Lao động Việt nhận lương bằng nửa Trung Quốc: Sẽ thua Myanmar?

Nếu không đổi mới thực sự, tương lai Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu hơn so với các nước và bị Campuchia, Myanmar vượt qua.

Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại xung quanh việc lao động Việt Nam chỉ được trả lương bằng 50 % mức trả mà doanh nghiệp Nhật Bản dành cho công nhân bản địa khi kinh doanh tại Trung Quốc.

PV: - Một khảo sát mới đây của Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, công nhân người Việt Nam chỉ nhận được 4.025 USD trong năm 2016 dù họ làm trong những công ty hàng đầu thế giới của Nhật Bản. Khoản tiền lương này chưa bằng 50% mức trả mà doanh nghiệp Nhật dành cho công nhân bản địa khi kinh doanh tại Trung Quốc.

Trước đó, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức” được tổ chức năm 2014, ông Nguyễn Chí Dũng khi đó là Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đã từng cảnh báo, chỉ 3-5 năm nữa, thu nhập của người Việt Nam sẽ bị Lào, Campuchia, Myanmar vượt qua.

Ông nhìn nhận như thế nào trước thông tin trên? Cá nhân ông có thấy bất ngờ hay không và vì sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Tôi không hề bất ngờ trước thống kê trên. Việc này đã được nhắc đến nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết một cách triệt để. Theo tôi không thể hoàn toàn trách công nhân của Việt Nam. Việc lao động Việt được trả lương thấp hơn Trung Quốc xuất phát nhiều từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan.


Công nhân Việt Nam được trả lương thấp hơn Trung Quốc.

Công nhân Việt Nam được trả lương thấp hơn Trung Quốc.

Thứ nhất, chính sách đại thể của Việt Nam đã lạc hậu. So sánh với Trung Quốc để thấy rõ điều đó. Chúng ta vẫn nói nền kinh tế Trung Quốc theo đường lối kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc. Nhưng chính sách của họ là một chính sách kinh tế thị trường rõ ràng. Trung Quốc xây dựng doanh nghiệp cạnh tranh, xây dựng thể chế hoạt động theo luật pháp quốc tế đồng thời mở rộng thặng dư thương mại quốc tế, đi đâu thắng đó.

Hàng xuất khẩu của Trung Quốc lớn và quốc gia này trở thành công xưởng của thế giới. Họ đổi mới thật sự và có một nền kinh tế tiến bộ vượt bậc cho nên thu nhập đầu người ở nước Trung Quốc hiện nay gấp 4-5 lần của Việt Nam.

Trong khi đó Việt Nam lại hoàn toàn khác. Chúng ta nói nhiều đến đổi mới nhưng trong nội địa nền kinh tế vẫn chưa thật sự đổi mới thật sự. Dù chúng ta có cải cách nhưng nhỏ giọt và rất chậm chạp.

Thứ hai, ngoài vấn đề đường lối kinh tế thì các chính sách áp dụng đồng bộ của Việt Nam cũng chưa tốt.

Cụ thể như, về vấn đề thương mại, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn là quốc gia nhập siêu. Vài năm vừa rồi có lác đác xuất siêu vài đợt nhưng về cơ bản vẫn Việt Nam vẫn nhập siêu. Chúng ta mở cửa nhưng thực tế chỉ bán những cái có sẵn như tài nguyên, sức lao động rẻ còn cơ bản Việt Nam vẫn nhập, từ cái áo, cái quần đến quả táo, quả lê. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế chủ yếu để tận dụng giá rẻ của thế giới chứ không cải thiện được gì về sản xuất trong nước cả.

Về đầu tư nước ngoài, chúng ta ưu đãi hết cỡ với doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Quy định cho thuê đất trong thời hạn 55 năm thì chúng ta tạo điều kiện cho thuê đất đến 70 năm. Thu thuế cũng vậy. Chúng ta thu một thời gian rồi giảm thuế, miễn thuế. Điều này khiến cho nhà nước không thu được mấy tiền thuế trong khi các doanh nghiệp nước ngoài lãi rất nhiều.

Tiếp đến về chế độ đối với người lao động Việt Nam. Vấn đề chỗ ở, nơi học cho con cái hay nơi chữa bệnh khi đau ốm, bệnh tật đang là một thách thức lớn. Chuyện xây nhà chung cư cho người lao động hay người thu nhập thấp bây giờ chúng ta mới lác đác đề cập đến còn trước đây thì bỏ quên.

Thứ ba là bản thân chất lượng nguồn lao động Việt Nam cũng chưa thật sự tốt. Thực tế, lao động Việt Nam hầu như toàn là lao động phổ thông giản đơn, lương thấp chưa đến 3 triệu/tháng. Do đó làm sao có người lao động lành nghề và thạo việc? Hơn nữa các công đoạn sản xuất tại Việt Nam, chủ yếu là cắt dán, lắp ráp, gia công, không cần phải sáng tạo và sử dụng máy móc. Cho nên năng suất lao động của chúng ta mới thấp.

Còn những người đi học đại học thì do vấn đề bằng cấp còn nặng nền nên nhiều sinh viên tốt nghiệp, dù sở hữu trình độ đại học, bằng cử nhân, tiến sĩ nhưng vẫn không tìm được việc làm. Có người phải giấu bằng đại học để xin làm lao động chân tay.

Tất cả những khiếm khuyết đó, tôi nghĩ nặng về quản lý, chính sách cũng như tư duy phát triển kinh tế. Không thể trách người lao động được. Vì chúng ta tạo một cơ chế, thể chế như thế thì người lao động cứ đi theo cách đó để làm.

PV: - Nguyên nhân của việc lao động ở Việt Nam chỉ được doanh nghiệp Nhật Bản trả lương thấp bằng một nửa so với tại Trung Quốc được nhiều chuyên gia nhìn nhận do năng suất lao động quá thấp, người lao động Việt Nam ngày nay thích kiếm tiền nhưng lại không chăm chỉ.

Trong khi đó, hiện nay doanh nghiệp Việt đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành công xưởng gia công của thế giới trong thời gian tới.

Theo ông, tham vọng trên của Việt Nam có thể trở thành hiện thực hay không khi nhân lực của chúng ta kém cả trình độ kỹ năng cũng như sự nhiệt tình chăm chỉ?Tương lai của đội ngũ lao động Việt Nam sẽ như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Hiện nay việc các doanh nghiệp nỗ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu tất yếu, không chỉ với Việt Nam mà tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Nếu muốn tiếp tục bán hàng, kể cả những hàng giản đơn nhất, chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật như của quốc tế.

Trước đây, gạo lẫn loại, lẫn màu chúng ta vẫn có thể xuất khẩu được với giá rẻ. Tuy nhiên hiện nay thì không thể. Gạo nhiều khi chất lượng thơm, ngon nhưng vẫn gặp khó khăn vì vấp phải cạnh tranh từ các quốc gia khác. Các mặt hàng cá tra, cá ba sa, khoai lang hay cà phê cũng vậy. Chúng ta không còn dễ dàng xuất khẩu như 20 năm trước. Muốn bán được hàng hóa thì phải tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Do đó việc lao động chất lượng thấp hay chính sách chưa tốt cũng là một trong những trở ngại của tham vọng trên. Tuy nhiên, muốn phát triển và không bị tụt hậu so với các nước, Việt Nam bắt buộc phải làm.

Tuy nhiên, nhận định nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì cũng không hẳn đúng. Thực tế rất ít doanh nghiệp làm việc này. Chúng ta muốn đánh giá cụ thể thì cần xem hàng công nghệ xuất khẩu chúng ta đã có được những gì? Chúng ta pải đánh giá qua thực tế hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chúng ta làm được cái gì và hiện đang nằm trong chuỗi nào?

Thực tế là từ xe đạp, xe máy đến ôtô chúng ta chưa có gì cả. Khi bắt đầu mở cửa, Việt Nam và Trung Quốc có điểm xuất phát tương đồng với nhau. Lúc đó ngành ôtô của Trung Quốc cũng kém như ngành ôtô Việt Nam. Nhưng sau nhiều năm mở cửa, giờ ngành ôtô của Trung Quốc đã rất phát triển, làm ra ôtô đủ các loại, cạnh tranh với nhiều quốc gia trên thế giới. Còn Việt Nam sau 30 năm mở cửa, chúng ta chưa làm nổi 10% các sản phẩm.

Hay như xuất khẩu gạo cũng vậy. Hiện nay gạo của Campuchia đang hơn hẳn gạo của Việt Nam. Họ xuất khẩu gạo thơm, gạo ngon có giá trị cao trong khi Vệt Nam giá trị thấp, chưa sở hữu thương hiệu nào.

Vấn đề tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu tôi nghĩ các nhà quản lý đều nhận thức được tầm quan trọng của việc này. Tuy nhiên để làm được thì không hề đơn giản. Nếu không làm thì Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu, thua kém các nước. Tôi nghĩ trong tương lai, Việt Nam không chỉ bị Thái Lan, Singapore, Indonesia vượt qua mà còn dễ dàng thua Myanmar hay Campuchia.

Về lâu dài, lao động Việt Nam sẽ thua kém các nước và vẫn chỉ dừng lại ở việc làm các công việc đơn giản như cắt dán, lắp ráp, gia công với mức lương và năng suất lao động thấp.

PV : - Bản thân nhiều công ty Việt Nam hiện nay cũng đang có xu hướng thuê lao động nước ngoài để tham gia vào các công đoạn, quá trình sản xuất trong nước.

Đặc biệt từ khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào năm 2015 với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của ASEAN thì khả năng lao động nước ngoài đến Việt Nam sẽ ngày càng rộng mở hơn.

Theo ông, nếu không có những thay đổi, viễn cảnh gì đang chờ đợi công nhân và đội ngũ lao động của Việt Nam? Chúng ta phải làm gì và bắt đầu từ đâu để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Đúng là thời gian qua có 1 số doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng thuê lao động nước ngoài để tham gia vào các công đoạn, quá trình sản xuất trong nước. Việc này không phải do họ muốn thế mà thực tế vì lao động của Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu ở một số lĩnh vực đòi hỏi công nghệ cao. Các doanh nghiệp bắt buộc phải làm vì mục tiêu kinh tế trước mắt chứ không phải vì mục tiêu phát triển kinh tế rộng lớn của đất nước.

Nhiều trường hợp, doanh nghiệp thuê đội ngũ lao động nước ngoài về để làm gương, để hướng dẫn công nhân Việt Nam làm theo các quá trình của chuỗi sản xuất.

Tuy nhiên chúng ta không phải lúc nào cũng trông chờ vào đội ngũ lao động này. Cái chính là Việt Nam phải có những đường lối, chính sách hợp lý để đào tạo ra những lao động, công nhân có trình độ, đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước.

Đặc biệt khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN thì những nguy cơ lại càng đáng sợ, đáng lo ngại hơn. Nếu bản thân Việt Nam không thay đổi thì chúng ta cũng vẫn sẽ như thời gian vừa qua. Các nước chỉ cần 20 năm từ nghèo vươn lên trở thành giàu có còn Việt Nam mất đến 30 năm để đỡ nghèo hơn, thuộc các nhóm đang phát triển nhưng ở bậc thấp.

Nếu chúng ta không thay đổi thì về lâu dài kinh tế có cải thiện nhưng không nhiều, chủ yếu đủ báo cáo thành tích. Người lao động Việt Nam vẫn sẽ khổ như hiện nay, thậm chí có thể thua ngay trên sân nhà.

Để giải quyết tình trạng này, tôi nghĩ rằng phải đổi mới toàn diệt từ đường lối chính sách cho đến đào tạo đội ngũ lao động. Chúng ta phải có các chính sách rất cụ thể, giải quyết được từng vấn đề yếu kém, nhất là đẩy mạnh hoàn thiện kinh tế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra vấn đề đào tạo cán bộ, đội ngũ lao động phải có trọng tâm và bài bản hơn. Trước nay chúng ta đào tạo vẫn chạy theo số lượng, chạy theo bằng cấp. Cần phải xác định học để làm việc chứ không phải học để làm quan, để lấy bằng hay để lên chức. Như thế Việt Nam mới có công nhân, lao động lành nghề, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất và mức sống của người dân.

PV: - Cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Nam.

Theo Nguyễn Hoàn/Báo Đất Việt