1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hậu Covid-19, nhiều công nhân về quê, người ở lại cũng bỏ việc

Xuân Hinh

(Dân trí) - Một số lượng lớn công nhân ở TPHCM đã về quê rồi không trở lại dù thành phố triển khai nhiều biện pháp giữ chân lao động, nhiều công nhân chuyển sang làm việc tự do...

Da giày, dệt may cạn nguồn nhân lực

Hậu Covid-19, nhiều công nhân về quê, người ở lại cũng bỏ việc - 1

Nhiều nhà máy da giày, may mặc thiếu hụt lao động sau dịch Covid-19.

Hiện tại, da giày và dệt may là hai ngành có tỷ lệ lao động lớn nhất trong các ngành kinh tế ở Việt Nam. Dệt may có khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến, chế tạo. Da giày có hơn 1,4 triệu lao động, chiếm tỷ lệ trên 18%. Nhiều năm trở lại đây, hai ngành này liên tục trong cảnh "khát" lao động. Sau dịch Covid-19, tình trạng này càng tăng cao.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), sau dịch Covid-19, tại TPHCM nhu cầu sử dụng lao động của ngành da giày và dệt may tăng rất cao, song khả năng đáp ứng còn hạn chế.

Năm 2021, TPHCM có hơn 376.000 lao động ở lĩnh vực dệt may - giày da, chiếm 13% trên tổng số 2,8 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp tại thành phố lớn nhất cả nước. Bình quân, mỗi năm hai ngành này cần thêm 20.000 - 22.000 lao động nhưng chỉ khoảng 1.000 người có nhu cầu tìm việc.

Dự báo giai đoạn 2022-2026, hai ngành da giày và dệt may tại TPHCM sẽ có 390.000-437.000 lao động làm việc. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với hai ngành này trong thời gian tới khi trung bình mỗi năm các nhà máy mất khoảng 10% lao động.

Theo khảo sát, tỷ lệ tuổi bình quân của công nhân hai ngành trên ở nhiều nhà máy ở mức rất cao, từ 41 - 42 tuổi. Các nhà máy đều thiếu lao động trẻ nên khó tiếp cận các đơn hàng lớn, có tính lâu dài. Để duy trì, các nhà máy buộc phải đầu tư vào các công đoạn có giá trị tăng cao như sản phẩm dệt, thiết kế, nguyên vật liệu...

Hậu Covid-19, nhiều công nhân về quê, người ở lại cũng bỏ việc - 2

Tỷ lệ tuổi lao động ngành dệt may hiện ở mức cao, lao động trẻ ít mặn mà với nghề may.

Là nhà máy có lượng công nhân đông nhất TPHCM, sau dịch Covid-19, nhà máy Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) cũng luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động, mỗi tháng từ 500 - 650 công nhân nghỉ việc. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này cần tuyển mới 8.800 lao động nhưng chỉ mới có 65% công nhân đến nhận việc dù các chế độ đãi ngộ đã được cải thiện.

Công ty may A.P (huyện Nhà Bè) cũng đang "đau đầu" khi thiếu hụt hơn 1.000 lao động. Công ty sẵn sàng tuyển người mới để dạy nghề, đảm bảo lương hấp dẫn, tăng ca đều nhưng cũng chỉ thu hút được lao động lớn tuổi. Trong số 100 người đến xin việc, chỉ lác đác những công nhân dưới 30 tuổi.

"Mức lương xấp xỉ 10 triệu đồng của ngành may không còn thu hút được công nhân. Nhiều nơi công nhân chỉ thu nhập 7,8 triệu đồng. Do đó, công nhân chuyển sang ngành khác hoặc chạy xe ôm công nghệ để thu nhập cao hơn. Nhiều lao động cũng bỏ về quê vì chi phí ở thành phố ngày càng đắt đỏ", ông Nguyễn Anh Tuấn - Phòng nhân sự công ty A.P nói.

Thấy công nhân liên tục bỏ việc, ông Tuấn buồn, lo nhưng cũng không có giải pháp nào khả thi hơn. Tại công ty A.P, khoảng 20% công nhân nghỉ việc đã về quê, số còn lại đã chuyển nghề.

"Họ phải xoay sở để lo cho gia đình, mình không thể níu giữ họ lại để con cái phải ăn mì tôm sống qua ngày, thiếu sữa khi đi học", ông Tuấn nói thêm.

 54% người lao động muốn nghỉ việc

Hậu Covid-19, nhiều công nhân về quê, người ở lại cũng bỏ việc - 3

Nhiều công nhân bỏ nghề đi chạy xe ôm công nghệ vì thời gian tự do.

Từng gắn bó với nghề may 12 năm, chị Thanh quyết bỏ việc đi làm giúp việc theo giờ. Chị được người quen giới thiệu vào làm giúp việc cho 3 gia đình ở một chung cư tại quận Gò Vấp, tổng thu nhập gần 14 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước đây.

"5h sáng tôi dậy đi chợ nấu ăn cho gia đình thứ nhất, dọn dẹp tới 7h30 sáng rồi nghỉ ngơi ăn sáng. 8h tôi qua dọn dẹp cho gia đình thứ 2 tới 10h lại tiếp tục xuống gia đình thứ nhất nấu ăn trưa. 12h30 trưa xong việc, tôi nghỉ 60 phút rồi đến gia đình thứ 3 dọn dẹp, 16h30 lại quay lại gia đình thứ nhất nấu ăn đến 18h thì kết thúc công việc, ra về", chị Thanh kể.

So với công việc cũ, nghề giúp việc khiến chị Thanh phải làm nhiều việc nặng nhọc hơn. Tuy vậy, đổi lại chị có thể tự ý sắp xếp thời gian, công việc, giờ giấc khá thoải mái. Do tính hiền lành, chịu khó và không "táy máy", tháng nào chị cũng được thưởng thêm vài trăm ngàn đến một triệu đồng.

"Chủ nhà cũng đóng bảo hiểm cho tôi nên nhìn chung quyền lợi an sinh vẫn được đảm bảo. So với nghề may, nghề giúp việc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị hành hạ, chửi bới... nhưng cũng cho tôi thêm thu nhập. Mặt khác, tôi có thể tự do nghỉ làm khi môi trường làm việc không tốt, khi nghỉ việc cũng không phải báo trước 30 ngày như khi làm tại công ty", chị Thanh tâm sự.

Chồng chị, công nhân ngành cao su cũng bỏ nghề đi phụ hồ, tổng thu nhập hai vợ chồng được 25 triệu đồng/tháng. Số tiền đủ để chị lo cho gia đình và gửi về quê phụ giúp nuôi ba mẹ. Mỗi tháng, chị cũng dành ra 5 - 7 triệu đồng để tiết kiệm, phòng khi ốm đau.

Đầu tháng 6, anh Lê Xuân Trường (23 tuổi công nhân tại KCX Tân Thuận) cũng quyết định nghỉ việc để chạy xe ôm công nghệ. Trước khi nghỉ làm, tổng thu nhập của anh khoảng 10 triệu đồng. Tuy vậy, số tiền trên chẳng đủ cho anh chi tiêu nên anh quyết bỏ nghề đi chạy xe ôm công nghệ để kiếm tiền đi học nghề tóc, theo đuổi ước mơ của bản thân.

Tại hội thảo về việc làm vừa qua, bà Nguyễn Tâm Thanh - Giám đốc nhân sự vùng Cargill Việt Nam và Thái Lan cho hay, 54% người lao động đang có tâm lý muốn nghỉ công ty mình đang theo làm vì môi trường, cơ hội công việc tự do rộng mở hơn. Tại Thái Lan, khảo sát cho thấy tâm lý này xuất hiện trong hơn 60% người lao động. Đây là tâm lý chung của người lao động trên toàn thế giới sau dịch Covid-19.

Báo cáo mới nhất của ManpowerGroup cho thấy, 49% lao động sẵn sàng chuyển công ty để có được phúc lợi tốt hơn. Gần 50% lao động nữ cho biết kém lạc quan về triển vọng nghề nghiệp của mình so với trước khi Covid-19 xuất hiện, trong đó 57% dự định rời bỏ công việc đang làm trong hai năm tới. Nguyên nhân do người lao động cần phúc lợi tốt hơn, mong muốn tìm được công việc linh hoạt về thời gian, tự chọn chỗ làm, mức lương cạnh tranh, môi trường làm việc tốt hơn...