Làng nghề vàng mã hối hả dịp rằm tháng Bảy
Những ngày này gần như tất cả các hộ dân trong thôn Đâu Kiên đều tập trung làm vàng mã để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khi kinh tế ngày càng phát triển, con người càng chú trọng hơn tới những văn hóa tâm linh, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên và một trong những cách thể hiện lòng hiếu thảo là đốt vàng mã.
Tại TP Hải Phòng, thôn Đâu Kiên, xã Quốc Tuấn, huyện An Lão từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm vàng mã. Vào các dịp thanh minh, rằm tháng bảy, tết âm lịch, gần như tất cả các hộ dân trong thôn đều tập trung làm vàng mã để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nghề làm vàng mã ở thôn Đâu Kiên đã có hàng trăm năm nay, đời nọ truyền dạy, nối tiếp đời kia đưa nghề này trở thành một nghề truyền thống. Một trong những cơ sở sản xuất vàng mã lớn nhất tại thôn Đâu Kiên là cơ sở của ông Đỗ Văn Thanh. Cơ sở này hiện có hơn 10 nhân công và đồng thời giao khoán cho gần 50 hộ dân khác mang vàng mã về nhà làm.
Cơ sở của ông Thanh trung bình một tháng xuất đi hơn 100 chuyến vàng mã đủ loại cho thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Đặc biệt vào mỗi dịp cao điểm như rằm tháng bảy này, ông Thanh thường thuê thêm người làm tăng ca để kịp giao hàng cho khách hàng.
“Từ nhiều năm nay, việc làm vàng mã luôn phát triển theo nhu cầu của thị trường. Sản phẩm của làng nghề được khách hàng ủng hộ nên tạo thêm việc làm, tăng thu nhập với người lao động, cuộc sống của nhiều gia đình nhờ đó đã ổn định hơn”, ông Thanh cho hay.
Cả thôn Đâu Kiên có hơn 700 hộ dân với 2.000 nhân khẩu thì bình thường có gần một nửa số hộ gắn bó với công việc làm vàng mã. Tuy nhiên, vào các dịp thanh minh, rằm tháng bảy, tết âm lịch thì đần như tất cả các hộ dân trong thôn đều tham gia làm vàng mã do nhu cầu của thị trường.
Ông Văn Đức Thặng, chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, huyện An Lão, TP Hải Phòng cho biết, làng nghề đã góp phần cho kinh tế địa phương phát triển. “Sự tồn tại của làng nghề vừa duy trì được truyền thống của ông cha, vừa tận dụng được số lao động rất lớn của địa phương trong lúc nhàn rỗi”, ông Thặng cho biết.
Mặc dù công việc làm vàng mã không phải là việc làm quá nặng nhọc nhưng cần sự kiên trì rất cao. Chính văn hóa dân tộc đã tạo điều kiện cho ngành nghề làm giấy tiền vàng mã phát triển và giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động.
Với những hộ gia đình thuần nông, nghề làm vàng mã trở thành nghề phụ cho họ lúc nông nhàn, giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống./.
Theo VOV.VN