Làng nghề thiếu lao động tay nghề cao

Hiện nay, Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề của cả nước, với khoảng 176.000 hộ làm nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 740.000 lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề đang đứng trước thực trạng thiếu lao động có tay nghề, để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng.

Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình, Thái Nguyên) hiện có khoảng 50 hộ chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mộc mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động địa phương. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình, Thái Nguyên) hiện có khoảng 50 hộ chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm mộc mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động địa phương. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Đây cũng là một nguyên nhân khiến sản phẩm các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Như Diên, cơ sở giày dép da Son Linh (thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho hay, làng nghề da giày xã Phú Yên hiện đang đối diện với tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cao. Rất nhiều lao động tại địa phương đã không còn thiết tha với nghề mà chuyển sang làm tại các khu, cụm công nghiệp với mức thu nhập ổn định hơn cùng với các chế độ bảo hiểm kèm theo.

Chia sẻ về vấn đề thiếu lao động tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang kiêm Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ cho biết, vài năm trở lại đây, làng nghề Phú Vinh vốn nổi tiếng cả nước với nghề mây tre đan truyền thống, nhưng không phát triển được vì thiếu đội ngũ lao động kế cận lành nghề. Thường các hộ sản xuất chỉ làm theo mẫu có sẵn, chứ không có nhiều thợ có trình độ tay nghề, có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm nên hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao và khắt khe.

Còn theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, để giải bài toán thiếu lao động kế cận như hiện nay, cần phải chú trọng đến dạy nghề, vì đây là khâu then chốt trong việc phát triển, bảo tồn nghề và làng nghề truyền thống. Các nghề chính được trung tâm nhân cấy là mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ…. Học viên được các giảng viên là những nghệ nhân, thợ giỏi, thợ có tay nghề cao giảng dạy.

Từ bàn tay tài hoa và tỉ mẩn của nghệ nhân làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, nhiều sản phẩm giá trị cao đã ra đời. Ảnh: Thế Duyệt
Từ bàn tay tài hoa và tỉ mẩn của nghệ nhân làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, nhiều sản phẩm giá trị cao đã ra đời. Ảnh: Thế Duyệt

Có thể khẳng định, việc nâng cao tay nghề và đào tạo các lớp thợ giỏi để chuẩn bị tốt nguồn lực lao động nông thôn sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp làng nghề phát triển, mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về hoạt động phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội năm 2018.

Theo đó, UBND thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ kinh phí cho 14 cơ sở có dự án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ 10 - 12 làng nghề xây dựng và phát triển thương hiệu; 20 cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thuộc các làng nghề Hà Nội thuê chuyên gia tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ xuất khẩu...

Đặc biệt, thành phố Hà Nội sẽ đào tạo nghề cho 24.000 lao động nông thôn; hỗ trợ cho 40 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn truyền nghề, nhân cấy nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.400 lao động nông thôn, tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho khoảng 1.500 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất nông nghiệp nông thôn theo chương trình khuyến công thành phố Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì việc tổng kết đánh giá tình hình thực hiện làm cơ sở đề xuất quyết định sửa đổi, thay thế Quyết định 31/2014/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 của UBND thành phố về chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội; Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề để triển khai hiệu quả Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”...

Theo kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 21/2/2018 của UBND thành phố, năm 2018, Hà Nội đặt mục tiêu đạt giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn tăng 10% so với năm 2017; trong đó, giá trị sản xuất làng nghề tăng từ 10 -12%, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng 6,9% so với năm 2017 (ước đạt 200 triệu USD). Số lao động công nghiệp nông thôn tăng 4% so với năm 2017 (ước đạt 433.000 người, tạo thêm khoảng 10.000 việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn)…

Theo Baotintuc.vn