Lương tối thiểu 2017: Phiên đàm phán hôm 2/8 có tìm ra sự đồng thuận?

(Dân trí) - Sáng nay (2/8), phiên đàm phán lần 2 về tăng lương tối thiểu 2017 của Hội đồng tiền lương Quốc gia đã diễn ra tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Với khoảng cách giữa 2 đề xuất từ 5-6 % so với lương tối thiểu 2016, khả năng các bên có sự đồng thuận trong phiên này vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Lương tối thiểu 2017: Phiên đàm phán hôm 2/8 có tìm ra sự đồng thuận? - 1

Phiên đàm phán lần 1 diễn ra hôm 20/7 tại Đồ Sơn, Hải Phòng đã cho thấy quan điểm của các bên còn khá xa nhau. Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) giữ quan điểm chỉ tăng mức 4-5 % so với lương tối thiểu 2016. Trong khi đó, điểm tạm chấp nhận của Tổng LĐLĐ VN là 11,11 %.

Vậy trong phiên 2/8, sự lựa chọn của các bên sẽ ra sao?

Tổng LĐLĐ VN khả năng sẽ có phương án lùi

Theo ghi nhận của PV Dân trí, việc tìm được ngay sự đồng thuận giữa Tổng LĐLĐ VN và VCCI về 1 phương án chung là khó. Bởi khoảng cách về đề xuất giữa 2 bên trước khi bước vào phòng họp sáng nay (2/8) còn tới 5-6 %.

Có lẽ điều này cần thêm những phương án bổ sung. Đây chính là điều mà bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tính tới với việc đưa ra 3 phương án.

Điểm mạnh của 3 phương án do Bộ phận kỹ thuật đưa ra là biên độ khá rộng, có tính kết nối với đề xuất của VCCI và Tổng LĐLĐ VN: Từ 7,1-10,4 % lương tối thiểu vùng năm 2016.

Trong đó, phương án 1 của bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương: Mức tăng dao động từ 250.000-350.000 đồng, tương đương từ 9,7-10,4% lương tối thiểu vùng năm 2016 khá gần với phương án đề xuất của Tổng LĐLĐ VN như đã nói ở trên.

Sáng nay (2/8), tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Hội đồng tiền lương Quốc gia gồm đại diện VCCI, Tổng LĐLĐ VN, Bộ LĐ-TB&XH đang có những đàm phán về lựa chọn phương án tăng khác nhau. Dự kiến, cuộc họ sẽ phải diễn ra tới buổi chiều 2/8 nếu như không có bên nào xin dừng đột ngột cuộc đàm phán.

Trao đổi với PV Dân trí chiều 1/8, ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN), cho rằng sự gần gũi về phương án này thể hiện cách đánh giá khách quan và đồng thuận trong các nhìn nhận của Tổng LĐLĐ VN và bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương về nhu cầu thực tế của người lao động.

Theo đánh giá của PV Dân trí, khả năng Tổng LĐLĐ VN có thể chọn phương án 1 (mức 10,4%) của bộ phận kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương Quốc gia là 1 trong số nhiều cách để điều chỉnh đề xuất, trong trường hợp phải giảm mức tăng trong diễn biến đàm phán sáng 2/8 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

VCCI sẽ chọn phương án nào

Đề xuất mức tăng 4-5 % ở Phiên đàm phán thứ nhất hôm 20/7, quan điểm của VCCI cho rằng mức tăng này đã bao gồm cả sức chịu đựng của doanh nghiệp trước những thay đổi về cách tính BHXH, BHTN, BHYT cũng như chỉ số GDP, CPI trong thời điểm năm 2016 và 2017.

Trước khi bước vào phiên đàm phán này, việc điều chỉnh của VCCI ít nhiều sẽ có bị tác động bởi kiến nghị hôm 20/7 của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản lên Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH về việc tạm dừng chưa tăng lương tối thiểu. Chưa kể, kiến nghị của Hiệp hội dệt may VN với đại diện Bộ LĐ-TB&XH cuối tháng 7 vừa qua về lương tối thiểu.

“Dù nội dung cuộc họp của Hiệp hội dệt may VN với Bộ LĐ-TB&XH được giữ kín nhưng khả năng sẽ theo tinh thần chung của bản kiến nghị trong tháng 5/2016 của Hiệp hội gửi tới Hội đồng tiền lương Quốc gia, về tạm dừng không tăng lương tối thiểu vùng 2017” - một chuyên gia tiền lương cho biết.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của những sự kiện trên, khả năng VCCI ít nhiều sẽ điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu 2017 để tương quan với sự điều chỉnh của Tổng LĐLĐ VN trong diễn biến đàm phán lương.

Nhưng VCCI chấp nhận nhích lên mức nào vẫn còn là một câu trả lời để ngỏ.

Trao đổi với PV Dân trí trước Phiên họp, một chuyên gia về tiền lương của VCCI cho rằng khả năng VCCI dùng quyền tạm dừng cuộc họp có thể xẩy ra nếu chưa tìm được sự đồng thuận.

Quyền xin dừng cuộc họp dường như cũng được chia đôi với giữa VCCI và Tổng LĐLĐ VN. Trao đổi với báo giới sáng 2/8, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cũng không loại trừ khả năng này.

Hoàng Mạnh

Tin vắn:

Ban hành danh mục nghề có nguy cơ cao về tai nạn, bệnh nghề nghiệp

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH quy định một số nội dung tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Lương tối thiểu 2017: Phiên đàm phán hôm 2/8 có tìm ra sự đồng thuận? - 2

Theo đó, Thông tư yêu cầu, đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong 11 ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thì người sử dụng lao động áp dụng bắt buộc việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc.

Danh mục 11 ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm: 1- Khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế; 2- Sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; 3- Sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại; 4- Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim; 5- Thi công công trình xây dựng; 6- Đóng và sửa chữa tàu biển; 7- Sản xuất, truyền tải và phân phối điện; 8- Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; 9- Sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày; 10- Tái chế phế liệu; 11- Vệ sinh môi trường.

Trên tình hình báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động xác định nội dung, quyết định hình thức, tổ chức hướng dẫn cho người lao động thực hiện các nội dung sau: 1- Nhận biết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; 2- Áp dụng các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; 3- Phát hiện và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm về nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

C.P