1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh

Những ngày này, làng nghề hấp cá ở Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) tất bật vào vụ. Các tàu thuyền cập bờ đem về hàng tấn cá tươi, ngư dân đưa lên bờ rửa sạch và hấp, cho ra lò mẻ cá khô thơm ngon.

Bình Minh - miệt biển nghèo đã gắn với thảm nạn bão biển ChangChu 2006 khi nhấn chìm hơn 260 ngư phủ. Phần lớn đàn ông, trai tráng của Bình Minh đã nằm lại biển khơi. Làng biển sau đó xác xơ với hiu hắt bóng góa phụ và trẻ thơ.

Bởi vậy, mọi dấu hiệu phát triển kinh tế, hồi sinh ở Bình Minh đều khiến cho mọi người xúc động. Đây cũng là quê hương của đặc sản cá cơm hấp của miền Trung.

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh - 1

Những ngày này, các lò hấp cá của người dân xã biển Bình Minh đỏ lửa. Gần chục người tất bật đem những mẻ cá vừa hấp nóng hổi, bốc khói nghi ngút đem đi phơi nắng.

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh - 2

Hiện nay, xã biển này có hàng chục lò hấp cá và cơ sở của anh Nguyễn Văn Minh (44 tuổi, thôn Tân An) là một trong hai cơ sở có quy mô lớn bậc nhất.

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh - 3

Cá được rửa sạch sau đó, được đặt vào hơn 20 lớp vỉ lưới xếp thành tầng cho vào lò hấp.

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh - 4

“Cá được hấp liên tục từ 3-5 phút (tùy vào loại cá) trong nhiệt độ cao. Cá cơm được tôi thu mua tại cảng với giá 15-20 nghìn đồng/kg, sau khi hấp và phơi khô, giá một ký cá cơm tầm 120-140 nghìn đồng. Để ra 1kg cá khô cần khoảng 3-4kg cá tươi. Nghề này không khó nhưng đòi hỏi người phụ trách lò phải chịu được nóng trong suốt nhiều giờ liền” - anh Minh nói.

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh - 5

Những mẻ cá vừa được hấp xong được chở thẳng ra khu vực có nắng gắt để phơi.

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh - 6

Bà Nguyễn Thị Bốn (57 tuổi, xã Bình Minh), đã có hơn chục năm gắn bó với nghề hấp cá cho hay, công việc mang tính thời vụ tuy cực nhọc nhưng đem lại thu nhập ổn định cho chúng tôi vì phụ nữ ở lứa tuổi tôi khó tìm ra một công việc phù hợp với mình.

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh - 7

“Những ngày cơ sở hấp nhiều cá, tôi cùng chị em ở đây có thể kiếm được đôi ba trăm ngàn. Ở đây, chúng tôi được trả công theo giờ, cứ 30 ngàn đồng/h. Nghề tuy vất vả nhưng đổi lại đồng thù lao thu được cũng đã giúp mình trang trải cuộc sống, nhờ nó mà tôi mới có thể nuôi 3 đứa con ăn học“- bà Bốn chia sẻ.

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh - 8

Theo kinh nghiệm phơi cá của bà Bốn và một số chị em khác, thời điểm nghề hấp cá ở Bình Minh tất bật vào vụ và kéo dài từ cuối tháng 3 đến hết tháng 8. Nếu trời nắng gắt thì cá sau khi hấp chỉ cần phơi một nắng (một ngày) là khô và có thể đóng thùng đưa đi tiêu thụ.

Đỏ lửa làng nghề hấp cá ở Bình Minh - 9

Trung bình một ngày, sản lượng cá khô mang thương hiệu Bình Minh cung ứng hàng tấn cho thị trường. Cá khô làm ra bao nhiêu được bán hết bấy nhiêu với giá cả ổn định nên người dân ở đây cũng phấn khởi.

Theo Thanh Chung/Lao động