1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Phía đại diện người lao động đột ngột họp riêng tại phiên đàm phán lương

Sơn Nguyễn Hoa Lê
Đàm phán lương tối thiểu 2023

(Dân trí) - Trong phiên thứ nhất đàm phán lương tối thiểu 2024, đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xin họp riêng để thống nhất về thời điểm tăng lương.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Ngọ Duy Hiểu xin phép Chủ tịch hội đồng để đại diện người lao động có thể trao đổi riêng ít phút.

Theo ông Hiểu, các ý kiến họp đều thống nhất phải tăng lương. Song thời điểm họp phiên sau và thời điểm tăng lương chưa thống nhất. Chính vì vậy, đại diện người lao động xin hội ý riêng.

Phía đại diện người lao động đột ngột họp riêng tại phiên đàm phán lương - 1

Đại diện người lao động thảo luận bên lề phiên họp lương.

Trao đổi bên lề cuộc họp phiên thứ nhất của Hội đồng tiền lương Quốc gia, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng hậu dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, xung đột...  kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta bị ảnh hưởng rất nhiều.

Ông Thuấn cho rằng, chưa bao giờ ngành da giày, túi xách chịu nhiều sức ép đa chiều về đơn hàng như lúc này. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân chỉ mong được làm việc 4-5 ngày/tuần.

Vì vậy, liên quan đến điều chỉnh lương tối thiểu vùng cần xem xét động thái kinh tế, đặc biệt đơn hàng của năm 2024. Tháng 10, 11 là thời gian tốt nhất theo dõi tình hình kinh tế, đơn hàng.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, khảo sát tại 63 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm cho thấy, hơn 500.000 người ảnh hưởng đến việc làm, trong đó có gần 300.000 người thôi việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tuyển dụng hàng trăm vị trí việc làm.

"Năm 2024 chắc chắn phải điều chỉnh lương, vấn đề tăng lúc nào, mức tăng ra sao", đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nói.

Chính vì vậy, cần thêm thời gian để đánh giá về các yếu tố tăng lương. Do đó, đại diện Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Hội đồng tiền lương Quốc gia họp vào cuối quý IV để bàn về lương tối thiểu vùng. 

Trước đó, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng cũng cho biết: "Khi bàn về lương tối thiểu vùng, chúng tôi đồng ý cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh ngay lúc này thì không thể".

Theo Phó Chủ tịch VCCI, các chính sách chịu tác động rất nhiều đến điều chỉnh lương tối thiểu. Lương tối thiểu liên quan cân đối, tính toán Quỹ công đoàn, Quỹ bảo hiểm xã hội... mà các doanh nghiệp còn đề xuất giảm đóng quỹ này.

"Chúng ta chưa nên quyết định ngay điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong phiên họp này. Xem xét tăng lương cần phải có độ trễ, sẽ được quyết định căn cứ vào các thông số tới đây", ông Phòng tiếp tục nhấn mạnh.

Ảnh: Sơn Nguyễn