Rời công ty Nhật về vay vốn khởi nghiệp với loại sản vật mặn mòi

Hoài Sơn

(Dân trí) - Từ bỏ công việc ổn định với mức lương tốt, anh Phan Công Quang (trú tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) quyết tâm vực dậy nghề làm mắm truyền thống của quê hương Nam Ô.

Gìn giữ nghề truyền thống

Khảo sát thực tế về tình hình lao động, việc làm, ngày 15/4, đoàn công tác của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm mô hình làm nước mắm tại Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Ô Long tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Anh Phan Công Quang (36 tuổi) - Giám đốc HTX chia sẻ, gia đình anh đã có nhiều thế hệ theo nghề làm mắm, anh là đời thứ 4 gắn bó với nghề gia truyền này.

Rời công ty Nhật về vay vốn khởi nghiệp với loại sản vật mặn mòi  - 1

Anh Phan Công Quang là một trong số ít người trẻ dám khởi nghiệp với mô hình làm nước mắm truyền thống (Ảnh: Hoài Sơn).

Trước kia, anh Quang làm thủ kho tại một công ty của Nhật với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Ngoài giờ làm, anh tham gia sản xuất tại xưởng làm mắm của gia đình. Quy mô xưởng khi đó còn hạn hẹp.

Đến năm 2016, anh lập HTX dịch vụ tổng hợp Ô Long với 7 xã viên, tạo điều kiện cho nhiều hộ dân cùng tham gia sản xuất, duy trì nghề truyền thống.

"Những năm đầu, HTX chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm và lợi nhuận khá thấp vì đa phần người tiêu dùng chưa biết nhiều đến thương hiệu nước mắm Nam Ô", anh Quang chia sẻ.

Năm 2017, anh Quang nộp đơn lên Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng để làm quy trình chứng nhận sản phẩm nước mắm truyền thống đạt chuẩn ISO.

Trải qua thời gian xét duyệt, kiểm định, thương hiệu nước mắm truyền thống của HTX Ô Long chính thức được công nhận đạt chuẩn ISO quốc tế, góp phần nâng tầm giá trị cho sản phẩm của làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô.

Rời công ty Nhật về vay vốn khởi nghiệp với loại sản vật mặn mòi  - 2

Nước mắm Nam Ô được làm từ cá cơm than, ủ muối trong 12 tháng (Ảnh: Hoài Sơn).

Nước mắm truyền thống của làng Nam Ô chủ yếu được làm từ cá cơm than, loại không quá to, cũng không quá nhỏ. Yêu cầu nghiêm nhất với nguyên liệu là cá đánh bắt về phải tươi, không ướp đá và tuyệt đối không rửa bằng nước ngọt.

Người trong làng thường ủ mắm theo tỷ lệ 10 cá, 4 muối, khoảng 12 tháng sau, nước mắm có thể sử dụng được. Riêng nước mắm tại cơ sở của anh Quang được muối theo tỷ lệ 12 cá, 4 muối để gia tăng độ đạm tự nhiên.

Các khâu sản xuất thủ công do người lớn tuổi, có kinh nghiệm lâu năm trong nghề đảm nhiệm, để cho ra sản phẩm chất lượng nhất.

"Niềm đam mê với nghề mắm đã thôi thúc tôi quyết định nghỉ việc để tập trung phát triển sự nghiệp. Khi bắt tay vào sản xuất, thực sự là có rất nhiều khó khăn. Xưởng sản xuất của tôi gặp những bài toán nan giải. Bấy giờ, trên thị trường cũng có hàng chục, hàng trăm thương hiệu nước mắm nên rất khó để có chỗ đứng cho nước mắm thuần thủ công, truyền thống gia đình tôi làm", anh Quang kể.

Mạnh dạn vay vốn xây dựng thương hiệu

Với quyết tâm vực dậy nghề truyền thống, năm 2022, anh Quang mạnh dạn vay vốn 600 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách quận Liên Chiểu để đầu tư mua chum vại, mở rộng nhà xưởng phục sản xuất và nhắm tới phục vụ hoạt động du lịch của địa phương.

Hiện tại, nước mắm Nam Ô và thương hiệu nước mắm Ô long anh Quang làm đang dần khẳng định vị trí trong bữa ăn hằng ngày của nhiều người dân Việt Nam. Trong tương lai gần, HTX sẽ nghiên cứu, đưa ra thị trường những loại nước mắm phù hợp với từng đối tượng.

"Trung bình mỗi năm, xưởng của tôi sử dụng hàng chục tấn nguyên liệu (muối, cá cơm), tổng doanh thu 2 tỷ đồng/năm. Số tiền này sau đó được tái đầu tư hệ thống. Thu nhập của các xã viên hiện nay cũng khá ổn định. Đó cũng là động lực để níu chân những người trẻ quyết tâm bảo tồn nghề truyền thống" - anh Quang thổ lộ.

Rời công ty Nhật về vay vốn khởi nghiệp với loại sản vật mặn mòi  - 3

Cá sau khi muối sẽ được bọc vải và lọc để thu được loại mắm nhĩ tinh khiết (Ảnh: Hoài Sơn).

Đại diện phòng Chính sách việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng cho hay, thành phố hiện áp dụng chính sách "5 không, 3 có" với mục tiêu hướng đến là người dân có việc làm.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành kế hoạch "có việc làm" giai đoạn 2021-2025. Các quận, huyện đã cụ thể hóa thành các nội dung cụ thể. Những người dân, hộ gia đình có dự án, đề án khởi nghiệp sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm sẽ được hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.

"Trên địa bàn quận Liên Chiểu, gia đình anh Quang là một trong những hộ vay vốn ngân hàng chính sách, làm ăn rất hiệu quả. Đặc biệt, mô hình này không chỉ giải quyết việc làm cho người nhàn rỗi mà còn góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống", đại diện Phòng Chính sách việc làm Đà Nẵng ghi nhận.