Mệt mỏi với nhân sự "chia tay đòi quà"

Hoài Nam

(Dân trí) - "Chia tay đòi quà" thường được nhắc đến trong mối quan hệ yêu đương, khi mà đường ai nấy đi. Nhưng đây cũng là vấn đề nhân sự mà nhiều công ty gặp phải khi hợp tác "đứt gánh".

Chị Trần Thu Hà, phụ trách nhân sự một công ty quy mô nhỏ ở quận Bình Thạnh, (TPHCM) chia sẻ về tình huống dở khóc dở cười khi chấm dứt hợp đồng với một nhân viên kinh doanh. 

Sau hơn một tháng làm việc, 2 bên thấy không hợp nhau, cùng đồng ý ngừng hợp tác. Chị trao đổi với nhân sự để thanh toán tiền nong, bàn giao công việc. Chàng trai chấp nhận nghỉ việc nhưng không chịu nhận... lương.

Mệt mỏi với nhân sự chia tay đòi quà - 1

Nhiều nhân sự khi nghỉ việc không quên "đòi quà" (Ảnh minh họa).

Tính thời gian làm việc, nhân viên này làm việc của tháng trước là 9 ngày và của tháng sau 23 ngày. Công ty ký hợp đồng thanh toán lương vào đầu tháng nhưng khi đó do bạn này chỉ mới làm mấy ngày, chị Trần Thu Hà để gộp những ngày công của tháng trước chung vào tháng sau để trả một lần. 

Giờ chị thanh toán, cậu ta từ chối vì cho rằng công ty đã chậm trả lương của tháng trước, yêu cầu phải đền bù. Dùng dằng mãi chưa giải quyết được, chị Trần Thu Hà thỏa thuận thế nào cậu ta cũng chưa chịu. 

Bây giờ đã quá thời hạn tính từ ngày chấm dứt hợp đồng phải thanh toán đầy đủ các khoản tiền mà vẫn chưa trả được lương cho nhân sự. Cậu ta chưa chịu nhận tiền, dọa khiếu nại nọ kia làm chị vô cùng đau đầu. 

Một câu chuyện tương tự. Bà N.T.H., Tổng giám đốc một công ty về lĩnh vực đào tạo ở quận Thủ Đức thở dài kể sau chấm dứt hợp đồng với một vị giám đốc đào tạo, công ty gặp rất nhiều sóng gió. 

Mọi việc chấm dứt hợp đồng đều đúng luật, cứ tưởng là ổn thỏa. Nhưng vài tháng sau, "người cũ" này lại âm thầm phá đám.

Với lợi thế trực tiếp phụ trách đào tạo, tiếp xúc với nhiều học viên, người này kích động học viên, giới thiệu họ sang môi trường mới. Nhiều học viên đòi rút hồ sơ, hủy hợp đồng. Điều này làm công ty thiệt hại, rơi vào khủng hoảng và việc giải quyết rất phiền phức.

"Người ra đi mà còn "quậy" thì công ty mệt mỏi vô cùng", bà N.T.H. thở dài. 

Tìm nhân sự: An toàn lúc chia tay 

Nhiều trường hợp người lao động không được tạo điều kiện, công ty không đảm bảo quyền lợi của họ khi nghỉ việc. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp rơi vào tình huống oái oăm khi nhân sự nghỉ việc, kể cả trường hợp nghỉ tự nguyện hay sa thải. 

Có những người ra đi để lại cho nơi cũ, đồng nghiệp cũ một "bầu trời oán hận", bôi nhọ đủ kiểu; rồi đến việc mang hết tài liệu, khách hàng đến nơi mới 

Chưa kể, có người khi nghỉ việc chơi bài "nhây", gây khó dễ, phá đám đủ kiểu mà những ai trong cuộc mới hình dung hết được. 

Từng phụ trách nhân sự cho nhiều doanh nghiệp, anh Lê Minh Vũ (TPHCM) tiết lộ có những trường hợp, để được an toàn, ngoài tuân thủ đúng luật, công ty phải "đi đêm" quà cáp, đáp ứng một số điều kiện của người ra đi. Đúng nghĩa "chia tay phải có quà" để được yên ổn.

Trong lần chia sẻ gần đây, ông Giản Tư Trung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED) nêu ra thực trạng, có thực tế nhân sự Việt, nhất là ở vị trí càng cao càng khó "chia tay êm đẹp".

"Tuyển một CEO nước người, nếu họ không làm được việc, sa thải trong tích tắc và xách ly về nước, mọi việc giải quyết theo hợp đồng. Trước khi về, họ vẫn cảm ơn vì đã cho tôi cơ hội đến đây. Còn nhiều nhân sự trong nước, nếu không hợp, chia tay rất nan giải, có khi họ quay sang "quậy" banh nhà lầu", ông Giản Tư Trung nói. 

Theo ông Giản Tư Trung, đó là lý do các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia vẫn "sính ngoại" cho những vị trí quan trọng, chấp nhận tuyển người nước ngoài và chấp nhận mức lương cao hơn mà có khi hiệu quả thấp hơn.

Dù hiện nay, nhân sự Việt có đủ trình độ để ngồi ở những vị trí cao cấp, thậm chí làm xuất sắc hơn nhiều người nước ngoài nhưng "thua trên sân nhà" do "chúng ta có nhiều người giỏi nhưng lại ít người chịu "lớn".

Điều quan trọng nhất khi bổ nhiệm nhân sự, nhất là vị trí cấp cao là yếu tố an toàn. An toàn không phải lúc đang hợp tác với nhau mà quan trọng hơn là khi chia tay.

Thái độ là thước đo đánh giá nhân sự

"Chia tay mà không đòi quà" là vậy. Khi chia tay, nhiều người mới thể hiện bản chất của mình rõ nhất. Không có trình độ thì không làm được gì hết, không được xem nhẹ trình độ nhưng trình độ không bằng thái độ", chuyên gia này bộc bạch.