1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tăng lương cơ sở lên 1.300.000 đồng/tháng từ 1.7:

Lo ngại giá chạy trước lương

Từ ngày 1.7 tới, lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ tăng từ mức 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng. Không ít người lo ngại lương chưa kịp tăng, giá cả đã leo thang. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại dự đoán với chỉ số CPI và lạm phát hiện nay, không cần quá lo về kịch bản “giá chạy trước lương” như trước.

Tăng lương cho 6-7 triệu cán bộ

Trao đổi với PV, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng vụ Ngân sách, Bộ Tài chính - cho biết việc điều chỉnh lương cơ sở từ ngày 1.7 nằm trong kế hoạch dự toán ngân sách của năm 2017 đã được Quốc hội thông qua. Dù việc điều chỉnh lương ít nhiều làm tăng chi thường xuyên so với năm 2016 nhưng không ảnh hưởng tới dự toán ngân sách chung của cả năm. Theo ông Hưng, sẽ có 6-7 triệu người được tăng lương trong dịp này trong đó công chức có khoảng 400.000 người, viên chức có trên dưới 2 triệu người còn lại là người về hưu, người có công...

Khi quyết định tăng lương, Quốc hội đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tiết kiệm để lo lương cho cán bộ. Cụ thể, chi thường xuyên của các bộ ngành, địa phương gần như không đổi và các đơn vị phải tự cơ cấu lại bằng cách tiết kiệm trong chi thường xuyên khoảng 10% và dành 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương thực hiện so với dự toán năm 2016 do Thủ tướng Chính phủ giao (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) cùng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2016 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có) để tăng lương.

Từ ngày 1.7.2017, mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng sẽ tăng thêm 7,4% đối với nhóm các đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1.7.2017 từ mức 1.210.000 đồng lên mức 1.300.000 đồng.


Minh họa của ĐAN.

Minh họa của ĐAN.

Lương tăng 1, liệu giá có tăng 2?

Phân tích về khả năng ảnh hưởng của lần điều chỉnh lương này, TS Đặng Đức Anh - Trưởng Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) - cho rằng mặt bằng giá sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo chuyên gia này, sau ngày 1.7 lương cơ sở tăng không nhiều, chỉ 90.000 đồng so với trước, nên dự báo không tác động lớn đến CPI. Hiện sức cầu của nền kinh tế đang yếu nên việc tăng lương với mức tăng thấp hầu như không có tác động đáng kể đến chỉ số giá, chủ yếu là tác động giá dịch vụ công.

Ông Đức Anh cho biết thêm, khi giá dịch vụ công tăng thì người dân sẽ phải tiết giảm chi tiêu ở các mặt hàng khác và nhờ tăng lương cơ sở, cán bộ công chức, viên chức sẽ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tiền lương tăng cũng sẽ bù đắp, giúp người dân có thêm nguồn kinh phí để chi tiêu nhiều hơn, hỗ trợ sức mua tăng lên.

Do đó, đây là yếu tố làm tăng sức cầu của nền kinh tế nhưng nhìn chung tác động sẽ nhỏ, không nhiều vì mức lương tăng không cao.

Khi được hỏi, liệu các tư thương có vin vào việc tăng lương để điều chỉnh tăng giá các mặt hàng hóa, dịch vụ không, ông Đức Anh cho rằng: “Với sức cầu thấp, tư thương phải nhìn vào sức mua. Trong bối cảnh sức mua thấp nếu tư thương “tát nước theo mưa” sẽ mất khách hàng; còn nếu sức cầu cao có thể tư thương sẽ vin vào đó để tăng giá.

Trong bối cảnh hiện nay, tư thương sẽ phải cân nhắc nếu tăng giá sẽ mất khách, do đó khả năng tư thương tăng giá thấp vì sức cầu của nền kinh tế đang yếu”.

Các lần tăng lương cơ sở tính từ năm 1993 đến nay. Ảnh: C.P
Các lần tăng lương cơ sở tính từ năm 1993 đến nay. Ảnh: C.P

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế tài chính và đầu tư - TS Đinh Thế Hiển cho rằng hiện nay lương công chức đang rất thấp, không tương xứng với công việc họ đang đảm nhận nên tiến trình tăng lương cho công chức cần tiến hành mạnh và nhiều nữa để mới đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ công chức.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định tăng lương cho công chức là hợp lý tại thời điểm này. Với khoảng 6-7 triệu công chức, viên chức được tăng lương cơ bản đợt này, mức tăng lương lần này không ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.

Nói về vấn đề “lương chưa tăng, giá đã tăng”, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, tình trạng này trước đây thường xảy ra do thời kỳ thiếu hàng, hàng ít nên “con buôn” tìm cách tăng giá. Người tiêu dùng lại “nhát” nên phải mua bằng được. Còn hiện nay, trong bối cảnh mới, các đợt tăng lương không liên tục như ngày xưa, mức tăng cũng rất thấp chỉ khoảng 5-7%, hơn nữa, hàng hóa rất dồi dào “10 người bán 1 người mua” nên hiện tượng “té nước theo mưa” không còn phổ biến và không được phép.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này trong chừng mực nào đó, hiện tượng này vẫn xảy ra một vài nơi và để hạn chế, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để chống hiện tượng làm nhiễu thông tin, gây sức ép tâm lý.

Bên cạnh đó, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cần duy trì hình thức bán hàng bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu việc tăng lương này trên diện hẹp không gây ảnh hưởng lên thị trường giá cả như ngày xưa, không nên để những kẻ đầu cơ làm rối thông tin, hoang mang tâm lý chấp nhận mua hàng với giá cao.

Về việc tăng lương có làm tăng giá cả thị trường, TS Nguyễn Minh Phong khẳng định tăng lương đợt này là tăng cho công chức, không có hiện tượng bù chi phí vào giá hàng hóa, nên giá cả hàng hóa sẽ ổn định, không có nhiều biến động.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: “Việc tăng lương cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng. Việc tăng lương cơ bản đã kìm lại khá lâu nên cũng đã đến lúc tăng lên. Trước khi tăng, tôi nghĩ các cơ quan chức năng đã tính toán kỹ. Yếu tố quan trọng để tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI là vấn đề cung - cầu. Còn yếu tố tâm lý không ảnh hưởng nhiều, vì vậy dù các bà tiểu thương có lợi dụng thông tin tăng lương cơ bản để hét giá thịt lợn lên bao nhiêu thì cũng không bán được hàng. Thậm chí việc tăng lương cơ bản được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy cho tăng trưởng”.

Theo Báo Lao Động