Lo tết cho người lao động cao hơn năm 2014
Tết Nguyên đán đã cận kề cũng là lúc người lao động tại nhiều doanh nghiệp chờ đợi về mức thưởng tết mà doanh nghiệp dành cho họ. Mặc dù tình hình sản xuất còn khó khăn, song nhìn chung mức thưởng tết của công nhân tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) trên địa bàn Hà Nội năm nay không có nhiều xáo trộn so với 2014.
Công nhân Nhà máy Canon, Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long sau giờ tan ca
Khá vật chất - nghèo tinh thầnCó mặt tại KCN Bắc Thăng Long đúng giờ tan ca. Khệ nệ ôm túi quà tết là một thùng bia Đại Việt, chị Ma Kim Xuyến (quê Phú Thọ), công nhân Nhà máy Canon Việt Nam cho biết, chị được hơn 3 triệu tiền thưởng tết cùng 2 túi quà do công đoàn dành tặng. “Vấn đề quan tâm nhất là mong sao đồng lương được ổn định hơn, bởi vì mình đã có thâm niên 5 năm làm việc.
Cố gắng lắm nhưng mức lương vẫn chỉ đạt hơn 4 triệu đồng, nhỉnh hơn công nhân mới vào chút ít. Đó là chưa kể năng suất, mức độ công việc, thời gian lao động, cách tính mức thưởng với bộ phận khác vẫn có sự chênh lệch đáng kể”.
Hầu hết những nữ công nhân như chị Xuyến nhập cư tại khu tập thể công nhân Nam Thăng Long đến từ nhiều vùng quê khác nhau của miền Bắc, miền Trung. Phần lớn trong số họ đều còn trẻ tuổi và chưa có gia đình, trình độ học vấn còn hạn chế, tay nghề thấp nên dẫn đến việc các nữ công nhân phải chấp nhận những công việc có cường độ làm việc cao, trong khi đồng lương eo hẹp.
Bởi vậy nên nữ công nhân nhập cư có cuộc sống chật vật, trong khi các chi phí: Nhà trọ, tiền điện tiền nước, lương thực, thực phẩm… không ngừng tăng cao. Hai chị em Giang và Hương cùng quê Nam Đàn (Nghệ An) tâm sự: “Lương chúng tôi cả tháng tổng cộng được khoảng 9 triệu đồng, phải trả tiền thuê trọ, xăng xe, ăn uống, điện nước, cưới hỏi… nên chẳng dư dả bao nhiêu.
Thế nên nhiều khi nghĩ mà sợ... tết! Vì mang tiếng là ra thành phố đi làm, quanh năm khi về tết không có tiền mua chút quà cho người thân! Hiện cũng nghe nói, công ty sẽ thưởng tết cho mỗi công nhân khoảng 3 triệu đồng. Giữ lại dành chi phí về, gửi gia đình ở quê là hết!”.
Giang buồn bã tâm sự và cho biết, gia đình rất khó khăn, học xong cấp III, 2 chị em cũng từng vào Nam làm công nhân. Tuy nhiên, lương trong đó cũng ba cọc ba đồng, đời sống đắt đỏ nên cách đây 2 năm em và một số bạn trở về quê, nộp đơn xin vào làm việc cho một công ty ở KCN Nam Thăng Long. Dù không có tình trạng nợ lương, chậm lương nhưng thu nhập không cao.
Không những thế yêu cầu công việc phải thường xuyên làm việc theo ca kíp, tăng ca, đã làm cho họ không còn thời gian để tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí, họ chủ yếu nghỉ ngơi trong phòng sau những giờ lao động mệt nhọc. Thêm vào đó là đời sống văn hóa tinh thần của nhóm nữ công nhân nhập cư rất nghèo nàn.
Chăm sóc sức khỏe cũng là một vấn đề mà các nữ công nhân nhập cư đang gặp phải, họ không có cơ hội để tiếp cận được với các dịch vụ y tế cũng như nhận thức còn hạn chế nên vấn đề chăm sóc sức khỏe chưa được chú trọng.
Cùng chung tâm trạng, chị Đỗ Thị Hường, công nhân một công ty may ở Gia Lâm cho biết, những ngày giáp tết nhưng cả gia đình chị cũng như các công nhân khác chưa có tâm trạng nghĩ về tết: “Công nhân may mặc, lương chỉ đủ sống, không có dư giả gì nên không nghĩ nhiều đến chuyện tết nhất. Hy vọng năm nay, công đoàn và công ty sẽ tăng thêm tiền thưởng cho chị em công nhân”…
Đảm bảo 1 tháng lương tối thiểu
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hà Nội gửi Bộ về tình hình thưởng tết: Mức thưởng tết âm lịch cao nhất vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 85,6 triệu đồng một người, cao hơn mức 65 triệu đồng của năm 2014. Tính trung bình, khối này có mức thưởng tết 3,75 triệu đồng một người, tăng 1% so với năm 2014.
Nhóm doanh nghiệp Nhà nước có mức thưởng tết âm lịch trung bình là 3,3 triệu đồng, tăng 5,7% so với năm 2014. Mức cao nhất của nhóm này và nhóm doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước đều là 25 triệu đồng một người. Trung bình mức thưởng tết âm của khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp Nhà nước tăng hơn 10%, mạnh nhất trong 4 nhóm, đạt mức 3,45 triệu đồng.
Ở nhóm doanh nghiệp tư nhân, thưởng cao nhất chỉ xấp xỉ 14 triệu. Tuy nhiên, mức trung bình của khối này đạt 3,7 triệu đồng, tương đương với mức thưởng của năm 2014.
Qua khảo sát của phóng viên tại một số KCN trên địa bàn Hà Nội, tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN-KCX Hà Nội đều khẳng định sẽ có tiền thưởng tết cho người lao động, mức trung bình từ 3 triệu đồng đến 3 tháng lương/người và những phúc lợi khác là quà, tiền tàu, xe. Như mọi năm, dự kiến năm nay số chuyến đưa đón sẽ tăng lên.
Công đoàn các KCN-KCX cũng đã rà soát 2.500 công nhân có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ. Dù thưởng chỉ là mức trung bình, song nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị khá chu đáo tết cho công nhân. Đơn cử như Công ty TNHH May Phù Đổng (huyện Gia Lâm), đại diện công ty cho biết đã lên kế hoạch chi tiết việc chăm lo tết cho người lao động.
Cụ thể, trích 15% tổng thu nhập của năm 2014 để chi lương tháng thứ 13 cho công nhân, dự kiến 7 triệu đồng/người; mỗi công nhân được tặng một túi quà trị giá 320.000 đồng, được mừng tuổi 100.000 đồng/người và hỗ trợ tiền vé xe về quê ăn tết...
Công ty TNHH Canon Việt Nam năm nay kết quả kinh doanh thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên, công ty cũng rất cố gắng đảm bảo cái tết chu đáo cho hơn 2 vạn lao động, với mức thưởng bình quân thấp nhất là 4 triệu đồng/người theo quy định (mức thưởng 1-2 tháng lương). Đồng thời, công ty còn tạo điều kiện, bố trí xe ca đưa đón công nhân về quê ăn tết, hỗ trợ thêm cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất) duy trì thưởng tết cho người lao động 1 tháng lương và quà gồm bánh mứt, kẹo, lịch… Người lao động cũng được đi các chuyến xe miễn phí của Liên đoàn Lao động Hà Nội để về quê đón tết.
Công ty Sei Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long) còn rà soát danh sách người lao động khó khăn để trợ cấp 500.000 đồng/người. Ngoài mức thưởng tết trung bình là 5-6 triệu đồng/người, người lao động cũng được tặng quà tết 200-300.000 đồng/người, được xem chương trình gala cười cuối năm, bốc thăm trúng thưởng tivi, tủ lạnh, với tổng cơ cấu giải thưởng lên đến 80 triệu đồng.
Với người lao động không về quê ăn tết sẽ được Ban Giám đốc tới thăm, chúc tết và tặng quà. Điển hình trong khối doanh nghiệp FDI, phải kể đến Công ty Yamaha (KCN Nội Bài) ngoài việc thuê các đầu xe đưa công nhân về quê ăn tết, công ty cũng công bố mức thưởng tết trung bình là gần 2 tháng lương, người lao động được nghỉ tết từ 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tết.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, việc tổ chức xe đưa đón công nhân về quê ăn tết, thưởng tết và những ưu đãi khác rất quan trọng để người lao động yên tâm công tác, người lao động còn được dự các chương trình liên hoan bổ ích cuối năm như xem văn nghệ, nhận quà tết trị giá 300.000 đồng/người.
Theo đánh giá của ông Ngô Chí Hùng, Phó ban Quản lý KCN-KCX Hà Nội, đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp trong tổng số hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại KCN-KCX Hà Nội vẫn đang lên kế hoạch lương, thưởng tết cho người lao động. Qua đánh giá sơ bộ của Ban Quản lý thì năm nay, đa số các doanh nghiệp đều có mức thưởng tương đương 1 tháng lương tối thiểu mới áp dụng từ ngày 1-1-2015 (hơn 3 triệu đồng).
Có một số doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động không lớn cho biết, mức thưởng là 2 tháng lương tối thiểu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp trên, công đoàn KCN cũng đang thực hiện lập danh sách số lượng công nhân đăng ký để bố trí xe, hỗ trợ đưa đón công nhân ở các tỉnh từ Quảng Bình trở ra về quê.
Nhìn chung, việc đảm bảo lương, thưởng tết đối với số lượng trên 13 vạn công nhân ở KCN-KCX Hà Nội đã có sự cố gắng nỗ lực từ các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn.
Theo Báo Năng lượng mới