1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Mê loại đặc sản "bốc mùi", 9X bỏ phố về quê khởi nghiệp

Ngô Linh

(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học loại ưu, có công việc tốt, Đinh Văn Đức vẫn quyết tâm bỏ phố về quê làm nước mắm, ước mong đưa thứ đặc sản "bốc mùi" vươn xa.

Cơ duyên đặc biệt đến với nghề làm mắm

Đinh Văn Đức (31 tuổi, ở thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) sinh ra trong một gia đình đông anh em tại làng chài ven biển. Năm lên 7, cha anh qua đời. Để có tiền nuôi con, mẹ anh phải làm mắm gánh lên thượng nguồn mưu sinh.

Mê loại đặc sản bốc mùi, 9X bỏ phố về quê khởi nghiệp - 1

Anh Đinh Văn Đức bỏ phố về quê làm nước mắm, giữ gìn ngành nghề truyền thống của cha mẹ (Ảnh: Ngô Linh).

Gia đình nghèo khó, anh tự lập từ nhỏ, quyết tâm thi đỗ đại học. Năm 2016, Đức tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng - loại Giỏi. Đức được nhiều nơi mời về làm việc nhưng anh lại do dự, bởi chưa nhìn thấy con đường mà anh muốn đi.

Và rồi cơ duyên đến khi anh bất nhận được lời đề nghị từ một cơ sở mắm ở Đà Nẵng muốn truyền nghề lại cho anh.

Đó là cơ sở mắm có truyền thống lâu đời và có tiếng. Họ chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh, nhưng không có người nối nghiệp, cảm thấy có duyên nên muốn truyền nghề lại chàng trai có tài, có chí.

Mối duyên bắt nguồn từ việc Đức xin làm thêm ở cơ sở sản xuất nước mắm để có tiền trang trải việc học.

"Đức là một thanh niên ham học hỏi, biết phấn đấu, đặc biệt cậu ấy rất yêu thích nghề làm mắm truyền thống, có tâm với nghề, truyền cho Đức là một quyết định đúng đắn", ông Nguyễn Hương (60 tuổi, ở Đà Nẵng), người có 30 kinh nghiệm làm nước mắm truyền thống, nói về quyết định truyền hết "bí kíp" làm mắm cho Đức.

9X bỏ phố về quê làm nước mắm, giữ gìn ngành nghề truyền thống (Video: Ngô Linh).

Với số vốn tích lũy khi còn là sinh viên đại học và vay mượn thêm từ người thân trong gia đình được hơn 800 triệu đồng, anh Đức đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống theo quy trình khép kín với diện tích hơn 2.000m2. Đức lấy địa danh quê hương đặt tên cơ sở "Mắm nhĩ Cửa Đại".

"Đây cũng coi như thực hiện ước nguyện của cha tôi. Cuộc đời mẹ và cha đều gắn liền với việc muối mắm mưu sinh, nuôi anh em chúng tôi khôn lớn", anh Đinh Văn Đức xúc động nói.

Đưa nghề mắm truyền thống vươn xa

Cơ sở làm mắm của anh Đức nằm gần ngay bến cá An Lương (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên). Cá tươi vừa cập bến sẽ được anh đưa vào bờ muối ngay, dù ngày hay đêm, để đảm bảo chất lượng nguyên liệu.

Đầu tháng Giêng hàng năm, anh chọn mua hơn 60 tấn cá cơm than của ngư dân mang về ủ, muối khoảng 8-12 tháng. Khi con cá chín rục, anh bắt đầu làm mắm nêm và lọc lấy mắm nhĩ.

Mê loại đặc sản bốc mùi, 9X bỏ phố về quê khởi nghiệp - 2

Cá cơm than tươi rói được chế biến, ủ 8-12 tháng rồi lọc lấy nước mắm (Ảnh: Ngô Linh).

"Cá cơm than đầu mùa to con, lượng đạm nhiều, tôi đưa về muối liền để giữ được độ tươi của cá. Đến khi nào mắm chuyển sang màu cánh gián hoặc gỗ phách là mang ra lọc với rổ tre và 3-4 lớp vải lót. Nước mắm lọc càng kỹ sẽ loại bỏ được cặn bã, xác cá. Từ đó, mắm thơm ngon hơn", anh Đức tiết lộ kinh nghiệm.

Mê loại đặc sản bốc mùi, 9X bỏ phố về quê khởi nghiệp - 3

Khi mắm ủ chuyển sang màu cánh gián hoặc gỗ phách, có thể lọc lấy mắm nhĩ (Ảnh: Ngô Linh).

Tự thân lập nghiệp không dễ dàng, suốt 7 năm qua, nhiều phen anh Đức suýt phá sản, bởi không chỉ giỏi nghề, làm chủ một cơ sở kinh doanh phải biết tính toán đầu vào, đầu ra. Thế nhưng chàng trai duyên nợ với nghề "cả ngày tắm trong mùi mắm" lại lấy đó làm vui mà không nản lòng. 

Hiện anh Đức đã đầu tư gần 3 tỷ đồng cho cơ sở, với 8 bể muối mắm bê tông và hàng chục bể sành. Toàn bộ khu sản xuất được lát gạch men sạch sẽ. Để đảm bảo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng năm anh đều mang nước mắm đến cơ quan kiểm định có uy tín ở Đà Nẵng để thẩm định chất lượng.

Mê loại đặc sản bốc mùi, 9X bỏ phố về quê khởi nghiệp - 4

Anh Đức đã đầu tư gần 3 tỷ đồng cho cơ sở với 8 bể muối mắm bê tông và hàng chục bể sành (Ảnh: Ngô Linh).

Mỗi năm, cơ sở cung cấp ra thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng hơn 30.000 lít nước mắm và hơn 30 tấn mắm nêm. Tổng doanh thu bán hàng hơn 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng.

"Để đưa sản phẩm đến nhiều thị trường, tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, từng bước hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm vào OCOP để khẳng định thương hiệu. Trong tương lai cơ sở sẽ mở rộng thị trường ở Hà Nội và TPHCM, xa hơn là xuất khẩu sang nước ngoài", Đinh Văn Đức kỳ vọng.

Ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên - cho biết, năm 2022, huyện có 3 sản phẩm đạt OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có nước mắm của anh Đinh Văn Đức.

"Hội đồng thẩm định của huyện công nhận nước mắm của anh Đinh Văn Đức đạt OCOP 4 sao. Chính quyền huyện cũng đã nộp hồ sơ lên hội đồng thẩm định OCOP tỉnh Quảng Nam xem xét", đại diện lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho hay.