Làng bánh tráng 200 tuổi hốt bạc mùa Tết
Cứ vào khoảng tháng 11 âm lịch hằng năm, làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có từ 200 năm nay lại rộn ràng chuẩn bị mùa bánh Tết.
Đến Thuận Hưng những ngày giáp Tết này, mọi người sẽ bị quyến rũ bởi vẻ đẹp ngỡ ngàng của hàng ngàn vỉ bánh tráng xếp thành từng hàng dài như tấm lụa trắng uốn lượn theo các tuyến đường, mùi bánh tráng tỏa hương thơm ngát.
Kiếm bạc triệu mỗi ngày
Ngay từ sáng sớm nhiều mẻ bánh đã được ra lò. Nhịp sống lao động nơi đây vô cùng nhộn nhịp, ai cũng tất bật với công việc của mình, người tráng, người lấy bánh, người phơi bánh. Các ống khói đốt lò tráng bánh tỏa ra từ nhiều căn nhà.
Lò bánh của gia đình anh Trịnh Văn Nhũ ở khu vực Tân Thạnh, gia đình có kinh nghiệm làm bánh hơn 20 năm, đang trong không khí lao động khẩn trương. Vợ anh Nhũ thoăn thoắt đổ bột vào khuôn rồi đến khâu anh Nhũ lấy bánh ra từ khuôn để đưa lên vỉ chỉ mất khoảng 30 giây. Vừa nâng niu chiếc bánh đặt lên vỉ để phơi, anh Nhũ vừa nói: “Hiện giờ giá bánh lên được mấy phân rồi, tôi lãnh người ta 62.000 đồng/100 bánh. Cũng mừng lắm, vậy cho có động lực làm chứ cực quá mà”.
Anh Nhũ cho biết nghề tráng bánh này là do cha anh truyền lại cho anh, chính nghề này đã nuôi sống gia đình anh bấy lâu nay. Vì là nghề chính nên lò bánh của anh hoạt động quanh năm, trừ chi phí anh còn lãi 300.000 đồng/ngày đủ lo cơm nước. Vào những dịp Tết, lò bánh của gia đình anh nổi lửa từ khoảng 2 giờ sáng và hoạt động liên tục đến tận 4 giờ chiều mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bù lại, thu nhập vào những ngày này tăng lên gấp đôi nên mọi người rất háo hức.
“Mới đầu mùa thôi mà đơn đặt hàng đã nườm nượp rồi. Tôi nôn hết sức nhưng không dám nhận nhiều vì sợ làm không nổi” - bà Huỳnh Thị Giáo, một chủ lò bánh tráng ở Thuận Hưng, háo hức nói. Khách hàng đặt bánh đến từ khắp nơi ở ĐBSCL và cả nước ngoài, trong đó thị trường khu vực Cần Thơ, Hậu Giang chiếm đến 90%. Loại bánh truyền thống nơi đây là bánh mặn, bánh giòn.
Ngoài ra, bà con còn tráng bánh dừa, bánh ngọt theo yêu cầu của khách nhưng bánh giòn vẫn được ưa chuộng nhiều hơn. Vào dịp Tết, trung bình mỗi lò bánh mỗi ngày cho ra lò 2.000-6.000 cái bánh với giá dao động 45.000-65.000 đồng/100 bánh, cho thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày. Vì thế, mùa Tết còn là dịp để người dân tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập.
60 năm tráng bánh nuôi năm con khôn lớn
Nói về quá trình hình thành làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, không một ai biết được chính xác nghề này bắt đầu từ khi nào, chỉ biết nó được truyền từ đời này sang đời khác mãi cho đến nay đã gần 200 năm.
Bà Trần Thị Tư (79 tuổi, ngụ khu vực Tân Thạnh, phường Thuận Hưng) cho biết: “Tôi tráng bánh đến nay cũng được 60 năm rồi. Bây giờ thì truyền lại cho thằng con trai út làm, chứ tôi già làm không nổi nữa vì cực quá. Cái nghề này là do mẹ chồng tôi truyền lại cho hai vợ chồng tôi, chứ tôi cũng không biết nó có từ khi nào. Nhờ nghề làm bánh tráng mà tôi nuôi lớn năm đứa con”.
Dụng cụ để tráng bánh gồm cái lò trấu lớn, bánh được tráng trên một cái nồi lớn có căng vải để cho bánh vào tráng, một cái gáo dùng múc nước gạo, một ống lăng lấy bánh và không thể thiếu những chiếc vỉ phơi. Nhìn bên ngoài, chiếc bánh có vẻ rất đơn giản nhưng để làm ra một chiếc bánh phải trải qua nhiều giai đoạn công phu và tỉ mỉ.
Theo những bậc tiền bối trong nghề tráng bánh, nguyên liệu làm bánh chỉ có một thứ gạo. Tuy nhiên, để làm ra chiếc bánh vừa mịn vừa dai vừa giòn đặc trưng thì không phải dễ. “Làm bánh tráng đơn giản lắm, chỉ có một công thức duy nhất nhưng không phải ai cũng làm được, đó là phải biết chọn gạo và phải là người có tay nghề” - bà Tư cho biết. Theo bà Tư, loại gạo dùng để tráng bánh phải là gạo khô chứ không được chọn gạo dẻo vì bánh sẽ bị dính, không giòn và gạo 504 là loại được chọn làm bánh từ trước đến nay.
“Gạo ngâm chỉ sử dụng một lần, không để ngày hôm sau vì khi đó gạo sẽ sình lên, bánh bị chua. Một chiếc bánh ngon là mặt bánh trắng mịn, giòn và khi nhúng nước thì nó rất dai” - bà Giáo chia sẻ.
Công phu tráng bánh
Việc tạo ra một chiếc bánh cũng giống như sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay. Lượng bột để tạo ra một chiếc bánh cũng phải chuẩn và được đong bằng một cái gáo nhỏ, một gáo nước bột tương đương với một chiếc bánh thành phẩm.
Bột gạo được đổ lên tấm vải mùng căng trên một cái nồi. Bột được tán ra bằng khây và phải đảm bảo bột được tán nhanh, đều, tròn tay, vừa cỡ với vỉ phơi. Bánh được hấp bằng hơi nước, khoảng 10-15 giây là chín.
Đến khâu lấy bánh thì cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa người tráng và người lấy bánh. Vì lúc này bánh mỏng, ướt, rất dễ bị cuốn lại hoặc rách, khi ấy người lấy bánh phải thật nhẹ nhàng, một tay cầm ống lấy bánh, một tay nâng niu bánh đặt lên mặt vỉ.
Mỗi vỉ phơi có thể đặt được sáu chiếc bánh. Để bánh đảm bảo độ giòn và không bị bể thì người phơi phải canh thời gian. Nếu nắng đẹp thì chỉ phơi khoảng 30 phút là bánh đã khô, nếu phơi quá khô thì bánh bị bể. Bánh khô được lấy ra khỏi vỉ và sắp thành từng phần ngay ngắn, mỗi phần 50 hoặc 100 cái bánh tùy yêu cầu của khách.
“Để tạo ra chiếc bánh dù nhỏ như thế này nhưng vất vả lắm. Từ 1 giờ sáng tôi đã phải thức dậy chuẩn bị làm bánh rồi. Mấy ngày Tết này tôi làm suốt ngày đêm, không có thời gian nghỉ ngơi. Tôi phải mướn thêm hai người thay phiên nhau tráng bánh. Nhưng khi khách ăn người ta khen ngon là tự nhiên tôi hết mệt” - bà Giáo cười nói.
Những người thợ làm bánh ở đây ai cũng than thở rằng nghề này cực lắm nhưng lạ một nỗi là không một ai nói mình sẽ từ bỏ nghề. “Cực thật nhưng mà bỏ không được. Nghề truyền thống của ông bà truyền lại cho mình, nó ăn sâu vào máu thịt rồi làm sao bỏ được” - bà Giáo tâm sự.
Gần 200 năm hoạt động, đến nay làng nghề bánh tráng Thuận Hưng không chỉ là nơi sản xuất ra những chiếc bánh tráng ngon mà còn là điểm hấp dẫn thu hút nhiều khách đến tham quan, thưởng thức văn hóa ẩm thực, trải nghiệm nét đẹp du lịch miệt vườn sông nước.
Dẻo thơm và trăm bánh đều tăm tắp như một
Hiện tại làng nghề bánh tráng Thuận Hưng có 50 lò sản xuất bánh tráng bằng thủ công, trong đó có 14 lò sản xuất theo thời vụ vào thời điểm ba tháng giáp Tết Nguyên đán. Làng bánh tráng Thuận Hưng hoạt động quanh năm nhưng mùa cao điểm là giáp Tết Nguyên đán. Bánh tráng Thuận Hưng được người dùng ưa chuộng bởi chiếc bánh mịn, đều, dẻo thơm, đặc biệt là rất đều, trăm bánh như một.
Ông HUỲNH ĐỨC NHÃ, Phòng Kế hoạch tổng hợp
phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt , TP Cần Thơ
Xây dựng thương hiệu cho làng nghề
UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt dự án Hoàn thiện quy trình sản xuất bánh tráng Thuận Hưng, xây dựng nhãn hiệu cho làng nghề, thời gian 2017-2019. Các đơn vị đã tiến hành khảo sát và lấy mẫu bánh của 15 hộ đi kiểm định chất lượng. Nếu đạt yêu cầu thì đến năm 2019 chắc chắn bánh tráng Thuận Hưng sẽ có thương hiệu riêng của mình, để khách được cầm trên tay những chiếc bánh có in tên tuổi.
Theo PLO.VN