1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lao động Việt về nước sau 5 năm đi Nhật, hoang mang tìm việc

Gia Đoàn

(Dân trí) - Hồi hương sau quãng thời gian làm việc ở Nhật Bản, nhiều lao động gặp phải cú sốc, hoang mang tìm lối đi mới cho bản thân.

Mỗi lựa chọn đều đổi bằng thời gian và cơ hội 

Mới đây trên một diễn đàn việc làm của lao động Việt Nam tại Nhật Bản, một tài khoản không tiết lộ danh tính bày tỏ sự hoang mang, mất phương hướng sau thời gian xuất ngoại.

Người này cho biết đã tới Nhật Bản lao động 5 năm. Mới đây khi trở về nước, anh thấy "tắc tị", không biết bắt đầu lại từ đâu.

Băn khoăn về hướng đi cho tương lai, người đàn ông hỏi kinh nghiệm của những người đi trước xem liệu có nên đi học lại cao đẳng vào thời điểm "chưa biết làm gì" này hay không.

"Tôi từng nghĩ việc học không quá quan trọng. Tới khi về nước và đi tìm việc làm mới nhận thấy mình quá chủ quan", người này thừa nhận.

Ngay lập tức bài viết nhận được nhiều lời chia sẻ, đồng cảm của những người đi trước. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng việc quay trở lại giảng đường để bắt đầu lại không bao giờ là quá trễ.

Lao động Việt về nước sau 5 năm đi Nhật, hoang mang tìm việc - 1

Giang thời điểm còn ở Nhật Bản (Ảnh: NVCC).

Trao đổi về vấn đề này, anh Kiều Ninh Giang (27 tuổi, quê Bắc Ninh) kể từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

"Tốt nghiệp hết cấp 3 và học đại học ở Việt Nam được đôi tháng thì tôi xin bố mẹ cho sang Nhật du học theo dạng tự túc vào tháng 5/2016. Dù đã học một năm tiếng ở nhà nhưng sang đây, tôi gần như không hiểu được bài giảng trên lớp và cần thêm 2 năm học ngoại ngữ, rồi tranh thủ đi làm thêm.

Khả năng ngoại ngữ có hạn nên tôi chỉ làm được những công việc chân tay như bốc hàng, móc cống, làm cơm hộp. Một năm sau, tiếng Nhật tốt dần lên, tôi mới xin được việc ở quán ăn", Giang nhớ lại.

Đó là quãng thời gian chàng trai Bắc Ninh làm việc với cường độ như robot. Ca làm thường kéo dài 12 tiếng, từ 6h đến 18h hoặc 22h đến 10h hôm sau. Mỗi ngày, Giang tranh thủ về phòng trọ ngủ nghỉ, ăn uống rồi lại đi học hoặc đi làm.

Suốt một năm đầu, sung sức nên Giang ham mê kiếm tiền. Nhưng tới cuối năm 2017, anh bắt đầu thấy cơ thể rệu rã, mệt mỏi vì guồng công việc. Anh quyết định gửi hồ sơ đăng ký học cao đẳng ngành giáo dục quốc tế tại thành phố Nagoya thuộc tỉnh Aichi.

Chuyên ngành Giang đăng ký học chỉ cần thi viết và phỏng vấn đỗ là được nhận. Anh bắt đầu học tự túc từ tháng 4/2018. Chương trình học dự kiến kéo dài 2 năm. Mỗi ngày chỉ lên lớp nửa buổi nên Giang xin làm thêm ở quán ăn 5-6 tiếng đủ trang trải chi phí sinh hoạt, học phí.

"Để co kéo chi phí hàng tháng, tôi chấp nhận ở cùng 4-6 người một phòng, chia nhau tiền ăn uống, điện nước cho rẻ. Thời điểm đó, tính ra mỗi người một tháng chỉ mất khoảng 3-4 triệu đồng nên việc đi làm thêm cũng đủ để trang trải", Giang nhớ lại.

Cuối năm 2020, anh định học liên thông lên đại học nhưng đại dịch Covid-19 bất ngờ ập tới khiến nam thanh niên suy nghĩ nhiều hơn về tương lai.

Nếu ở lại Nhật tiếp tục học và làm thêm, khi về nước anh lo lắng chưa chắc tìm được việc phù hợp bởi thiếu kinh nghiệm thực tế. Bởi vậy, chàng trai 27 tuổi quyết định trở về.

Tháng 10/2020, Giang về được Việt Nam sau thời gian kẹt lại vì dịch thì thị trường lao động trong nước cũng rất khó khăn. Anh liên tục rải CV tìm kiếm công việc phiên dịch tiếng Nhật nhưng cơ hội không nhiều.

"Nếu được quay ngược thời gian, chắc chắn tôi không muốn bỏ phí quãng thời gian mấy năm ở Nhật như vậy", chàng trai Bắc Ninh tiếc nuối.

Cảm nhận đầu tiên của Giang khi trở về Việt Nam tìm việc là sốc và hụt hẫng. Những nơi mời anh đến phỏng vấn đều chỉ có mức lương không mong muốn. Anh rời Bắc Ninh lên Hà Nội cũng không tìm được việc nên phải làm tạm các công việc bán thời gian.

"Thời điểm cuối năm 2020, tôi cũng chỉ đặt mục tiêu có mức lương tối thiểu cho công việc biên phiên dịch tiếng Nhật là 8-10 triệu đồng nhưng cũng không tìm được. Nhà tuyển dụng hoặc muốn tìm người có kinh nghiệm, hoặc muốn neo mức lương thấp hơn", anh kể.

Lao động Việt về nước sau 5 năm đi Nhật, hoang mang tìm việc - 2

Trở về nước và xin việc, Giang hoang mang, loay hoay xoay xở một thời gian (Ảnh: NVCC).

Thấy tình hình không khả quan, Giang tính tới phương án mới cho bản thân.

"Trước khi về nước tôi đã làm sẵn bộ hồ sơ, nhờ người nhà gửi giúp để theo học ngành quản trị kinh doanh của trường Kinh tế Quốc dân, hệ đào tạo từ xa. Tháng 12/2020, tôi chính thức nhập học, trễ hơn vài tháng so với các bạn", anh cho biết.

Công việc bán thời gian chỉ mang lại nguồn thu nhập vừa đủ. Đi học, Giang vẫn phải nhờ bố mẹ hỗ trợ thêm.

Trong 4 năm theo học, Giang tiếp xúc với nhiều người cũng đang học văn bằng 2 như mình để tìm hiểu thêm về nhu cầu tuyển dụng ở Việt Nam, cần học thêm gì, định hướng tương lai ra sao...

Sau đó, tại quê nhà ở Bắc Ninh, Giang tìm được công việc vị trí quản lý xưởng cho một doanh nghiệp Nhật với lương cơ bản 6-7,5 triệu đồng chưa kể tăng ca làm thêm và một số khoản phụ phí. Tuy nhiên anh cũng không gắn bó với công việc này lâu dài.

Tháng 4/2024 là thời điểm Giang nhận được bằng kinh tế. Anh dự kiến ở lại Bắc Ninh làm việc nhưng đang học thêm tiếng Trung vì hoạt động trên địa bàn chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc.

"Hiện tôi rất tự tin, tấm bằng mới có thể thương lượng lương từ 10,5 triệu đồng. Nếu biết tiếng và làm ở công ty Trung Quốc, lương của tôi có thể từ 15 triệu đồng/tháng vì còn có cả vốn tiếng Anh", anh tính toán.

Và với câu chuyện của mình, Giang cho rằng nếu đã chọn sai phương hướng, việc làm lại là cần thiết, bắt đầu không bao giờ là quá muộn.

Đi làm việc ở nước ngoài đã và đang là lựa chọn của nhiều lao động trẻ trong hành trình lập nghiệp. Đây là hướng đi tích cực giúp giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, một nội dung quan trọng được cơ quan quản lý nhà nước đặt ra là tập trung giải quyết việc làm cho người đi lao động hết hạn hợp đồng trở về nước. Lực lượng lao động trở về được xem là guồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề, cần tận dụng, phát huy.

Thực tế, giai đoạn trước đây, người lao động đi làm việc ở nước ngoài mục đích chủ yếu để có thu nhập. Gần đây, kinh tế đất nước phát triển, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc hướng đến mục đích cao hơn là học tập, tiếp thu kiến thức, kỹ năng, công nghệ, tác phong công nghiệp... mới để về khởi nghiệp hoặc làm việc trong các công ty lớn tại Việt Nam.

Bộ LĐ-TB&XH chú trọng định hướng để các doanh nghiệp trong nước ưu tiên tuyển dụng những lao động đi làm việc nước ngoài trở về vì khả năng nắm bắt công việc nhanh, không cần đào tạo lại.

Hiện tại, tình trạng thiếu lao động kỹ thuật ở các nhà máy rất phổ biến nên cơ hội để những lao động đã từng làm việc ở nước ngoài trở về ngày một rộng mở.