1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động phi chính thức gánh trăm ngàn thua thiệt

Xuân Hinh

(Dân trí) - Hiện tại có tới 97,9% người lao động tự do (phi chính thức) không tham gia bảo hiểm, lương bình quân chỉ 4,4 triệu đồng/tháng; 76,7% không có bất cứ một thỏa thuận ràng buộc, đảm bảo nào bằng văn bản.

97,9% lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm

Lao động phi chính thức gánh trăm ngàn thua thiệt - 1

Hầu hết lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội.

Tại hội thảo về thị trường lao động sau dịch Covid-19 mới đây, TS. Bùi Sĩ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội cho biết, cả nước có 53,4% lao động phi chính thức (lao động không có hợp đồng lao động - PV) là người làm công ăn lương (tương ứng với 9,6 triệu người), có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình.

Trong tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức đó, chỉ 0,2% được đóng bảo hiểm bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn lại 97,9% không có loại bảo hiểm nào. Tỷ lệ này trái ngược hoàn toàn với lao động khu vực chính thức (có hợp đồng lao động) khi có tới 80,5% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.  

Số giờ làm việc của lao động phi chính thức làm công ăn lương là 49,2 giờ/tuần, nhiều hơn hai giờ so với thời gian làm việc của lao động chính thức (47,2 giờ/tuần) và cao hơn số giờ làm việc theo quy định (48 giờ/tuần).

Chưa dừng ở đó, tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức cũng chỉ bằng một nửa so với lao động chính thức (4,4 triệu đồng/tháng so với 6,7 triệu đồng/tháng).

Có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương). Trong khi đó, chỉ có 14% lao động chính thức phải xếp vào nhóm này.

Lao động phi chính thức gánh trăm ngàn thua thiệt - 2

Người lao động tự do không được hưởng các chế độ bảo hiểm, an sinh.

Số lao động chính thức không được ký hợp đồng chỉ 1,7% nhưng số lao động phi chính thức không được ký hợp đồng lên tới 76,7%. Trong đó, tỷ lệ hợp đồng thỏa thuận miệng là 62,1% và không có bất cứ một thỏa thuận nào lên tới 14,6%.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh nhấn mạnh, nhiều lao động chính thức mất việc làm sau đại dịch Covid-19 nên phải chuyển qua các công việc phi chính thức. Họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động, không được đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hưởng các chế độ an sinh.

Để giảm tỷ lệ lao động phi chính thức, ông Thinh cho rằng cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Ngoài đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bảo hiểm tự nguyện, nhà nước cũng cần hoàn thiện các chính sách quản lý kinh tế nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp.

Hướng tới bảo hiểm xã hội bắt buộc

Lao động phi chính thức gánh trăm ngàn thua thiệt - 3

Khi về già, lao động phi chính thức càng chịu nhiều khó khăn, rủi ro hơn khi không có lương hưu...

Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến cũng nhận định, người lao động trong khu vực phi chính thức và gia đình họ thường phải chịu thiệt thòi vì không được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật về quan hệ lao động. Chẳng hạn như với yêu cầu về an toàn và sức khỏe liên quan đến điều kiện làm việc, họ không được nhận hỗ trợ từ các chính sách xã hội.

Ngoài ra, tiếng nói của người lao động trong khu vực phi chính thức ít khi được nhắc đến trong quá trình quyết định các chính sách. Vừa qua, dịch bệnh Covid-19 ập đến càng cho thấy sự cần thiết của BHXH.

Khi không còn sức lao động, bệnh tật ập đến, người lao động tự do còn không có lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế... Lúc đó, lo chi phí cho việc khám chữa bệnh với mỗi người lao động và gia đình là việc vô cùng khó khăn.

Lao động phi chính thức gánh trăm ngàn thua thiệt - 4

Để giảm bớt tình trạng lao động phi chính thức, các cấp, các ngành nên có biện pháp mở rộng độ bao phủ BHXH.

"Đối với yêu cầu về an toàn và sức khỏe liên quan đến điều kiện làm việc, người lao động tự do không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội, chính sách lao động, các quan hệ lao động. Khi hết tuổi lao động, những người này không có nguồn thu nhập ổn định", ông Mến nói.

Giám đốc BHXH nhận định, những người không tham gia BHXH về già, cuộc sống sẽ khó khăn hơn những người được đóng bảo hiểm. Người lao động tự do, không phải ai cũng có kinh tế ổn định, phải đối mặt với nhiều bất trắc, rủi ro xung quanh. Họ không có được mức thu nhập ổn định hàng tháng từ lương hưu, không có thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh, và phải chi trả số tiền rất cao khi tuổi cao, sức yếu, không may bị bệnh hiểm nghèo.

Thực tế, lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức hiện có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, từ góc độ tạo việc làm đến việc đóng góp không nhỏ cho GDP cả nước. Trong đó, đóng góp lớn nhất của khu vực phi chính thức là tạo ra nguồn việc làm cho khoảng 70% người lao động đang làm việc.

"Để giảm bớt tình trạng lao động phi chính thức, các cấp, các ngành nên có biện pháp mở rộng độ bao phủ BHXH, mở rộng khu vực kinh tế chính thức, nâng cao quyền của người lao động. Chính sách chung, cần hướng tới quy định tham gia BHXH là điều kiện bắt buộc chứ không chỉ là tự nguyện, khuyến khích như hiện nay", Giám đốc BHXH TPHCM nhấn mạnh.