Các bên nói gì về mức đề xuất tăng 7,3 % lương tối thiểu 2017
(Dân trí) - “Trước khi vào họp, tôi không tin là có được sự đồng thuận vào lúc 13h chiều nay với mức tăng 7,3 %. Mức tăng này phản ánh tình hình tiền lương thực tế, yếu tố năng suất lao động, phần nào đảm bảo đời sống người lao động và cạnh tranh”.
Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - trao đổi với báo giới trong cuộc họp chiều 2/8 tại Hà Nội về phiên đàm lương tối thiểu 2017 diễn ra sáng nay.
“Với mức tăng lương tối thiểu 7,3 %, đương nhiên chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên theo. Mức tăng tối đa sẽ là 0,46 %. Riêng ngành dệt may, mức chi phí sẽ đội lên khi tăng thêm 7,3% lương tối thiểu là 2,9%” - ông Phạm Minh Huân nói.
Trả lời về câu hỏi về mức tăng 7,3 %, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết: “Chúng tôi chưa hài lòng về mức tăng 7,3 %. Ban đầu chúng tôi đưa ra là 11,11 % ngày 20/7 ở Hải Phòng. Tuy nhiên, trong cuộc họp Chính phủ hôm 1/8, nhiều mục tiêu về chỉ số tăng GDP cuối năm đạt 6,3 % và CPI gần 5 %. Trong khi đó tình hình kinh tế các doanh nghiệp còn khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi đã quyết định xuống giảm xuống mức 10 % trong cuộc đàm phán sáng nay”.
Theo ông Mai Đức Chính, mức tăng lương tối thiểu 2017 là 7,3 % sẽ phải chịu sức ép của người lao động. "Vì thực tế đời sống người lao động còn khó khăn".
Lúc 13h ngày 2/8, tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu 2017 như sau: Vùng 1: tăng 250.000 đồng, tương đương 7,1 %; Vùng 2 tăng 220.000 đồng, tương 7,1 %; vùng 3 tăng 200.000 đồng, tương đương 7,4 %, vùng 4 tăng 180.000 đồng, tương đương 7,5 %.
Tính trung bình, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 được Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất là 7,3 % so với lương tối thiểu năm 2016, mức tăng dao động từ 180.000 - 250.000 đồng. Kết quả bỏ phiếu nhận được sự đồng thuận của 13/14 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia (1 thành viên vắng mặt), chiếm 92.85 %.
Về phía VCCI, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng mức tăng 7,3 % là sự chia sẻ của người sử dụng lao động với người lao động.
“Ban đầu, VCCI đề xuất mức 4-5 %. Năm 2016, doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi nhưng còn dễ tổn thương” - ông Hoàng Quang Phòng nói.
Cũng theo đại diện VCCI, mức tăng 7,3 % cũng đòi hỏi doanh nghiệp có nhiều biện pháp đổi mới công nghệ và quản trị, tăng năng lực cạnh tranh. "Chúng tôi thống nhất mức tăng như vậy đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp" - ông Hoàng Quang Phòng nói.
Theo ông Phạm Minh Huân, mức đề xuất ban đầu của các bên còn khá xa nhau với mức từ 5-6 %. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia cũng đưa ra nhiều phương án với biên độ dao động khá rộng nhằm giúp các bên có sự lựa chọn thêm.
“Tôi cho rằng, mức 7,3% đã phần nào đảm bảo đời sống người lao động và chia sẻ sức ép về yếu tố năng suất lao động” - ông Phạm Minh Huân kết luận.
Làm sao hạn chế tình trạng tăng giá sau tăng lương?
Theo ông Phạm Minh Huân, giá tăng sau khi lương tăng là thực trạng nhiều năm nay. “Trong điều kiện điều hành như hiện nay, chúng tôi sẽ bàn với các cơ quan chức năng để cùng bàn những phương án nhằm hạn chế tình trạng này”.
Hoàng Mạnh