1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làng nghề mổ chó lớn nhất nhì miền Bắc còn thủa "hoàng kim"?

(Dân trí) - Từng là “rốn” cung cấp thịt chó cho miền Bắc, nghề của thôn Cao Xá Hạ (Hoài Đức, Hà Nội) đã giúp nhiều hộ xây nhà, mua ô tô. Sau 2 năm có chỉ thị về quản lý nghề giết mổ, sự thay đổi nơi đây ra sao?

Phất lên từ thịt chó

Theo trí nhớ của nhiều người lớn tuổi trong thôn, thời kỳ “vàng son” của nghề, làng Cao Xá Hạ (nay là thôn Cao Xá Hạ) có tới mấy chục lò mổ, tiêu thụ tới 4-5 tấn thịt chó mỗi ngày. Những ngày cao điểm như dịp cuối tháng âm lịch, cả chục tấn chó được tiêu thụ tại ngôi làng này.

Rạng sáng là thời điểm các lò mổ hoạt động tấp nập. Dưới ánh đèn điện, tiếng xe đi lại của thương lái, tiếng cười nói của lái buôn khung cảnh nhộn nhịp diễn ra dọc tuyến đường. Nguồn thịt chó đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước nhưng chủ yếu là các tỉnh miền trong và những nước giáp biên như lào, Campuchia.

Làng nghề mổ chó lớn nhất nhì miền Bắc còn thủa "hoàng kim"?

Chị Nguyễn Thị Cúc, một tiểu thương buôn bán mặt hàng thịt chó tại chợ Cao Xá Hạ, nhớ lại: “Mỗi ngày, hàng trăm người ở thôn và các vùng lân cận tới đây mua buôn thịt chó. Có những lái buôn cách xa 50-60 km cũng đến lấy hàng. Trung bình mỗi ngày, tôi bán được khoảng 50 kg. Những ngày nghỉ, lễ lên đến hàng trăm kg”.

Nghề vất vả nhưng thời “hoàng kim” cũng giúp đời sống nhiều hộ trong làng “thay da đổi thịt”.

Chia sẻ với PV, ông Trịnh Văn Tuất - Trưởng thôn Cao Xá Hạ - khẳng định điều này: “Các hộ gia đình còn làm nghề đa số với quy mô lớn. Nhờ nghề, nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế một cách rõ rệt có hộ xây được nhà lầu, mua được xe hơi”.

Cũng theo ông Trịnh Văn Tuất, đã qua thời cực thịnh của nghề, nhưng thôn vẫn còn gần 10 lò mổ và hàng chục hộ mua buôn thịt chó đem ra các chợ, nhà hàng khắp Hà Nội và tỉnh lân cận.

Ngay tại chợ của thôn cũng có đến 5 hộ kinh doanh thịt chó mỗi ngày tiêu thụ hàng tạ thịt chó.

Làng nghề mổ chó lớn nhất nhì miền Bắc còn thủa hoàng kim? - 1

Đường nội thôn Cao Xá Hạ

Những năm gần đây, sức tiêu thụ mặt hàng thịt chó không còn mạnh như trước. Nghề tại làng Cao Xá Hạ đang co hẹp lại dần.

Theo ông Trịnh Văn Tuất, nhiều hộ gia đình sau khi ổn định về kinh tế từ nghề thì đã chuyển sang công việc khác. Một số hộ còn quay về làm nghề làm bún, đây cũng là truyền thống của làng Cao Xá Hạ.

Bỏ nghề dù từng kiếm bộn tiền

Các hộ gia đình làm nghề thường thuê lao động từ địa phương khác về làm các công đoạn sơ chế sản phẩm. Vì ngại tâm lý “sát sinh” và tránh gặp chuyện xui xẻo, nhiều hộ làm nghề đều né tránh và không muốn nhắc đến công việc đang làm.

Hơn chục năm về trước, gia đình nhà bà Năm từng là hộ gia đình làm nghề lớn nhất nhì Cao Xá Hạ. Nhưng tới nay, bà Năm không làm nghề và cũng chủ động tạo điều kiện để con cái chọn công việc khác.

Khi được hỏi về lý do, bà Nam nói ngắn gọn: “Chỉ thấy không còn thích nghề này nữa. Làm nghề thấy không vui nên không muốn làm”.

Khác với bà Năm, ông Trịnh Văn Dần cởi mở hơn khi nói về nghề của gia đình: “Bố tôi từng là một trong những người đầu tiên ở làng Cao Xá Hạ làm nghề mổ chó. Tới 15 tuổi, tôi đã thành thạo nghề. Nghề thời đó đem lại nhiều tiền”.

Làng nghề mổ chó lớn nhất nhì miền Bắc còn thủa hoàng kim? - 2

Từ hàng chục hộ, chợ Cao Xá Hạ chỉ còn 5 hộ kinh doanh thịt chó.

Nhưng sau cái chết của chị gái của ông Trịnh Văn Dần do ngã vào nồi nước sôi dùng để làm thịt chó, gia đình bỏ nghề chuyển sang chế biến bún phở.

“Nghề làm bún, phở cũng là nghề truyền thống của thôn. Nhưng thu nhập từ nghề này không cao mà vất vả hơn nghề giết mổ chó. Chuyên cần thức khuya dậy sớm, thu nhập của gia đình tôi chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Nhưng đổi lại, tôi có được sự nhẹ nhõm, thanh thản” - ông Trịnh Văn Dần nói.

Nguồn thu của gia đình từ nghề làm bún đôi lúc còn khó khăn, nhưng ông Dần chưa bao giờ nghĩ quay lại làm nghề giết mổ chó. Dù nghề cũ đã từng đem lại bộn tiền cho gia đình ông.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước ở địa phương, nghề mổ chó tại Cao Xá Hạ (Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) cũng khiến chính quyền địa phương “đau đầu” nhiều năm qua vì công tác đảm bảo bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sống của người dân.

Ông Trịnh Văn Tuất nhiều lần nhận được phản ánh về việc các lò mổ chó thải xả nước chế biến ra cống của thôn, khiến không khí bốc mùi nồng nặc. Trong thẩm quyền, chính quyền thôn chỉ có thể nhắc nhở các hộ làm nghề chủ động hạn chế việc làm ảnh hưởng đến môi trường.  

Qua báo đài, ông Trịnh Văn Tuất và nhiều người dân cũng được biết đến về chủ trương hạn chế việc giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó và mèo trên địa bàn Thành phố, nhưng chưa nhận được yêu cầu dừng hành nghề từ chính quyền.

Nghề giết mổ chó có bị cấm?

Trao đổi về vấn đề này với PV, ông Nguyễn Phan Huy - Phó Chủ tịch xã Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội) - cho hay, Công văn 4170/UBND-KT Hà Nội năm 2018 nhằm tăng cường quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo của UBND Thành phố Hà Nội chưa phải là quy định cấm, nên không có  chế tài xử lý vi phạm cụ thể.

Do đó, công tác quản lý việc hành nghề của người dân, UBND xã cũng mới chỉ dừng lại ở việc đôn đốc, nhắc nhở các hộ gia đình có lò mổ đảm bảo vệ sinh môi trường.

“Trong khi đó, việc giết mổ chó không nằm trong quy định về giết mổ gia súc, gia cầm. Nhưng chính quyền vẫn yêu cầu bên thú y kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện tốt các yêu cầu về vệ sinh thực phẩm” - ông Nguyễn Phan Huy nói.

Theo ông Nguyễn Phan Huy, nghề giết mổ tại Cao Xá Hạ đang dần thu hẹp. Dù vậy, vấn đề nhức nhối hiện nay là việc đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý nước thải từ các lò mổ. Để khắc phục điều này, UBND xã Đức Giang đang xây dựng đề án xử lý nước thải tại làng Cao Xá Hạ để trình lên huyện.

Phạm Công