn tay rồi áp lên má đứa em út… Tết đến, chị em được về quê. Thỏa bao nỗi nhớ mong.
Rồi cũng những chị em đó, vài năm sau lấy chồng, sinh con. Con được hai, ba tuổi lại gửi về quê cho ông bà, cả năm chỉ nhìn thấy con qua những tấm ảnh mờ nhạt được chụp bằng điện thoại rẻ tiền với người thợ chụp nghiệp dư ngoài 60 tuổi, đôi tay run run.
Cả năm, những đứa con chỉ biết đến sự có mặt của bố mẹ qua những cuộc gọi điện thoại để khi Tết đến, dù năm đó làm ăn khó khăn thế nào, lương bổng ra sao những người cha người mẹ là những công nhân xa quê cũng cố gắng thu xếp về quê ăn Tết mà đúng ra là để được gặp con, để ôm con vào lòng, xem con nay đã lớn được bao nhiêu…
Vậy mà người ta nằng nặc đòi bỏ Tết. Người ta viện nhiều lý do để đòi bỏ Tết. Trong đó có lý do “Công nhân về quê ăn Tết nên ở lại luôn ngoài quê hoặc vào trễ vì ăn Tết kỹ khiến cho doanh nghiệp sản xuất đình đốn, không xuất được đơn hàng”.
Những người đem lý do đó ra để đòi bỏ Tết thực không hiểu đời sống của anh chị em công nhân chúng tôi, không hiểu được doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang hoạt động sản xuất thế nào. Trường hợp nếu công nhân về quê ở hẳn, không trở vào các thành phố lớn để làm việc nữa một phần có thể sức khỏe của công nhân đã không còn phù hợp với cuộc sống ở các thành phố khi mà giá cả đắt đỏ, tiền lương không đủ sống.
Hoặc những người công nhân đó đã tìm được một công việc phù hợp ở quê mà chuyện này không phải hiếm khi các nhà máy mở ra ở các tỉnh bây giờ khá nhiều, chứ không còn tập trung ở các thành phố lớn như trước nữa. Nếu doanh nghiệp muốn công nhân trở vào ngay, các chủ doanh nghiệp phải có chính sách tiền lương, phúc lợi hấp dẫn.
Thực tế nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc sau Tết ở các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM tương đối cao, ngày đầu tiên đi làm đã trên 90%. Còn những công nhân vào trễ, họ có xin phép trước, hoặc các công ty còn tặng cho công nhân ngày phép đi đường, nhiều chủ doanh nghiệp chủ động sắp xếp lịch sản xuất, cho công nhân nghỉ Tết từ 12-20 ngày chỉ với lý do “Anh chị em công nhân quanh năm ở nhà máy, làm hết sức vì doanh nghiệp thì cả năm mới có một lần là dịp để gia đình sum họp nên để anh chị em được thoải mái”.
Và còn nhiều lý do khác nữa như Tết làm phụ nữ vất vả, nhà ai vất vả chứ nhà tôi thấy bình thường. Mỗi lần Tết đến, việc ai người nấy làm, đều có phân công rõ ràng, và phải thừa nhận rằng, được sửa sang lại nhà cửa, được nấu những món ngon đó là điều hạnh phúc không chỉ của riêng phụ nữ mà còn của mọi thành viên trong gia đình. Có thể những người đang lên tiếng đòi bỏ Tết đang thấy phiền hà với Tết nhưng đối với những người công nhân chúng tôi, Tết là một dịp để chúng tôi được đoàn tụ, chia sẻ với gia đình của mình.
Theo Báo Lao động