Thanh Hóa:

Làng nghề miến gạo tất bật phục vụ Tết

Bình Minh

(Dân trí) - Để có đủ hàng cung ứng ra thị trường dịp Tết Nguyên đán, hàng chục hộ gia đình làm nghề gia truyền miến gạo tại xã Thăng Long (huyện Nông Cống) phải tăng công suất gấp nhiều lần ngày thường.

Về làng làm miến gạo gia truyền Thăng Long, không khí Tết như đến sớm hơn. Người người, nhà nhà tất bật ngày đêm làm miến, miến được phơi trắng khắp các con ngõ, sân, vườn…

Do nhu cầu thị trường tăng cao nên năm nào khách bán buôn từ các nơi đã đến đây gom hàng và đặt trước nên từ tháng 10 âm lịch các gia đình đã tất bật làm cho kịp đơn hàng giao cho khách.

Làng nghề miến gạo tất bật phục vụ Tết - 1

Để làm ra được những sợi miến trong, thơm ngon phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn gạo, ngâm, xay bột, chạy sợi, phơi… 

Nhiều gia đình nếu như ngày thường chỉ tận dụng nhân công lao động trong nhà thì dịp Tết đều phải thuê thêm 3-4 nhân công thậm chí có gia đình thuê gần chục nhân công.

Được biết, nghề làm miến gạo ở xã Thăng Long đã có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trước kia, người dân làm miến hoàn toàn thủ công nên năng suất thấp, hiệu quả không cao. Cả làng có 54 hộ tham gia sản xuất miến gạo; trong đó tập trung đông nhất ở thôn Tân Giao.

Làng nghề miến gạo tất bật phục vụ Tết - 2

Một công đoạn xay bột để làm miến.

Những năm gần đây, người làm miến đã chủ động đầu tư máy móc vào một số công đoạn sản xuất nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm miến gạo vì thế cũng được cải thiện đáng kể. Đến năm 2016, làng miến gạo Thăng Long đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề và năm 2020 được công nhận sản phẩm OCCOP 3 sao.

Là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, chị Lê Thị Thủy, cơ sở sản xuất Hoa Thủy, thôn Tân Giao cho biết: "Hiện gia đình tôi có 2 cơ sở, ngày thường thì mỗi cơ sở sử dụng 3-4 tạ gạo để làm nguyên liệu sản xuất miến. Thế nhưng, năm nào dịp cận Tết cũng phải tăng công suất để cung ứng cho thị trường. Bây giờ cứ mỗi ngày phải sử dụng hơn 5 tạ gạo cho mỗi cơ sở".

Làng nghề miến gạo tất bật phục vụ Tết - 3

Sau khi bột đổ vào máy sẽ cho ra thành phẩm là những sợi miến dài, người lao động sẽ dùng kéo cắt thành từng đoạn mang phơi.

Theo chị Thủy, để làm ra được những sợi miến trong, thơm ngon, các công đoạn như chọn gạo, ngâm, xay bột, chạy sợi, phơi… đều được gia đình làm cẩn thận, kỹ lưỡng và sạch sẽ.

"Làm miến trải qua nhiều công đoạn, trước hết phải ngâm gạo từ 2 - 4 giờ và tùy từng mùa, mùa đông thường phải ngâm lâu hơn rồi mang ra xay với nước. Gạo sau khi xay thành hỗn hợp bột loãng sẽ được cho vào bao vải để ép khô bằng những dàn đá nặng hoặc bàn ép quay tay.

Làng nghề miến gạo tất bật phục vụ Tết - 4

Miến sau khi được cắt từ máy sẽ mang đi ủ 5-7h đồng hồ mới rũ qua nước.

Sau khi bột khô, sẽ tiếp tục được cho bột vào máy đùn thành sợi miến. Những sợi miến này sẽ được ủ trong vòng khoảng 5-7 giờ đồng hồ sau đó rũ qua nước lạnh và đem phơi khô trên sào"-  chị Thủy cho biết.

Gia đình bà Mai Thị Toàn (thôn Tân Giao) cũng là gia đình có truyền thống nhiều đời làm miến gạo. Bà Toàn cho biết, những năm gần đây thị trường miến gạo Thăng Long đã có chỗ đứng nên giúp người dân làm miến có thu nhập ổn định.

Làng nghề miến gạo tất bật phục vụ Tết - 5

Sau thời gian ủ miến sẽ mang ra ngoài nắng phơi.

Ngày thường, gia đình bà làm 2 tạ gạo mỗi ngày nhưng dịp Tết đã tăng lên 4 tạ/ngày. Đêm phải thức muộn, ngày cũng phải dậy sớm để làm cho kịp đơn hàng cho khách. "Mỗi tạ trừ hết chi phí cũng lãi được 200.000đ. Với người dân như vậy cũng đã là khấm khá lắm rồi. Những năm gần đây nghề cũng mang lại cho người dân cuộc sống no ấm hơn, Tết đủ đầy hơn" - bà Toàn phấn khởi.

Làng nghề miến gạo tất bật phục vụ Tết - 6

Ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ miến gạo Thăng Long chia sẻ, hiện toàn xã có 54 hộ làm miến. Tuy nhiên, làm quanh năm thì có khoảng 30 hộ, một số hộ khác thì cứ dịp lễ Tết mới làm. Hiện nghề miến đã giải quyết việc làm cho khoảng hơn 100 lao động tại địa phương, đặc biệt lao động thời vụ. Mỗi lao động cũng thu nhập 6-7 triệu/tháng.

Làng nghề miến gạo tất bật phục vụ Tết - 7

Miến được người dân phơi khắp nơi trong sân, ngoài ngõ, trong vườn...

Cũng theo ông Hoa, để tiếp tục nhân rộng, phát triển làng nghề, tới đây Hợp tác xã làng nghề miến gạo Thăng Long sẽ chú trọng hơn nữa việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua việc tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ và tiếp cận với các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại các địa phương.

Làng nghề miến gạo tất bật phục vụ Tết - 8

Nghề làm miến đang tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã sẽ xây dựng chuỗi sản xuất theo mô hình tập trung, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm "Miến gạo Thăng Long".