1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngừng việc tập thể gia tăng vì điều chỉnh lương cơ bản

Ngay trong tuần làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán Bính Thân, trên địa bàn TPHCM có ít nhất 2 cuộc ngừng việc tập thể, với sự tham gia của gần 6.000 công nhân (CN) phản đối chính sách tăng lương cơ bản của Cty.

Cuộc ngừng việc của công nhân Nissey kéo dài 8 ngày.
Cuộc ngừng việc của công nhân Nissey kéo dài 8 ngày.

“Nhanh tay”… lách luật

Những tháng cuối năm 2015, Ban giám đốc Cty TNHH Nissey Việt Nam (KCX Tân Thuận, TPHCM) đã cắt 200.000 đồng phụ cấp của CN và đưa vào lương cơ bản, làm cho lương cơ bản năm 2015 của CN Cty Nissey cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2016. Chính điều này là lí do để khi Nghị định 122/2015 về điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 có hiệu lực, Cty chỉ điều chỉnh “chút đỉnh”. Theo đó, lương cơ bản của CN bậc 1 là 3.746.000 đồng/tháng, CN bậc 4 (cao nhất) là 4.340.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, CN lại cho rằng, Cty “lách luật” bằng cách “nhanh tay” cắt giảm phụ cấp của CN trước đợt tăng lương, việc này là không hợp tình. Vào ngày làm việc cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, CN đã có kiến nghị gửi lên ban giám đốc Cty yêu cầu xem xét, ngày 4.2, CN tổ chức lãn công. Sau đó, tới 15.2 - ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết, CN tiếp tục lãn công, rồi ngừng việc, kéo dài 7 ngày liền.

Sau nhiều ngày thương lượng không thành công, ngày 22.2, Chủ tịch HĐQT của Cty Nissey từ Nhật Bản sang Việt Nam làm việc và trực tiếp đối thoại với CN. Cùng ngày, ban giám đốc Cty ra thông báo: Sẽ điều chỉnh tăng thêm 100.000 đồng/người/tháng vào phụ cấp bổ sung cho tất cả CN (áp dụng vào kì lương tháng 4.2016) và điều chỉnh mức trợ cấp bổ sung theo thâm niên, mỗi năm tăng 20.000 đồng, năm thứ 11 đến năm thứ 20 tăng 200.000 đồng. Tất cả những ngày CN ngừng việc, ban giám đốc vẫn trả lương đầy đủ, những CN nào làm việc trong những ngày này, Cty sẽ tính thêm cho CN một ngày phép.

Mặc dù chưa thỏa mãn với cách giải quyết của Cty, bởi yêu cầu của CN là Cty phải tăng 200.000 đồng vào lương cơ bản, tuy nhiên trước sự nhượng bộ của ban giám đốc Cty, sáng 23.2, tất cả CN đã quay trở lại xưởng để làm việc, chấm dứt cuộc ngừng việc kéo dài 8 ngày. “Chúng tôi hi vọng, từ nay về sau những bức xúc của CN sẽ được ban giám đốc Cty giải quyết ngay từ đầu, khi CN có gửi kiến nghị lên, hoặc ít nhất là đối thoại với CN. Giải quyết vụ việc bằng một cuộc ngừng việc tập thể là điều không ai mong muốn”, một nam CN nói.

Phớt lờ mọi khuyến cáo

Là cách ứng xử của Ban giám đốc Cty Woodworth Wooden Việt Nam (100% vốn Đài Loan, huyện Củ Chi, TPHCM) trước ý kiến đóng góp của cơ quan chức năng, tổ chức công đoàn (CĐ) huyện Củ Chi khi điều chỉnh lương tối thiểu. Hậu quả là sau đó, hơn 2.800 CN Cty Woodworth Wooden Việt Nam (100% vốn Đài Loan, huyện Củ Chi, TPHCM) đã ngừng việc 7 ngày liên tiếp, kể từ ngày đầu tiên đi làm lại sau Tết Nguyên đán.

Phía LĐLĐ huyện Củ Chi cho biết, cuộc ngừng việc này gần như đã được dự báo khi trước Tết Nguyên đán, Cty không phối hợp với CĐCS để thỏa thuận, xác định mức điều chỉnh theo lương tối thiểu vùng; không xây dựng thang, bảng lương, cũng không công khai việc điều chỉnh lương cho công nhân biết, LĐLĐ huyện đã yêu cầu Cty thực hiện đúng quy định song Cty tìm mọi lí do để khước từ.

Theo phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng mà Cty đưa ra thì khoảng 2.200 CN trực tiếp, có tay nghề bị đánh đồng với những CN mới tuyển dụng, chưa qua đào tạo nghề. Số CN này chỉ được tăng lương từ 3,3 triệu đồng/tháng lên 3,5 triệu đồng/tháng chứ không được cộng thêm 7% lương đối với lao động đã qua đào tạo nghề và 5% lương đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại theo quy định. Đối với khoảng 600 người còn lại - là những lao động có thâm niên làm việc nhiều năm hoặc đang đảm nhiệm các vị trí nhóm trưởng, tổ trưởng, quản lý - thì sẽ được tăng 350.000 đồng/người nhưng không cộng vào lương mà quy vào khoản thưởng hoàn thành kế hoạch.

Sau khi công nhân ngừng việc, Cty mới đồng ý áp dụng mức lương đã qua đào tạo và phụ cấp độc hại cho 2.200 CN trực tiếp song vẫn từ chối tăng 350.000 đồng lương cơ bản cho 600 người còn lại vì cho rằng mức lương của họ đã cao hơn lương tối thiểu vùng.

Ông Nguyễn Phi Hổ - Phó Ban Chính sách, Pháp luật LĐLĐ TPHCM - cho rằng, để hạn chế tranh chấp lao động tập thể, dẫn đến ngừng việc tập thể và đình công, cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 22-CT/TW của ban Bí thư Trung ương về xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN; Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về lao động giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ tại cơ sở, hỗ trợ DN xây dựng thang bảng lương, quy chế trả lương, quy chế thưởng…

Theo Báo Lao động