1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Thanh Hóa:

Lao động tự do cật lực làm việc những ngày cuối năm, mong Tết "ấm"

Bình Minh

(Dân trí) - Trong cái rét cắt da cắt thịt, những người chạy xe ôm, bán hàng rong, thợ hồ… đều tranh thủ làm thêm thời gian, thêm công việc, cố gắng để "kiếm" một cái Tết ấm áp, trọn vẹn.

Bà Nguyễn Thị Thế (60 tuổi, quê ở huyện Hoằng Hóa) làm phục vụ cho một quán ăn trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Vài năm nay, cứ gần cuối năm, nhu cầu thuê người dọn nhà tăng nên sau ca làm ở quán, bà Thế nhận làm thêm, dọn nhà cho một số gia đình. Việc làm ở quán ăn của bà Thế kết thúc vào lúc 14h chiều, bà chẳng kịp nghỉ ngơi, lại tất tả bắt tay vào công việc khác.

Công việc dọn nhà giúp bà Thế có về thêm 100-150.000 đồng mỗi ngày, tùy vào thời gian làm việc.

Lao động tự do cật lực làm việc những ngày cuối năm, mong Tết ấm - 1

Dịp gần Tết nhiều lao động tự do cùng lúc kiêm nhiều công việc để có thêm thu nhập.

"Trước đây, tôi thường nhận thêm việc làm này vào trước Tết khoảng một tháng thôi nhưng 2 năm qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng, nhiều thời điểm không có việc làm, không có thu nhập nên tôi nhận thêm công việc dọn nhà cho người ta từ cuối tháng 10 âm đến nay. Giờ làm gì cũng phải cố gắng mong kiếm thêm chút để lo Tết nhất", bà Thế tâm sự.

Cũng như bà Thế, ngày thường, ông Lương Văn Hùng (thành phố Thanh Hóa) chỉ làm việc chạy xe ôm đến 19h tối, nhưng năm nay dịp gần Tết, ông cố nán lại, chạy xe đến 21h. Ông bảo, gần Tết, ngoài làm xe ôm, ông còn được người ta thuê chở cây hay chở hàng.

"Khoảng trước Tết Nguyên đán nửa tháng chắc công việc nhiều hơn chứ thời điểm này cũng không có nhiều việc. Gần Tết rồi, có vất vả một chút cũng phải cố cày cuốc để có tiền lo cho gia đình. Dịch giã như thế này mà vẫn có việc đã là tốt lắm rồi", ông Hùng nói.

Nhớ quãng thời gian thành phố giãn cách xã hội, ông Hùng rơi vào bế tắc vì không có việc làm, vợ ông bán hàng rong cũng phải nghỉ. Để duy trì cuộc sống, ông phải vay mượn để lo sinh hoạt gia đình. Dịp này, không chỉ cố gắng để kiếm tiền cho cái Tết tươm tất, ông Hùng còn lo làm để trả khoản nợ trước đó.

Ông Hùng cho biết, nơi ông ở, thời điểm này, nhiều người đều cật lực kiếm công việc thời vụ để làm, người thì sáng bán hàng, chiều giúp việc, người làm phụ hồ, đêm đến lại đi rửa bát thuê…

Theo ông Hùng, nếu như không có dịch, người đi lại nhiều thì mỗi cuốc xe kiếm được 20-30.000 đồng, mỗi ngày cũng có thu nhập vài trăm nghìn đồng. Thế nhưng, từ khi có dịch đến giờ, ông Hùng không có mấy khách, nhiều khi cả buổi chỉ ngồi chơi. Thời gian này, ông nán lại đến 9-10h đêm mới trở về nhà cũng chỉ kiếm thêm được 50.000-100.000 đồng.

Lao động tự do cật lực làm việc những ngày cuối năm, mong Tết ấm - 2

Dịch giã kéo dài quá lâu khiến dịp Tết đến xuân về, những lao động tự do thêm chồng chất nỗi lo.

Gắn bó với nghề bán hàng rong cả chục năm nay, bà Nguyễn Thị Mùi (56 tuổi, huyện Quảng Xương) bộc bạch, nghề này không phân biệt trời nắng gắt, gió mưa hay lạnh giá, chỉ cần không ốm đau hay nhà có công việc thì bà không nghỉ ngày nào. Nghề này chỉ lấy công làm lãi nhưng vì sắp Tết rồi, bà vẫn cố, kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Ngày nào cũng thế, trời chưa sáng, bà Mùi đã ra khỏi nhà, rong ruổi khắp các con phố để rao hàng, chập choạng tối mới trở về nhà, trên xe có thêm những tấm bìa cát tông hay những vỏ lon, chai nhựa.

Bà bảo tranh thủ bán xong hàng thì đi nhặt đồng nát để có thêm chút thu nhập. Công việc này cũng giúp bà có thêm 20.000-50.000 đồng/ngày.

"Thu nhập không đáng là bao nhưng cũng phải cố gắng, có thêm đồng ra đồng vào để Tết con cháu về có thêm cái bánh chưng, có chút tiền mừng tuổi cho bọn trẻ", bà Mùi tâm sự.

Tết Nguyên đán đang đến gần, dịch Covid-19 khiến người lao động tự do đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đây không chỉ là thời điểm lo cơm áo gạo tiền mà còn chất chồng những nỗi lo lắng khi Tết đến Xuân về.