Minh bạch với các trường hợp miễn, giảm phí công đoàn

Lê Hoa

(Dân trí) - Kinh phí công đoàn là một khoản thu có tính chất bắt buộc nên việc miễn, giảm cần được đảm bảo bằng nguyên tắc cụ thể, minh bạch.

Theo văn bản tham gia ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi của Chính phủ tới Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ cho rằng Luật Công đoàn sửa đổi là dự án luật quan trọng, phức tạp, các chính sách được đề xuất chứa đựng nhiều nội dung mới, lớn, chưa có trong tiền lệ...

Bên cạnh nội dung về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn... Chính phủ còn có những đề nghị liên quan đến hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn.

Cơ quan soạn thảo Luật Công đoàn sửa đổi đề xuất các trường hợp được miễn, giảm kinh phí công đoàn. Chính phủ đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng, từ nguồn phí công đoàn.

Thực tiễn trong phòng chống dịch Covid-19 để khắc phục những khó khăn do dịch bệnh ngoài miễn giảm kinh phí, Quốc hội, Chính phủ còn ban hành các văn bản pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Nguồn kinh phí được lấy từ ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng kinh phí công đoàn là một khoản thu có tính chất bắt buộc nên việc miễn, giảm cần được đảm bảo bằng nguyên tắc cụ thể, minh bạch, tránh việc doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng kinh phí cũng được miễn giảm như những doanh nghiệp đóng đẩy đủ.

Vì vậy, Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các nguyên tắc để được miễn, giảm kinh phí công đoàn nhằm đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp đóng.

Liên quan đến vấn đề phân bổ, quản lý kinh phí công đoàn, dự thảo Luật công đoàn sửa đổi đề xuất công đoàn cấp trên cơ sở được quản lý, phân phối, sử dụng 25% tổng số thu công đoàn phí. Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động ở doanh nghiệp sử dụng 75% trên tổng số thu kinh phí công đoàn. 

Chính phủ đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá rõ cơ sở, căn cứ đưa ra phương án phân bổ theo tỷ lệ 25% và 75%.

Bên cạnh đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu cơ chế quản lý khác nhau với từng loại kinh phí để đảm bảo phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng.

Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và coi đây là một trong những giải pháp để xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để công đoàn có thể hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Vì vậy, Chính phủ cũng đề nghị cần quan tâm đến việc thiết kế các cơ chế có tính khuyến khích, thúc đẩy vấn đề xã hội hóa, đa dạng nguồn lực tài chính song song với việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn.