Nam Định:

Bỏ lúa sang trồng cây giá trị kinh tế, người dân thu về trăm triệu đồng

Đức Văn

(Dân trí) - Từ khu vực đất 2 lúa kém hiệu quả, người dân ở Nam Định, đã chuyển sang các cây có giá trị kinh tế cao, giúp họ tăng thu nhập, bỏ túi cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Thu 300 triệu tiền lãi mỗi năm

Những năm gần đây, nhiều người dân ở xã Hải Quang (huyện Hải Hậu, Nam Định) đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng, một loại cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao.

Các mô hình chuyển đổi từ đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm đều thành công, lợi nhuận sau chuyển đổi đạt trên 100 triệu đồng/1ha.

Bỏ lúa sang trồng cây giá trị kinh tế, người dân thu về trăm triệu đồng - 1

Ông Bùi Văn Sớm một trong những người đi đầu trong phong trào trồng cây đinh lăng ở huyện Hải Hậu

Là một trong những người đi đầu trong phong trào trồng cây đinh lăng, ông Bùi Văn Sớm (SN 1963), xóm 12, xã Hải Quang, huyện Hải Hậu, hiện đang sở hữu diện tích trồng cây đinh lăng lớn nhất xã này với quy mô 3ha.

Theo ông Sớm, vào đầu năm 2002, trong 1 lần đi làm, vô tình biết đến mô hình cây đinh lăng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông Sớm đã nảy ý định làm giàu từ loại cây dược liệu này. Nghĩ là làm, ông dành thời gian 6 tháng đi học cách sấy củ, rễ đinh lăng tươi, rồi đi mua lại cây đinh lăng tươi về sấy khô rồi bán cho các cửa hàng thuốc nam.

Nhận thấy nguồn nguyên liệu tươi ngày càng ít, không đủ để sấy khô cung cấp ra thị trường; cuối năm 2002, ông Sớm lên UBND xã xin chính quyền địa phương chuyển đổi 6 sào diện tích 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng.

Bỏ lúa sang trồng cây giá trị kinh tế, người dân thu về trăm triệu đồng - 2

Hiện nay, gia đình ông Sớm đang trồng 56.000 gốc đinh lăng xen canh cây na, bưởi… Theo tính toán, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng

Theo ông Sớm, trong 3 năm đầu, ông đã kiếm được mấy trăm triệu đồng nhờ cây đinh lăng. Nhưng giá bán kéo dài được khoảng mấy năm thì hạ sâu vì nhiều người trồng, nguồn cung nhiều hơn cầu nên giá bán buộc phải hạ xuống.

Ông Sớm cho biết, hiện nay, gia đình ông đang trồng 56.000 gốc đinh lăng theo phương thức trồng cuốn chiếu. Bên cạnh đó, có trồng xen canh cây na, bưởi… Theo tính toán, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng, đã trừ chi phí.

Chuyển đổi sang trồng hoa

Nhiều năm trở lại đây, bà con nông dân xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam định đã mạnh dạn chuyển đổi đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng hoa. Đến nay, làng nghề trồng hoa ở địa phương này đang phát triển mạnh và trở thành nơi cung cấp hoa tươi lớn nhất, nhì ở Nam Định.

Bỏ lúa sang trồng cây giá trị kinh tế, người dân thu về trăm triệu đồng - 3

Xã Mỹ Tân có hơn 600 hộ trồng hoa, với tổng diện tích hơn 200ha

Xã Mỹ Tân có hơn 600 hộ trồng hoa, với tổng diện tích hơn 200ha tập trung chủ yếu tại các thôn: Hồng Hà 1, Hồng Hà 2, Cộng Hòa, Bình Dân. Trong đó, diện tích trồng hoa cúc chiếm khoảng 80%, còn lại là hoa ly, dơn, hoa phi yến, hoa hồng.

Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường tăng cao diện tích trồng hoa tại Mỹ Tân được mở rộng. Nhờ đó, nhiều hộ dân trong xã trồng hoa với diện tích lớn trở thành triệu phú làng quê với thu nhập 200 - 250 triệu đồng/vụ hoa Tết.

Bỏ lúa sang trồng cây giá trị kinh tế, người dân thu về trăm triệu đồng - 4

Trong đó, diện tích trồng hoa cúc chiếm khoảng 80%, còn lại là hoa ly, dơn, hoa phi yến, hoa hồng…

Ông Phạm Văn Tường một người dân trồng hoa ở xã Mỹ Tân cho biết, gia đình ông hiện nay đang canh tác 6 sào hoa các loại, toàn bộ diện tích được lắp đặt hệ thống tưới nước tiên tiến, tưới tiết kiệm.

Trung bình mỗi vụ, gia đình ông bán ra thị trường hàng vạn bông hoa cúc các loại, với giá từ 2.000 - 2.500đ/bông; vào những dịp lễ, tết giá bán lên đến 3.000 - 4.000đ/bông, nếu hoa đẹp, đạt chất lượng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông đút túi hàng chục triệu đồng.

Bỏ lúa sang trồng cây giá trị kinh tế, người dân thu về trăm triệu đồng - 5

 Nếu thời tiết thuận lợi, hoa cúc nở đều, đẹp vào đúng vụ tết thì mỗi sào hoa cúc thu được 25 - 30 triệu đồng.

Theo người dân trồng hoa ở xã Mỹ Tân cho biết, vào giáp tết, hầu hết diện tích đất để trồng hoa cúc bởi đây là loại hoa dễ trồng, chăm sóc, chi phí đầu tư giống thấp. Nếu thời tiết thuận lợi, hoa nở đều, đẹp vào đúng vụ tết thì mỗi sào hoa cúc thu được 25 - 30 triệu đồng.

Theo thống kê, đến năm 2020, toàn tỉnh Nam Định đã chuyển đổi được 2.244 ha từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và 403 ha từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm mang lại giá trị kinh tế cao.