Mong thoát "kiếp" làm thuê, lao động Việt ở nước ngoài mơ về nước làm chủ

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từ mong muốn đi nước ngoài làm việc để "đổi đời", giờ đây không ít lao động Việt hi vọng có thể tích cóp đủ tiền, học hỏi nhiều kinh nghiệm, kiến thức, tay nghề để trở về nước tự thân lập nghiệp.

Về nước càng sớm, càng tốt

Cận tết Nguyên đán 2024, nhiều lao động Việt ở nước ngoài càng bồi hồi hơn khi lại thêm một năm nữa đón Tết xa nhà.

Như Trúc (23 tuổi, quê tại tỉnh An Giang), lao động Việt tại Nhật Bản, cho hay năm nay kinh tế khó khăn, bản thân cô phải thắt chặt chi tiêu, giảm số tiền gửi về cho ba mẹ. Vì vậy, việc đón Tết xa nhà là điều không tránh khỏi.

Mong thoát kiếp làm thuê, lao động Việt ở nước ngoài mơ về nước làm chủ - 1

Lao động Việt tại Nhật mong mỏi tích cóp đủ tiền, kinh nghiệm, kiến thức để về quê khởi nghiệp (Ảnh minh họa: CTV).

Hiện tại, Trúc đang làm nhân viên tại công ty thực phẩm, chuyên nấu, chế biến suất ăn đóng hộp, với mức lương 22-25 triệu đồng/tháng. Số tiền này đã bao gồm cả giờ tăng ca. Phải tăng ca cô gái 23 tuổi mới có đủ tiền trang trải cuộc sống, và gửi về cho gia đình theo đúng kế hoạch.

Cô gái cho hay, mặc dù đây là giai đoạn khó khăn nhưng nước Nhật đã giúp cô học hỏi và trải nghiệm nhiều điều hay.

Từ đó, không chỉ thu nhập, Trúc còn có thêm kiến thức và trải nghiệm sống phong phú. Như nhiều lao động Việt tại nước ngoài, Trúc luôn mong mỏi ngày tích cóp đủ tiền, giúp gia đình và bản thân "đổi đời" rồi một ngày nào đó được trở về quê nhà.

Đồng cảm với Trúc, anh H.N. (30 tuổi), lao động Việt tại Nhật, từng nhờ bố mẹ vay mượn 200 triệu đồng để sang Nhật làm việc, mong sớm trả hết nợ, có tích cóp đáng kể trước khi trở về.

Mong thoát kiếp làm thuê, lao động Việt ở nước ngoài mơ về nước làm chủ - 2

Từ ý nghĩ muốn "đổi đời" khi đi nước ngoài, nhiều lao động Việt đã thay đổi mong muốn được tự thân lập nghiệp sau khi về nước (Ảnh minh họa: CTV).

"Xa quê, cuộc sống bon chen mệt mỏi, tôi đặt mục tiêu làm việc để kiếm tiền trả nợ, có chút vốn rồi về Việt Nam mở tiệm sửa chữa điện lạnh. Công việc này không cần vốn lớn hay kinh nghiệm nhiều", N. bộc bạch.

Anh Đặng Văn Vũ (25 tuổi, quê Gia Lai) chia sẻ anh đã đến Nhật Bản làm việc gần 5 năm. Trước đây, anh Vũ làm nhân viên vận hành máy xây dựng. Bước sang năm thứ 4 làm việc tại Nhật, anh chuyển sang làm nhân viên bảo dưỡng ô tô với mức lương 17 Man/tháng (khoảng 27,7 triệu đồng), cộng thêm tiền thưởng 2 lần/năm. 

Anh Đặng Văn Vũ tự nhận bản thân may mắn hơn vì đã trả được hết số nợ 300 triệu đồng vay mượn để đầu tư đi Nhật. Nếu anh sang Nhật đúng thời điểm khó khăn này, số tiền nợ không biết khi nào mới trả nổi. 

"Bố mẹ ở quê trồng cà phê, cuộc sống chẳng khá giả gì. Mục tiêu của tôi là dành dụm được 500 triệu đồng, giờ được một nửa rồi. Khi đủ tiền, tôi muốn về quê mở xưởng sửa chữa ô tô, cưới vợ rồi sống gần bố mẹ, lúc ông bà tuổi già sức yếu", anh Vũ tâm sự.

Đầu tư nhiều hơn cho lao động Việt

Tại một hội thảo về nâng cao hiệu quả đưa người Việt sang nước ngoài làm việc trong tháng 12/2023, bà Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, từng khẳng định các đơn vị cần chú trọng thương hiệu người Việt khi làm việc ở nước ngoài.

Mong thoát kiếp làm thuê, lao động Việt ở nước ngoài mơ về nước làm chủ - 3

Nhiều chuyên gia khẳng định rằng các đơn vị cần nâng cao thương hiệu người Việt khi làm việc ở nước ngoài, giúp người lao động có thể tự lập nghiệp khi trở về nước (Ảnh minh họa: Nguyễn Vy).

Theo bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo chuyển giao Lao động và Chuyên gia Haio (HAIO EDUCATION), qua nhiều năm, đơn vị thấu hiểu rằng người lao động Việt đi nước ngoài luôn có khát vọng lập thân, lập nghiệp. Đặc biệt là đối tượng người lao động đến từ những miền quê xa xôi, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn.

Trong đó, từ 1-3 tháng đầu khi sang nước ngoài, người lao động thường xem trọng việc muốn "đổi đời". Tuy nhiên, sau 3-6 tháng đào tạo, làm việc, công ty nhận thấy nhiều lao động thay đổi ý định, mục tiêu khác là tự thân lập nghiệp.

"Các đối tác nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, luôn muốn tuyển dụng được nhân lực Việt Nam có kiến thức, tay nghề, tác phong tốt trong lộ trình đào tạo. Từ đó, họ có thể đưa người lao động đi đúng theo định hướng nghề nghiệp", bà Hạnh nói.

Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc ESUHAI Group, chia sẻ trong 17 năm xây dựng và phát triển hệ sinh thái gồm 10 công ty thành viên tại Việt Nam và Nhật Bản, đơn vị đã đào tạo tiếng Nhật các trình độ cho hơn 32.000 học viên, kết nối cho hơn 16.000 người sang Nhật Bản học tập và làm việc.

Đáng chú ý, có hơn 10.000 thanh niên đã trở về nước đã tích lũy và không ít người áp dụng kiến thức, kinh nghiệm học được ở Nhật Bản vào trong công việc chuyên môn tại quê nhà.

Trong số đó, nhiều lao động từng làm thuê ở nước ngoài, nay có thể trở thành chủ một công ty hoặc quản lý, quản trị trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước có yếu tố hợp tác kinh doanh với nước ngoài và một số đơn vị khác.

Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là hơn 1,4 triệu người. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về khoảng 3,5-4 tỉ USD kiều hối, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống gia đình, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Người lao động không chỉ thoát nghèo, mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân đầu tư sản xuất, kinh doanh; đặc biệt tại những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài, diện mạo quê hương có nhiều thay đổi với nhà cửa khang trang, hiện đại, an sinh xã hội ngày càng được bảo đảm.