Lương tối thiểu 2017: Bài toán quá khó khi hài hòa lợi ích 2 bên
(Dân trí) - “Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần tăng lương tối thiểu để bảo đảm lộ trình đã đặt ra theo quy định của Luật Lao động. Nhưng việc xác định bao nhiêu là hợp lý cũng là bài toán không đơn giản, nhằm hài hòa lợi ích của chủ sử dụng lao động và người lao động”.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - trao đổi với PV Dân trí những nhận định riêng về kết quả đàm phán mức đề xuất lương tối thiểu 2017, vừa được Hội đồng tiền lương Quốc gia thông qua hôm 2/8 tại Tam Đảo.
Thưa ông, với tư cách là chuyên gia nhiều năm theo dõi diễn biến lương tối thiểu, ông đánh giá ra sao với mức đề xuất tăng 7.3 % cho năm 2017?
Mức 7,3% là con số thấp nhất so với 2 năm 2015 và 2016. Trong điều kiện giá sinh hoạt luôn được kìm chế ở mức thấp sẽ có lợi cho người lao động. Tuy nhiên, với điều kiện sản xuất kinh doanh hiện nay, việc tăng lương phần nào gây áp lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày và thủy sản.
Sáng nay và ngày hôm qua (2/8), ngay sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia công bố đề xuất Chính phủ về mức tăng lương tối thiểu, tôi đã nhận được nhiều ý kiến cả bằng văn bản và điện thoại của các đơn vị đề nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 hoặc tăng ở mức thấp hơn.
Với tư cách là chuyên gia tiền lương, tôi xin khẳng định lại rằng, trong điều kiện hiện nay vẫn phải tăng lương tối thiểu vùng để bảo đảm lộ trình đã đặt ra theo quy định của pháp luật lao động: “Mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Bởi mức lương tối thiểu chỉ là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường.
“Nếu kiềm chế được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ là cơ sở để nâng giá trị sức mua của tiền lương nhằm bảo đảm tăng tương ứng nhu cầu sống tối thiểu. Do đó, việc tăng tiền lương tối thiểu là cần thiết, nhằm đạt lộ trình. Nhưng mức xác định phải hợp lý để giải quyết hài hòa lợi ích của cả chủ sử dụng lao động và người lao động” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Như vậy, theo ông bài toán giữa năng suất lao động, mức sống tối thiểu và tiền lương được giải quyết tới đâu?
Ở đây cần phải nhận thức đúng: Tiền lương tối thiểu là gắn chặt, hữu cơ với nhu cầu sống tối thiểu cần thiết, không hoàn toàn là phụ thuộc vào năng suất lao động.
Năng suất lao động phụ thuộc chủ yếu vào tiền lương, tiền công, đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất hợp lý và quản trị doanh nghiệp tốt.
Tiền lương luôn là đòn bẩy tăng năng suất lao động nhưng phải theo nguyên tắc, tốc độ tăng năng suất lao động phải tăng nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân.
Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 91 Bộ Luật Lao động đã quy định về lương tối thiểu, đó là: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động. Chính phủ công bố mức tiền lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia”.
Điều này có nghĩa là ngoài căn cứ nhu cầu sống tối thiểu thì 2 yếu tố cũng rất quan trọng để xem xét tiền lương tối thiểu đó là điều kiện kinh tế - xã hội và giá nhân công trên thị trương theo quan hệ cung - cầu.
Tôi đề xuất là phải có ngay những căn cứ chung để xác định nhu cầu sống tối thiểu bao nhiêu là phù hợp và phải do một cơ quan Nhà nước duy nhất công bố.
Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định mức tăng 7,3% đáp ứng được 90 % mức sống tối thiểu và làm tăng thêm chi phí của doanh nghiệp trung bình 0,46 %, đặc biệt với ngành dệt may là 2,9%. Ông đánh giá ra sao về khả năng chịu đựng của doanh nghiệp?
Đối với doanh nghiệp tăng lên một đồng chi phí là rất khó khăn, vì liên quan đến giá thành sản phẩm và sức ép hội nhập. Trong khi đó, mức tăng 7,3% này mới đáp ứng được 90% nhu cầu sống tối thiểu cũng là khó khăn cho người lao động. Bài toán đặt ra ở đây là hai bên cùng chia sẻ thuận lợi và khó khăn.
Đã đến lúc chúng ta phải tính đến cả các giải pháp khác đồng bộ hơn. Không chỉ là thương lượng tiền lương tối thiểu vùng mà cả có thêm giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn lao động, đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất hợp lý và quản trị doanh nghiệp tốt hơn.
Chính phủ cần có chính sách và giải pháp cho các ngành bị tăng thêm chi phí cao hơn như dệt may. Vì ngành này sử dụng lao động tay nghề thấp nhưng thu hút nhiều lao động hoặc có những khoản đóng góp của doanh nghiệp có thể nghiên cứu đề xuất giảm dần khi quỹ kết dư cao.
Khi đó, khả năng chi trả như 1% bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…sẽ là cơ sở giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 2/8, đại diện Tổng LĐLĐ VN cho rằng vẫn chưa hài lòng với mức đề xuất tăng 7,3 % vì còn quá thấp. Trong khi đó, VCCI cho rằng mức 7,3% là sự nhượng bộ của giới chủ với người lao động và thể hiện được khả năng chi trả của doanh nghiệp. Ý kiến của ông về việc này ra sao?
Cả 2 ý kiến này đều có lý. Họ phải bảo vệ cho lợi ích của mỗi bên vì mục tiêu đặt ra của các bên chưa đạt.
Ông có nhìn nhận gì về lộ trình của câu chuyện lương tối thiểu trong thời gian tới đây?
Pháp luật đã quy định rõ và xu hướng phát triển đang phù hợp. Nhưng tôi cảm nhận có lẽ chúng ta đặt ra mục tiêu có gì đó chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, trong khi mong muốn của chúng lại đi trước khả năng hiện thực.
Hơn nữa, cách nhìn cũng chưa toàn diện, cân bằng lợi ích của các bên cần được nhận diện lại. Chính vì vậy, Bộ Luật Lao động cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn nhất là vấn đề tiền lương, tiền lương tối thiểu theo ngành, thương lượng về tiền lương, lương tối thiểu theo giờ..
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện
Hiệp hội DN Nhật Bản: Kiến nghị hoãn tăng lương tối thiểu
Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại VN vừa có văn bản gửi Chính phủ liên quan đến việc tăng lương tối thiểu vùng 2017.
Hiệp hội cho hay trong phiếu điều tra dành cho đối tượng DN Nhật Bản hoạt động tại châu Á, châu Đại Dương cho thấy: 77,9% DN tại Việt Nam trả lời rằng việc tăng lương gây ảnh hưởng đến kinh tế, mức lương cao chỉ sau Trung Quốc, Indonesia đang được coi là thách thức kinh doanh lớn nhất.
Hiệp hội đề nghị: Trước việc Chính phủ đề ra lộ trình đến năm 2018 tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động (hiện tiền lương mới đạt 80% mức sống tối thiểu của người lao động). Cụ thể, đến năm 2018 mức lương của người lao động ở mức 200 USD, tiêu chí này lấy từ các nước khác như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines…Đồng thời, Hiệp hội cho rằng chi phí BHXH và công đoàn đã quá cao: “Ngoài ra, chi phí mà người chủ sử dụng lao động phải chi trả, cộng với chi phí BHXH và phí công đoàn trên mức lương tối thiểu đã vượt Philippines và sắp đuổi kịp Thái Lan”.
Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị nên hoãn lộ trình đến năm 2018 mức lương tối thiểu vùng chạm mốc 200 USD (hiện vùng 1 là 3,4 triệu đồng, vùng 4 là 2,4 triệu đồng).
L.V