1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sa thải trái luật, công ty nước ngoài bị buộc bồi thường gần 7 tỷ đồng

Xuân Duy

(Dân trí) - Cho rằng ông V. có thái độ không chuẩn mực nên một công ty nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam đã sa thải nhân sự. Không đồng ý với quyết định trên, ông V. khởi kiện.

TAND cấp cao tại TPHCM vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp đơn phương chấp dứt hợp đồng lao động, giữa nguyên đơn là ông N.V.V. (SN 1972) và bị đơn công ty L. (có trụ sở chính tại Pháp)

Theo nội dung vụ án, ngày 1/9/2013, ông N.V.V. và công ty L. có ký hợp đồng lao động không thời hạn. Theo thỏa thuận, ông V. giữ chức Trưởng văn phòng đại diện (giám đốc vùng), có nhiệm vụ điều hành văn phòng và phát triển công ty tại Việt Nam.

Ngày 7/9/2017, nguyên đơn nhận được văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao đồng kể từ ngày 7/10/2017 mà không nêu lý do chính đáng. Không đồng ý với quyết định trên, ông V. nhiều lần khiếu nại yêu cầu bị đơn giải thích nhưng không nhận được phản hồi.

Sa thải trái luật, công ty nước ngoài bị buộc bồi thường gần 7 tỷ đồng - 1

TAND cấp cao tại TPHCM.

Nhận thấy hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của bị đơn là vi phạm luật lao động, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp, nên ông V. khởi kiện công ty L. ra TAND TPHCM. Theo đó, nguyên đơn yêu cầu tòa buộc bị đơn bồi thường số tiền hơn 378.000 Euro tương đương 9,9 tỷ đồng.

Phía công ty L. cho rằng trong quá trình làm việc, ông V. vướng phải nhiều sự than phiền từ khách hàng tại Việt Nam, gây đe dọa cho mối quan hệ kinh doanh của bị đơn. Phía công ty đã yêu cầu ông V. cải thiện thái độ cách ứng xử với khách hàng nhưng nguyên đơn không thay đổi.

Bên cạnh đó, công ty này khẳng định việc chấm dứt hợp đồng với ông V. là hoàn toàn đúng theo trình tự thủ tục của pháp luật, trên cơ sở tiến hành tái cơ cấu tổ chức tại Châu Á. Ngoài ra, nguyên đơn không đáp ứng đủ các điều kiện nên không tiếp tục bổ nhiệm làm trưởng đại diện.

Xử sơ thẩm, TAND TPHCM chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông V. buộc công ty L, phải bồi thường cho nguyên đơn tiền lương những ngày không đi làm là 4,3 tỷ đồng, tiền thuê nhà là 1,1 tỷ đồng, tiền sinh hoạt phí là 482 triệu, tiền học phí cho con là 644 triệu đồng, cùng một số chi phí khác. Tổng cộng số tiền bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn hơn 6,9 tỷ đồng.

Không chấp nhận phán quyết trên, bị đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ xét xử vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn giữ nguyên kháng cáo còn nguyên đơn đề nghị HĐXX bác kháng cáo giữ nguyên bản án sơ thẩm.

HĐXX cấp phúc thẩm nhận định căn cứ vào tài liệu và các chứng cứ có trong hồ vụ án thì việc bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông V. là trái quy định của pháp luật.

Theo hợp đồng lao động, 2 bên thỏa thuận lương cơ bản 80.000 Euro, phụ cấp nhà ở 24.000 Euro, phụ cấp chi phí sinh hoạt là 10.000 Euro, phụ cấp chi phí trường học cho các con là 7.300 Euro mỗi năm. Ngoài ra, các bên còn ký thêm nhiều phụ lục hợp đồng thay đổi tiền lương.

Do bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, căn cứ điều 42 Bộ luật Lao động, bị đơn phải trả lương cho nguyên đơn trong những ngày không được làm việc, bồi thường 2 tháng tiền lương do không nhận lại làm việc và các khoản phụ cấp khác...

Hợp đồng ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn không xác định thời hạn tuy nhiên giấy phép lao động cơ quan cấp cho ông V. cho thời hạn làm việc đến ngày 23/8/2019. Do đó, tòa xác định thời gian nguyên đơn không được làm việc từ ngày bị thôi việc đến ngày giấy phép lao động của ông V. hết hạn.

Từ những phân tích, đánh giá trên, HĐXX quyết định bác kháng cáo của nguyên đơn, tuyên y án sơ thẩm, buộc công ty L. phải bồi thường cho ông V. số tiền hơn 6,9 tỷ đồng.

Theo luật sư Nguyễn Thành Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) công ty này có trụ sở chính tại Pháp nhưng hiện đang có văn phòng đại diện tại Việt Nam, vì vậy văn phòng đại diện có nghĩa vụ thực hiện theo phán quyết của tòa.

Trong trường hợp văn phòng tại Việt Nam không có kinh phí để thực hiện nghĩa vụ thì công ty L. phải chuyển tiền từ Pháp qua để bồi thường cho nguyên đơn.

Cũng theo luật sư Sơn, nếu bị đơn chậm thanh toán tiền bồi thường thì các bên có thể thỏa thuận về lãi suất nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật, nếu không thỏa thuận được về lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.