Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết

Tiến Thành Đặng Tài

(Dân trí) - Những ngày này, người dân làng Tân An đang hối hả làm bánh tráng để phục vụ nhu cầu khách hàng dịp Tết. Đây là thời điểm người làm bánh vớt vát thu nhập sau một năm chật vật vì Covid-19.

Làng bánh tráng bên bờ sông Gianh

Làng Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) nằm bên bờ sông Gianh, vốn nổi tiếng với thương hiệu bánh tráng. Đến bây giờ, chẳng ai biết rõ nghề làm bánh xuất hiện từ khi nào, chỉ biết rằng nghề đã gắn chặt với làng hàng trăm năm nay. Cả xã Quảng Thanh hiện có khoảng 200 hộ làm bánh tráng, tập trung phần lớn ở Tân An.

Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 1

Những phên bánh tráng xếp san sát nhau dọc theo tuyến đường của xã Quảng Thanh.

Trước đây, làng Tân An còn sản xuất cả bánh ướt, bún, bánh chưng… thế nhưng do nhu cầu thị trường, người dân chỉ còn sản xuất bánh tráng. Bánh tráng ở đây đa dạng chủng loại và phù hợp với từng nhu cầu sử dụng.

Cụ Nguyễn Thị Đông, ở làng Tân An cho biết, từ nhỏ cụ đã được bố mẹ dạy cách làm bánh tráng, đến nay đã 85 tuổi, cụ vẫn đang mưu sinh và giữ ngọn lửa với nghề truyền thống này.

Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 2

Cụ Nguyễn Thị Đông năm nay đã 85 tuổi, thế nhưng cụ vẫn đang mưu sinh và giữ ngọn lửa với nghề làm bánh tráng.

"Từ nhỏ đã phụ bố mẹ, ông bà làm bánh bán rồi, cái nghề đó gắn với làng, với người dân chúng tôi bao đời nay. Giờ già cả rồi không còn làm được nhiều nữa, nhưng cũng kiếm được thu nhập gần 200 ngàn đồng mỗi ngày nhờ nghề này", cụ Đông cho biết.

Theo người dân Tân An, với mỗi người làm bánh tráng thủ công, mỗi ngày họ đều có thể kiếm được từ 200 đến 500 ngàn đồng. Đặc biệt vào những ngày lễ, Tết, nhu cầu thị trường tăng cao, người dân làng bánh tráng Tân An có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 3

Bánh tráng làng Tân An đa dạng chủng loại và phù hợp với từng nhu cầu sử dụng.

Nghề làm bánh tráng không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho người dân Tân An mà còn giúp nhiều người vươn lên làm giàu khi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nắm bắt tốt thị trường.

Hàng chục hộ dân tại làng Tân An nói riêng và xã Quảng Thanh nói chung đầu tư máy móc để sản xuất bánh tráng, giảm bớt sức người, đồng thời nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên trong năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thị trường thiếu ốn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ dân làm bánh làng Tân An.

Kỳ vọng vụ Tết

Dần về cuối năm, thị trường bánh tráng bắt đầu có dấu hiệu sôi động hơn, lượng đặt hàng cũng tăng lên khiến các hộ dân làm bánh hết sức hứng khởi. Họ đang rất chờ đợi và kỳ vọng vào một vụ Tết thành công.

Làng nghề Tân An lại tất bật vào vụ, sẵn sàng cung ứng hàng Tết ra thị trường với hy vọng vớt vát thu nhập sau một năm chồng chất khó khăn.

Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 4
Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 5

Lượng bánh nhiều, sân nhà không đủ, nhiều người phải dùng xe đưa những phên bánh ra các con đường lớn hoặc bãi đất trống để phơi bánh tráng.

"Năm ni lượng bánh bán ra của gia đình tôi và nhiều gia đình thực sự thấp hơn các năm trước. Giờ cũng gần Tết rồi nên nhà nào cũng đang tích cực làm bánh để bán ra thị trường. Cả năm chật vật rồi, chỉ mong mỗi vụ Tết này mà thôi", anh Nguyễn Văn Sức (SN 1967), một hộ làm bánh chia sẻ.

Tại làng Tân An những ngày cuối năm, phên bánh nằm sát bên nhau xếp dọc từ đường làng, ngõ xóm ra đến tận đường lớn. Không khí sản xuất nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Dù là làm máy hay thủ công, việc tráng bánh của các hộ dân cũng bắt đầu sớm và sẽ kết thúc muộn hơn so với thường lệ.

Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 6

"Giờ cũng gần Tết rồi nên nhà nào cũng đang tích cực làm bánh để bán ra thị trường. Cả năm chật vật rồi, chỉ mong mỗi vụ Tết này mà thôi", anh Nguyễn Văn Sức (SN 1967), một hộ làm bánh chia sẻ.

Để làm ra những chiếc bánh đậm vị, đòi hỏi sự khéo kéo, công phu của người làm. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo, gạo phải ngon vừa độ dẻo. Bánh đa mè xát hay bánh đa nem (bánh ngô) thì cần thêm mè (vừng) và ngô.

Mỗi loại bánh lại mang trong mình từng hương vị riêng. Vị bánh có ngon phụ thuộc nhiều từ những công đoạn như ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh…Công đoạn tráng bánh đòi hỏi người làm phải quen tay, chịu được nhiệt cao khi đó bánh mới có hình dáng đẹp. Khâu phơi bánh quan trọng không kém, phải đong đếm đủ thời gian, đảm bảo làm sao cho bánh không quá giòn, cũng không quá ỉu.

Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 7

Người dân làng bánh tráng đang rất kỳ vọng vào vụ Tết, sau một năm chật vật vì đại dịch.

"Làm nghề này phải thức dậy lúc 2 giờ sáng để làm. Mấy hôm nay không khí lạnh, kèm theo mưa nên việc phơi bánh gặp nhiều trở ngại. Để có bánh chất lượng, nếu không có nắng phải sấy bằng than. Chúng tôi luôn phải tranh thủ để có được số lượng và chất lượng bánh tốt nhất", một người dân làm bánh khác nói.

Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 8

Những ngày qua, do thời tiết mưa nên người làm bánh phải sấy bánh tráng bằng than.

Trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, làng nghề Tân An vẫn luôn giữ được ngọn lửa nghề mà những thế hệ ông cha đi trước để lại. Nghề làm bánh tráng đã nuôi lớn biết bao thế hệ người dân ở làng quê yên bình bên dòng sông Gianh.

Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 9

Nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc để sản xuất bánh tráng, nâng cao năng suất.

Làng bánh tráng nức tiếng Quảng Bình hối hả vào vụ Tết - 10

Không chỉ tại Tân An, nhiều vùng quê khác của Quảng Bình cũng đang phát triển nghề làm bánh tráng.

Ngoài tạo ra sản phẩm đặc trưng cho quê hương, nghề bánh tráng còn giúp giải quyết lao động nhàn rỗi ở địa phương với thu nhập ổn định. Bánh tráng Tân An cũng ngày càng được cải thiện về mẫu mã, được tiêu thụ ở khắp nơi và được mọi người ưa chuộng. Góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như gìn giữ được nghề truyền thống, giữ một nét đẹp văn hóa cho quê hương.