Gần 12 % lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam là nhà quản lý

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Tính tới đầu tháng 4/2021, cả nước có 101.550 lao động nước ngoài làm việc, trong đó: Lao động giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8% và đông nhất là chuyên gia với 58%...

Thống kê mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, lao động nước ngoài làm đến từ 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…

Trong số hơn 100.000 lao động nước ngoài ở Việt Nam, số lao động thuộc diện được cấp phép lao động mới hoặc cấp lại chiếm tới hơn 93%. 

Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn hoặc các địa phương có dự án lớn với nhiều nhà thầu nước ngoài thi công, như: TP Hà Nội với hơn 4.400 người, Bắc Giang hơn 4.600 người, Long An hơn 5.600 người, TPHCM hơn 27.000 người… 

Gần 12 % lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam là nhà quản lý - 1

Nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài vào Việt Nam phục vụ các công trình trọng điểm, dự án lớn là không nhỏ.

Khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH về tình hình lao động nước ngoài có nhu cầu trở lại làm việc trong giai đoạn phòng chống Covid-19, cho thấy: Hầu hết lao động mà các doanh nghiệp đang thiếu hụt là vị trí nhà quản lý, chuyên gia dự án ở các công trình trọng điểm. 

Tình hình trên tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ, thời gian hoàn thành các hạng mục công trình, dự án trọng điểm, cấp thiết.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các vị trí trên sẽ dẫn đến việc bị ngưng việc, giãn việc ở một số vị trí khác trong doanh nghiệp, tác động tới nhiều ngành và lĩnh vực ở những công trình, dự án liên quan.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong năm 2020, tổng số nhu cầu của các địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đề nghị ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là hơn 20.000 lao động.

Các đề nghị cấp phép cho lao động nước ngoài vào nhằm phục vụ nhiều công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của nhiều tập đoàn đa quốc gia…

Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng trong nước đã có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu quay trở lại Việt Nam làm việc của lao động nước ngoài sẽ tăng và chủ yếu là nhóm lao động kỹ thuật cao, chuyên gia có kinh nghiệm quản lý và đã được cấp phép lao động hoặc đủ điều kiện để cấp giấy phép. 

Những hạn chế được Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra, qua đó nhằm có những giải pháp khắc phục trong công tác quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam.

Chế tài xử lý vi phạm hành chính về quản lý lao động nước ngoài chưa đủ mức răn đe đối với người sử dụng lao động và người lao động, các biện pháp còn chưa kiên quyết.

Nhiều quy định về điều kiện cấp phép lao động chặt chẽ góp phần bảo vệ lao động Việt Nam nhưng có thể gây khó cho một số doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nước ngoài.

Công tác phối hợp thông tin chưa chặt chẽ, kịp thời…