Lao động Việt nhận lương bằng nửa Trung Quốc: Nghỉ quá nhiều...

Chúng ta không thể chỉ trách doanh nghiệp Nhật đối xử không công bằng với công nhân mà cần nhìn lại năng lực thật sự của đội ngũ lao động Việt Nam.

Lỗi do công nhân Việt Nam

Một khảo sát mới đây của Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, công nhân người Việt Nam chỉ nhận được 4.025 USD trong năm 2016 dù họ làm trong những công ty hàng đầu thế giới của Nhật Bản. Khoản tiền lương này chưa bằng 50% mức trả mà doanh nghiệp Nhật dành cho công nhân bản địa khi kinh doanh tại Trung Quốc.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới khẳng định, bản thân hoàn toàn không bất ngờ trước những thống kê trên.

Theo TS Sơn, không phải đến bây giờ câu chuyện công nhân Việt Nam nhận lương thấp mới được nhắc đến. Đã từng có nhiều phân tích, thống kê lý giải vì sao tình trạng trên lại liên tiếp xảy ra ở nước ta.


Công nhân Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế, trình độ kém nên việc nhân mức lương thấp là dễ hiểu. Ảnh minh họa

Công nhân Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế, trình độ kém nên việc nhân mức lương thấp là dễ hiểu. Ảnh minh họa

Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, TS Sơn cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các công ty Nhật trả lương thấp cho công nhân Việt Nam. Chúng ta không thể chỉ trách họ đối xử không công bằng với công nhân mà cần nhìn lại năng lực thật sự của đội ngũ lao động Việt Nam.

“Chúng ta đi sau Trung Quốc cả chục năm.Trình độ của công nhân Trung Quốc cao hơn Việt Nam nhiều. Các kiến thức mà họ sử dụng cũng chuẩn hơn chúng ta.

Ngoài độ dày, độ bền trong công việc thì ý thức tổ chức làm việc của công nhân Việt Nam cũng không bằng được Trung Quốc. Lao động của chúng ta chỉ quan tâm đến quyền lợi cá nhân còn ý thức tập thể chưa cao, ý thức kỷ luật rất kém, có phần tự do và bừa bãi.

Tôi chưa thấy quốc gia nào có nhiều lễ hội như Việt Nam. Nguyên cả 1 tháng giêng các nơi đều đua nhau tổ chức lễ hội. Công nhân Việt Nam dường như cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề này. Nghỉ tết xong chưa muốn đi làm ngay, viện lý do này, lý do kia để nghỉ thêm.

Hiện nay đang trong thời buổi làm ăn, cạnh tranh khốc liệt thì làm sao công nhân có thể giữ thói quen ăn chơi, thoải mái sau tết được. Đặc biệt doanh nghiệp không thể chờ đợi công nhân, chuỗi dây truyền sản xuất không thể bị ảnh hưởng chỉ vì một vài cá nhân nào đó”, TS Sơn nhấn mạnh.

Vị chuyên gia khẳng định, tình trạng trên không hề xảy ra tại các quốc gia cùng khu vực và trên thế giới. Nếu đội ngũ cán bộ, công nhân tự động xin nghỉ hoặc lùi lịch làm việc có thể sẽ bị kỷ luật thôi việc.

“Ngay như em tôi làm việc bên Canada, sau mười mấy năm, đợt vừa rồi mới về nhà ăn Tết. Dù mọi người có níu kéo, bảo ở thêm nhưng câu ấy nói rằng nếu ở nhà thì sang sẽ bị mất việc. Vi phạm kỷ luật các công ty sẽ xử lý ngay. Không hề có chuyện đến thời hạn đi làm thì xin ở lại vì những lý do ốm đau, cưới xin người này người kia”, TS Sơn dẫn chứng.

Một lý do khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là ở Việt Nam hiện nay chỉ duy trì các công đoạn rất đơn giản chỉ cắt dán, lắp ráp, gia công, không yêu cầu trình độ cao nên hiệu quả, năng suất tạo ra thấp.

“Trình độ thấp nên công nhân Việt Nam chỉ làm được những việc đơn giản. Như thế thì làm sao được trả lương cao. Hơn nữa, tính cạnh tranh ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc. Nếu với mức lương đó người này không làm thì sẽ có công nhân khác nhảy vào thay thế.

Trong khi đó chi phí cuộc sống ở Trung Quốc cũng cao hơn chúng ta nên đương nhiên doanh nghiệp Nhật phải trả lương cao thì mới có người vào làm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Giấc mơ công xưởng gia công còn xa vời

Một vấn đề khác được TS Bùi Ngọc Sơn nhắc đến là hiện nay doanh nghiệp Việt đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành công xưởng gia công của thế giới trong thời gian tới.

Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn nhân lực của chúng ta kém cả trình độ kỹ năng cũng như sự nhiệt tình chăm chỉ, TS Sơn khẳng định để đạt được điều đó sẽ còn rất lâu và không dễ dàng thực hiện được.

“Tôi nghĩ mong ước này còn lâu lắm. Vì khi vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mọi chuyện chúng ta đều phải tuân theo tiêu chuẩn quốc tế. Khi đó các nước sẽ không chỉ đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật mà kể cả tư cách người lao động, kỷ luật người lao động, xử lý người lao động rồi dần dần xây dựng nhân cách, tính cách cuả người lao động cũng phải tính đến và đạt chuẩn.

Trong khi đội ngũ lao động các nước đi làm tính từng ngày từng giờ còn mức kỷ luật của chúng ta rất kém. Trình độ đã thấp cộng thêm ý thức như thế thì làm sao mơ ước được gì nhiều”, TS Sơn lo lắng.

Vị chuyên gia cảnh báo, nếu tiếp tục giữ cung cách làm việc như hiện nay, tương lai của đội ngũ lao động Việt Nam sẽ ngày càng trở nên thu hẹp hơn. Trình độ công nhân của chúng ta vẫn thế, không có sự thay đổi trong khi các yêu cầu sản xuất sẽ ngày càng đòi hỏi cao hơn.

“Công nhân Việt Nam sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tình trạng mất việc, thất nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra”, TS Sơn e ngại.

Không chỉ thế, TS Bùi Ngọc Sơn còn nhắc đến việc nhiều công ty Việt Nam hiện nay đang có xu hướng thuê lao động nước ngoài để tham gia vào các công đoạn, quá trình sản xuất trong nước.

Đặc biệt theo TS Sơn hiện nay Việt Nam đã gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của ASEAN, do đó khả năng lao động nước ngoài đến nước ta sẽ ngày càng rộng mở hơn.

“Đương nhiên Việt Nam sẽ mất dần vị trí và địa thế vốn có của mình. Khi đã xuất hiện tính cạnh tranh, nếu lao động Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu thì các doanh nghiệp có quyền lựa chọn công nhân ở các quốc gia khác phù hợp với đặc điểm công việc.

Giống như trường hợp các nhà nhập khẩu lao động của Hàn Quốc. Trước đây khi đi sang các nước, họ đều tận dụng nguồn lao động tại chỗ. Tuy nhiên khi đến các quốc gia theo đạo hồi thì khá phức tạp. Do phong tục nên công nhân, người lao động cứ cách mấy hôm lại cúng lễ. Việc này khá bất tiện, dẫn đến không thể làm việc được. Và cuối cùng họ phải có những thay đổi, điều chỉnh.

Đối với Việt Nam cũng vậy. Nếu chúng ta không làm việc nghiêm túc, có ý thức kỷ luật thì đương nhiên sẽ bị đào thải”, TS Sơn dẫn chứng.

Để giải quyết tình trạng này, vị chuyên gia khẳng định Việt Nam cần phải có những thay đổi từ cơ chế chính sách đến bản thân các công nhân, đội ngũ lao động. Tuy nhiên theo nhận định của TS Sơn, việc này đòi hỏi một quá trình lâu dài vì những thói quen không tốt đã ăn nhập khá sâu vào lực lượng lao động của Việt Nam.

“Nền giáo dục của chúng ta dạy rất nhiều thứ mà bên ngoài không cần. Các quốc gia khác dạy những kiến thức gắn liền với thực tế, còn chúng ta dạy những cái cao siêu, nặng về lý thuyết và không phù hợp với thực tế.

Nếu chúng ta không thay đổi thì làm sao tạo ra được một lực lượng lao động có nhận thức chuẩn để đủ khả năng gia nhập vào thị trường lao động.

Ngoài ra việc tổ chức các lễ hội văn hóa cũng cần thay đổi. Chúng ta không nên khuyến khích tổ chức quá nhiều lễ hội. Thời buổi làm ăn, cạnh tranh khốc liệt thì chúng ta không thể giữ thói quen ăn chơi, thoải mái sau Tết được.

Ở đây, tôi cho rằng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cần thay đổi tư duy để quản lý các vấn đề lễ hội, giáo dục cho dân chúng hiểu việc này.

Hệ thống luật pháp cũng cần phải thay đổi. Chúng ta không được phép bênh vực những hiện tượng tiêu cực, cần phải có biện pháp để trừng trị những lao động thiếu ý thức kỷ luật khi làm việc.

Nếu không thay đổi thì việc bị Lào, Campuchia hay Myanmar vượt qua chỉ là vấn đề thời gian thôi. Họ đang có những nỗ lực vươn lên rất mạnh mẽ thời gian qua”, TS Sơn nêu quan điểm.

Theo Báo Đất Việt