Lùi phiên đàm phán lương tiếp theo tới cuối năm 2023

Sơn Nguyễn Hoa Lê

(Dân trí) - Sau phiên họp thứ nhất, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất phiên họp tiếp theo sẽ diễn ra vào quý IV năm 2023. Khi đó Hội đồng sẽ chốt lại khả năng tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.

Kết thúc phiên họp thứ nhất diễn ra sáng 9/8, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất thời điểm họp các phiên tiếp theo vào quý IV năm 2023 thay vì vào tháng 7, 8 như thông lệ.

Tại phiên họp hôm nay, đại diện người lao động, chủ sử dụng lao động... trình bày các căn cứ, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Về cơ bản, tất cả các thành viên đều chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, chia sẻ với đời sống của công nhân lao động, thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.

Trước đó, bộ phận kĩ thuật đã tính toán họp để đánh giá lại tình hình, để tăng lương cho năm 2024 vào cuối năm 2023. Đơn vị đưa ra đề xuất tăng lương vào thời điểm từ ngày 1/1/2024 hoặc ngày 1/7/2024. Mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc sao để lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, cần điều chỉnh lương theo chỉ số giá tiêu dùng để thu nhập thực tế của người lao động không bị giảm sút. Công đoàn mong muốn mức điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2024 tăng từ 5-6%.

Lùi phiên đàm phán lương tiếp theo tới cuối năm 2023 - 1

Phiên họp thứ nhất của Hội đồng tiền lương quốc gia.

"Chúng tôi thấy rằng đây là thời điểm cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động cũng cần được điều chỉnh tiền lương để bù đắp phần trượt giá, cải thiện một phần đời sống", ông Quảng nêu.

Ông Quảng cũng cho hay, thời gian qua, tổ chức công đoàn luôn đồng hành, hỗ trợ người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vững quan hệ lao động.

Trước phiên họp, tổ chức công đoàn thực hiện khảo sát ở 200 doanh nghiệp thuộc 6 tỉnh thành. Kết quả, trên 75% người được khảo sát cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Bên cạnh đó, 17,3% số người tham gia khảo sát phải vay tiền chi tiêu.

Theo ông Quảng, kết quả lấy ý kiến cho thấy người lao động muốn tăng lương từ đầu năm 2024 với mức trên 11%.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng cho hay: "Khi bàn về lương tối thiểu vùng, chúng tôi đồng ý cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh ngay lúc này thì không thể".

"Hội đồng tiền lương quốc gia chưa nên quyết định ngay việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong phiên họp này. Việc xem xét tăng lương cần có độ trễ và nên được quyết định căn cứ vào các thông số kinh tế, sản xuất thời gian tới đây", ông Phòng phân tích.

Sở dĩ đưa ra đề xuất trên, đại diện chủ sử dụng lao động lý giải, đời sống doanh nghiệp khó khăn. Nhu cầu cao nhất của người lao động lúc này là được đi làm và doanh nghiệp mong muốn tạo thật nhiều việc làm cho nhiều người. Nhiều doanh nghiệp đang chồng chất khó khăn vẫn gồng mình duy trì việc làm cho người lao động.

Hội đồng tiền lương quốc gia có vai trò xác định mức lương tối thiểu vùng và tư vấn cho Chính phủ về chính sách tiền lương. Hội đồng họp liên tục, định kỳ để đề xuất Chính phủ quyết định, công bố điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.