Ấn Độ cân nhắc chính sách "tiền lương cơ bản"
Với hơn 200 triệu người thuộc diện đói nghèo, Chính phủ Ấn Độ sẽ cân nhắc áp dụng chính sách tiền lương cơ bản vô điều kiện.
Như vậy, sau Phần Lan đã áp dụng thử nghiệm, Ấn Độ là quốc gia mới nhất và có quy mô dân số lớn nhất cân nhắc mô hình này.
Số tiền mà người Ấn Độ có thể được nhận là hơn 7.600 Rupee, tương đương hơn 2,5 triệu đồng/năm. Chia nhỏ cho 12 tháng thì con số là không lớn, nhưng các nhà kinh tế cho rằng khoản tiền mặt này là cần thiết để cải thiện cuộc sống những người nghèo khổ.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, vì quy mô dân số Ấn Độ rất lớn nên việc chi tiền cho toàn bộ người dân là không khả thi. Trước tiên, khoản thu nhập này sẽ dành cho nhóm 10% người nghèo nhất.
Theo CNBC, thu nhập phổ thông cơ bản ở Ấn Độ vẫn đang là đề xuất, tuy nhiên triển vọng hoàn toàn khả thi, trong bối cảnh các chính sách xóa đói giảm nghèo thời gian qua còn nhiều hạn chế.
Trong thông báo mới đưa ra ngày hôm qua (1/2), Chính phủ Ấn Độ cam kết tăng mạnh các khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm nhằm giảm tỷ lệ đói nghèo.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ nhấn mạnh, tình hình kinh tế vĩ mô quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đang tiến triển khả quan. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm nay là 7,1%, giảm nhẹ so với năm 2016, tuy nhiên chỉ số lạm phát và các chỉ báo rủi ro đối với nền kinh tế nằm trong tầm kiểm soát.
Theo VTV.VN