1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Bình:

Người trồng hoa vùng rốn lũ chong đèn thúc hoa, đau đáu nỗi lo "mất Tết"

Tiến Thành

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, các làng hoa tại Quảng Bình đã bị chậm thời vụ, người trồng hoa đang phải thắp đèn điện khắp các cánh đồng để thúc hoa phát triển nhanh, kịp phục vụ Tết.

Những ngày này, trên khắp cánh đồng hoa của xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đang rộn ràng vào vụ hoa Tết. Sau trận lũ lịch sử, công tác tái thiết sản xuất của người dân vùng "rốn lũ" đang tất bật hơn bao giờ hết, đặc biệt khi chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán.

Người trồng hoa vùng rốn lũ chong đèn thúc hoa, đau đáu nỗi lo mất Tết - 1

Đèn điện được thắp sáng trên cánh đồng hoa.

Với người trồng hoa tại Quảng Bình, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ kéo dài, vụ hoa Tết bắt đầu muộn hơn mọi năm. Cùng với đó, hiện nay thời tiết rất lạnh khiến việc sinh trưởng của hoa bị ảnh hưởng lớn.

Chị Lê Thị Thủy (SN 1975), trú thôn Thạch Trung, xã Hồng Thủy có gần 1.000 m2 đất, chủ yếu là trồng hoa cúc. Để cải tạo, gây dựng lại vườn hoa sau lũ, chị đã phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.

Bên cạnh đó, để có hoa cúc đẹp phải mất thời gian 2 tháng, tuy nhiên đến nay, do mưa lũ nên gia đình chị cũng như nhiều hộ dân khác chỉ vừa mới xuống giống.

Người trồng hoa vùng rốn lũ chong đèn thúc hoa, đau đáu nỗi lo mất Tết - 2

Chị Thủy đang tích cực chăm sóc vườn hoa của mình để có thể thu hoạch đúng dịp tết Nguyên đán.

"Lũ về cuốn trôi gần hết tài sản, kinh phí để đầu tư trồng hoa không còn đủ phải vay mượn. Lũ cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng đất, cùng với đó là giá giống, phân bón... tăng cao, thời tiết cũng không ủng hộ khiến việc trồng hoa càng thêm khó khăn", chị Thủy cho biết.

Để hoa phát triển tốt, kịp thu hoạch vụ Tết, ngoài việc làm đất, bón phân, tỉa cành, gia đình chị Thủy và người dân vùng lũ này đã phải chong đèn xuyên đêm giữa vườn hoa. Khi đó, hoa sẽ liên tục nhận năng lượng từ ánh sáng và quang hợp để lớn nhanh, nở đúng thời gian họ mong muốn. 

Người trồng hoa vùng rốn lũ chong đèn thúc hoa, đau đáu nỗi lo mất Tết - 3

Để thắp sáng, người dân thường sử dụng các bóng đèn huỳnh quang loại nhỏ, có công suất từ 15 đến 20W.

Để thắp sáng, người dân thường sử dụng các bóng đèn huỳnh quang loại nhỏ, có công suất từ 15 đến 20W. Đèn được treo trên trụ cao khoảng 2m, bố trí sao cho ánh sáng tỏa đều các luống hoa.

"Như mọi năm thì vào thời điểm này hoa cúc đã cao hơn gang tay rồi, nhưng năm ni mới xuống giống được 2,3 ngày. Đất sau lũ khó trồng hơn, giống lại đắt và rất khó mua. Giờ trồng hoa cúc chứ các loại hoa dài ngày, giá cao thì không còn kịp nữa rồi", chị Phạm Thị Miễn, một hộ trồng hoa khác cho biết.

Người trồng hoa vùng rốn lũ chong đèn thúc hoa, đau đáu nỗi lo mất Tết - 4

Chị Phạm Thị Miễn, một hộ trồng hoa tại xã Hồng Thủy cho biết, sau lũ giá giống rất đắt và khó mua. Bên cạnh đó, chi phí để cải tạo, tái thiết vườn hoa sau lũ hết sức tốn kém.

Cũng như người dân xã Hồng Thủy, xã Lý Trạch của huyện Bố Trạch cũng được biết đến với nghề trồng hoa từ lâu đời, rất nhiều hộ dân nơi đây lấy nghề trồng hoa để mưu sinh, đây cũng được xem là nghề mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế cao cho người dân địa phương.

Hiện nay ở xã Lý Trạch có khoảng 2/3 số hộ gia đình tham gia trồng hoa với tổng diện tích gần 35 ha, tập trung nhiều nhất là ở thôn 3 và thôn 4. Nhờ trồng hoa, trung bình mỗi hộ gia đình tại làng hoa này có thể thu về gần 200 triệu đồng/năm.

Người trồng hoa vùng rốn lũ chong đèn thúc hoa, đau đáu nỗi lo mất Tết - 5

Người dân xã Lý Trạch cũng đang giăng đèn điện khắp các vườn hoa để thúc hoa phát triển.

Tuy nhiên, người trồng hoa tại vựa hoa lớn nhất tỉnh Quảng Bình đang "gánh" trên vai nhiều nỗi lo trong mùa hoa Tết.  Theo những người trồng hoa tại xã Lý Trạch, đợt mưa lũ vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến thời vụ cũng như đất trồng hoa. Nhiều hộ đã không kịp xuống giống, nhiều diện tích từng trồng hoa đành bỏ hoang.

"Như mọi năm thì gia đình tôi trồng khoảng 10.000 gốc hoa các loại, với vườn hoa này tôi cũng kiếm được gần 50 triệu đồng. Thế nhưng năm nay lũ kéo dài, xuống giống hoa không kịp nên chỉ trồng được một nửa diện tích. Năm nay sợ dịch bệnh rồi bão lũ người ta ít mua hoa hơn. Đầu tư tiền bạc, công sức nhiều mà không bán được hoặc giá thấp thì bọn tôi coi như mất Tết", ông Lê Tài Huân (SN 1962), một hộ trồng hoa tại xã Lý Trạch cho hay.

Người trồng hoa vùng rốn lũ chong đèn thúc hoa, đau đáu nỗi lo mất Tết - 6

Xuống giống chậm cộng thêm thời tiết lạnh đã khiến những cây hoa chậm phát triển.

Bên cạnh mưa lũ khiến chi phí đầu vào tăng, người trồng hoa Tết tại Quảng Bình cũng đang canh cánh nỗi lo về việc nhu cầu và giá cả của hoa sẽ bị sụt giảm mạnh do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và địa phương này vừa trải qua nhiều trận bão, lũ lớn.