1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Một năm sôi động chuyện tăng lương

Tùng Nguyên

(Dân trí) - 2022 là một năm đặc biệt đối với người lao động (NLĐ) cả nước, khi mà người làm công hưởng lương khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp cùng được đón nhận quyết định tăng lương.

Tăng lương tối thiểu sớm 6 tháng, đàm phán kỷ lục

Thông thường, lương tối thiểu vùng được xem xét điều chỉnh qua mỗi năm thực hiện. Tuy nhiên, năm 2020 xảy ra dịch Covid-19 nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Việc lương tối thiểu bị trì hoãn, không điều chỉnh hơn 2 năm khiến lương thực tế của NLĐ không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu khi giá tiêu dùng tăng qua từng năm.

Tháng 4/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) bắt đầu xúc tiến khảo sát về lao động, tiền lương và mức sống của NLĐ tại 18 tỉnh thành để làm cơ sở tính toán, đề xuất tăng lương tối thiểu (bản chất là xác định lương tối thiểu năm 2023). Kiến nghị tăng lương tối thiểu nhanh chóng được Chính phủ thông qua. Hội đồng tiền lương quốc gia (do lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH làm Chủ tịch Hội đồng) bước vào các phiên đàm phán.

Đây là mùa đàm phán lương đặc biệt khi rất nhanh chóng, chỉ qua 2 phiên, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt được mức điều chỉnh lương. Đặc biệt hơn, Hội đồng thống nhất trình đề xuất tăng lương sớm hơn thông lệ 6 tháng, áp dụng ngay từ 1/7/2022 thay vì 1/1/2023 như bình thường. Kiến nghị từ Bộ LĐ-TB&XH được chấp nhận, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu mới áp dụng từ ngày 1/7/2022. Theo đó, mức lương tối thiểu của 4 vùng đều tăng khoảng 6%.

Một năm sôi động chuyện tăng lương - 1

Công nhân vui mừng vì được tăng lương, các chính sách bảo hiểm cũng tăng theo (Ảnh: Hữu Khoa).

"Thật bất ngờ" là từ mà TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội, chuyên gia cao cấp của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thốt lên khi nói về việc này. "Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất được mức và thời gian thực hiện việc điều chỉnh lương ngay trong phiên đàm phán lần thứ hai. Đây là điều rất đáng vui mừng, qua đó thể hiện các bên đều rất quan tâm đến người lao động và thể hiện tinh thần quyết tâm khôi phục và phát triển thị trường lao động"- ông Lợi nói.

Mức lương tối thiểu vùng mới, theo đó, sẽ được áp dụng trong ít nhất 18 tháng, thay vì 12 tháng như thông lệ, ông Lợi nhận định, mốc thời gian tăng lương từ 1/7 chưa có tiền lệ nhưng chấp nhận được vì việc đó có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp. Và như vậy, Nhà nước cũng bảo đảm được lời hứa điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2022 mà sàn lương này lại kéo dài cả năm 2023.

Mức lương tối thiểu mới ngay sau khi được áp dụng đã có tác động nhất định đến thu nhập, đời sống của NLĐ. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) về tình hình lao động việc làm quý III/2022, thu nhập bình quân của NLĐ làm công hưởng lương thời điểm đó là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 126.000 đồng so với quý II.

Tăng lương cơ sở song hành với tinh giảm đầu việc

Sau niềm vui của NLĐ khu vực ngoài nhà nước, đến ngày 11/11/2022, người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước cũng đón nhận tin vui khi Quốc hội thông qua việc điều chỉnh lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ mức 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng từ ngày 1/7/2023 (tăng 20,8%). Đây là quyết định được mong chờ sau khi mức lương 1.490.000 đồng đã được níu giữ từ 1/7/2019 đến nay, sau nhiều lần nhà nước phải lùi thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, do những khó khăn khách quan.

Một năm sôi động chuyện tăng lương - 2

Lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng từ ngày 1/7/2023 (Ảnh: Q.A).

Để thực hiện tăng lương cơ sở từ 1/7/2023, nguồn chi phí tăng thêm cần lo cho năm 2023 là khoảng 44.000 tỷ đồng, một gánh nặng không nhỏ. Tuy nhiên, theo Chính phủ, tăng lương cơ sở là cần thiết vì đã 3 năm mức lương làm căn cứ tính lương cho cán bộ, công chức, viên chức không thay đổi, đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, gia tăng chênh lệch với khu vực ngoài nhà nước. Từ đó đã xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, rời bỏ khu vực công.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Social Life), việc tăng lương cơ sở đến xấp xỉ 21% là tin đáng mừng đối với công chức, viên chức. Mức tăng này giúp họ giải quyết được nhiều khó khăn trước mắt trong cuộc sống dù đây vẫn chưa phải là giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề công chức, viên chức rời bỏ công sở.

Một năm sôi động chuyện tăng lương - 3

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội (Ảnh: NVCC).

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc phân tích: "Với một cử nhân mới ra trường hưởng lương hệ số 2,34 nhân với 1.800.000 đồng thì cũng chỉ được hơn 4,2 triệu đồng/tháng, chưa bằng lương tối thiểu vùng 1. Mức lương này làm sao đủ sống?".

Theo ông, bài toán tăng lương và tổng quỹ lương là băn khoăn của nhà nước suốt mấy năm qua. Nhưng điểm cốt yếu không chỉ nằm ở lương mà còn ở áp lực công việc. Khi nhà nước tinh giảm biên chế để tăng thu nhập mà đầu việc không giảm thì áp lực công việc sẽ đè nặng nhóm nhân lực còn lại.

Viện trưởng Social Life cho rằng, cần tính toán lại mối tương quan giữa thu nhập và khối lượng công việc. Những đầu việc nào quan trọng nhà nước cần làm, việc nào chỉ cần giữ vai trò điều tiết, việc nào có thể giao cho thị trường thì chuyển giao, như vậy mới giảm được đầu việc của nhà nước, giảm biên chế mà không tăng áp lực công việc.

"Muốn tăng lương một cách cơ bản thì phải giảm số người hưởng lương, mà khối lượng công việc không thay đổi thì áp lực dồn cả cho người còn lại. Như vậy sẽ không giải quyết được bài toán công chức, viên chức rời bỏ khu vực nhà nước". PGS.TS Nguyễn Đức Lộc nhận định.

Với 2 quyết định tăng lương, NLĐ làm công hưởng lương trong và ngoài khu vực nhà nước đều được hưởng lợi vì lương cơ bản tăng lên, thu nhập hàng tháng cao hơn trước, giúp họ giảm bớt một phần khó khăn, áp lực cuộc sống. Ngoài tăng thu nhập, việc lương cơ bản tăng lên cũng làm tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc hằng tháng cho NLĐ, dẫn đến mức hưởng lương hưu, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa, tiền lương ngừng việc… đều sẽ tăng theo.