Kỳ tích của người đàn ông mới chỉ học hết phổ thông
(Dân trí) - Suốt đêm, anh em anh Lượng mỗi người một cái nhíp, căng mắt ngồi canh từng cái trứng lươn nở. Canh từng phút vậy mà tỉ lệ trứng hao hụt vẫn hơn một nửa...
Mất tiền lấy khôn
Khu trang trại nuôi lươn của anh Hoàng Kim Lượng (xóm 5, xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An) được phân chia thành nhiều khu: nuôi lươn bố mẹ, ấp trứng, ương giống, lươn thương phẩm. Trang trại hình thành năm 2018, từ tâm huyết của người đàn ông đã bôn ba khắp nơi, kiếm sống đủ mọi nghề.
"Tôi từng đi Anh, từng đi buôn, nhưng cuối cùng quyết định trở về quê khởi nghiệp. Chọn con lươn để khởi nghiệp vì Yên Thành quê tôi nổi tiếng về lươn, nghĩ đến lươn xứ Nghệ, người ta nghĩ đến lươn Yên Thành", anh Lượng kể.
Với số vốn tích lũy trong những năm tháng quần quật ở nước ngoài, anh Lượng vay mượn thêm anh em, đầu tư 6 tỷ đồng cho trang trại nuôi lươn. Từng là "dân bắt lươn chuyên nghiệp", anh Lượng hiểu đặc tính của con lươn rồi tự mày mò nghiên cứu quy trình nuôi. Chưa tự tin, anh tìm đến các trang trại nuôi lươn ở miền Nam để học hỏi thêm.
Anh Lượng bỏ 300 triệu đồng để nhận chuyển giao kỹ thuật từ một trang trại có tiếng rồi mua lươn giống về nuôi.
"Môi trường, nhiệt độ, khí hậu ở miền Nam và ở ta khác nhau, nên vụ nuôi lươn đầu tiên thất bại, lươn chết la liệt. Nhưng tôi không lấy đó làm buồn bởi mình thất bại thì chỉ mất tiền để lấy khôn. Có thất bại mới rút ra được kinh nghiệm, còn nếu thất bại mà bỏ cuộc thì mất hết", anh Lượng nói.
Anh Lượng tiếp tục nhập giống miền Nam về nuôi tiếp. Khi đạt giới hạn, con lươn bắt đầu thích nghi tốt hơn. Giống lươn miền Nam trưởng thành có con đạt trọng lượng 1,4kg, thời gian nuôi 8 tháng. Anh Lượng quyết định nuôi theo mô hình bể không bùn, thay vì nuôi lươn bùn như truyền thống.
"Nuôi lươn bùn tiết kiệm được chi phí xây bể, sục... nhưng mật độ nuôi thấp. Cùng một diện tích, nếu nuôi không bùn thì mật độ gấp 5 so với nuôi lươn trong bùn tuy nhiên cách này lại mất thời gian thay nước, do đó nguồn nước cực kỳ quan trọng.
Lươn là loại nhạy cảm với môi trường, trong khi đó, bà con nông dân thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, do đó, việc lấy nước từ đồng ruộng vào rủi ro rất cao. Tôi sử dụng 2 ao tích trữ, chủ động nguồn nước để nuôi lươn", anh Lượng chia sẻ.
Theo anh Lượng, đặc tính của lươn là dưới 20 độ C sẽ không ăn. Thông thường, theo quy trình nuôi, lươn sẽ được xuất trước khi vào mùa đông lạnh giá để tránh hao hụt. Tuy nhiên, anh Lượng lại làm ngược lại. Vào mùa đông, mặc dù chi phí điện sưởi, thay nước tốn kém hơn, con lươn nuôi gần như không lớn, nhưng bù lại, thu hoạch vào dịp Tết lươn dai, chắc thịt hơn, giá thành cao hơn do người nuôi có lãi hơn.
Với 7 bể nuôi lươn thương phẩm, rộng 10m2/bể, mỗi năm anh Lượng cung cấp cho các cơ sở chế biến trên dưới 1 tấn lươn, thu về gần 150 triệu đồng. Long Thành hiện có hơn 50 cơ sở chế biến lươn, do vậy, lươn thương phẩm của anh Lượng không phải lo lắng về đầu ra.
Tuy nhiên, nguồn thu nhập chính của trang trại anh Lượng là cung cấp lươn giống. Mỗi năm, trại xuất 20-30 vạn con giống, thu khoảng 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng, lãi ròng khoảng 500 triệu đồng. Việc ấp trứng lươn cũng là một kỳ tích của người đàn ông mới chỉ học hết lớp 12 này.
Cuộc cách mạng... ấp trứng lươn
Thời gian đầu anh Lượng mua giống từ miền Nam ra nuôi. Khí hậu khác biệt khiến lươn giống chết như ngả rạ. Có thời điểm lươn giống giá cao, 7.000 đồng/con, nhập về nuôi khả năng thua lỗ lớn. Suy tính thiệt hơn, anh Lượng quyết định nhập trứng lươn để ấp nở thế nhưng, ấp cả trăm ngàn quả trứng, chỉ nở được 5.000 con.
"Tôi mày mò ấp lươn theo kiểu miền Nam, bỏ trứng trong chậu, sục oxy cho lươn nở. Trứng lươn nở, vỏ vỡ, kết thành chùm sinh rêu mốc, hỏng cả trứng, chết cả lươn mới nở.
Mùa hè nhiệt độ cao, tỷ lệ trứng ung lớn. Mùa đông thì lạnh, lươn nở ra chết nhiều. Chưa kể, canh trứng lươn nở cực lắm. Cả ngày lẫn đêm, tôi với em trai lăm lăm cái nhíp, ngồi căng mắt canh trứng nở. Con nào nở phải nhanh chóng tách sang khu vực khác, dọn sạch vỏ trứng nhỏ xíu", anh Lượng kể lại.
Ấp theo kiểu thủ công này vừa mệt, tỷ lệ hao hụt lại cao, phải tìm cách khác thôi, anh Lượng nghĩ trong đầu. Nguyên nhân hao hụt khi ấp trứng lươn là do yếu tố môi trường và môi trường nước, do đó, đầu tiên là phải giải quyết tốt 2 vấn đề này.
Anh Lượng mày mò chế tạo ra máy ấp trứng lươn. Với thiết kế nhiều buồng, cộng với nguyên lý luân chuyển nước tạo ra oxy, chiếc máy ấp giúp trứng luôn di chuyển, không dính vào nhau.
Khi trứng nở, lươn con sẽ được tách qua một cái khe để tới buồng riêng, còn những quả trứng chưa nở vẫn giữ lại để ấp tiếp. Bên cạnh đó, máy có hệ thống kích nhiệt, giải quyết tốt vấn đề nhiệt độ vào mùa đông, giúp lươn khi nở ra không bị "sốc lạnh".
Nói thì nghe đơn giản nhưng để hoàn thiện, anh Lượng phải trải qua vô số lần thử nghiệm, điều chỉnh. Với máy ấp lươn, tỷ lệ trứng lươn nở đạt 80%, so với cách ấp trứng thủ công trước đó thì đây là tỷ lệ đáng mơ ước.
Cùng với việc giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình ấp trứng, anh Lượng mạnh dạn cho lai tạo lươn bố mẹ miền Nam với lươn đồng bản địa, vừa nâng cao sản lượng, vừa tăng khả năng thích nghi của lươn con đối với môi trường, đảm bảo thịt lươn dai, chắc, ngon hơn.
Ngoài việc cung cấp con giống lươn cho các cơ sở nuôi lươn trong và ngoài huyện, anh Lượng chuyển giao công nghệ lắp đặt máy ấp lươn với chi phí 80 triệu đồng/cơ sở nhận chuyển giao. Hiện, đã có hàng chục trang trại nuôi lươn nhận chuyển giao công nghệ máy ấp trứng lươn của anh nông dân không bằng cấp Hoàng Kim Lượng.
Theo anh, lươn là loài lưỡng tính, khi cơ thể dưới 35cm, tất cả lươn đều là cái, từ trên 40cm sẽ biến thành lươn đực. Anh Lượng dùng thùng nhựa chế thành nhà riêng cho lươn bắt cặp chuyển đổi về giới tính để sinh sản. Với cách thức này, theo anh Lượng, mỗi bể lươn bố mẹ sẽ thu được khoảng 1kg trứng, tỷ lệ trứng được thụ tinh và ấp nở đạt 2 vạn con/kg trứng. Trong bể nuôi lươn bố mẹ, anh Lượng sử dụng bèo tây để lọc không khí, lọc thức ăn dư thừa trong nước.
Người đàn ông này đang nghiên cứu phương pháp thụ tinh nhân tạo đối với lươn. "Với phương pháp này, lươn đực phải mổ, lấy trứng xong là chết nhưng nếu thành công, mình sẽ chủ động được con giống, tỷ lệ trứng được thụ tinh cao, giá thành con giống cung ứng cho các cơ sở nuôi lươn sẽ giảm, khi đó bà con sẽ có lãi cao hơn", anh Lượng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đề, Chủ tịch UBND xã Long Thành (Yên Thành), địa phương có truyền thống về nuôi lươn và chế biến lươn.
"Hiện toàn xã có 51 hộ chế biến lươn, trong đó nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất hộ gia đình anh Hoàng Kim Lượng cung ứng lươn giống, lươn. Mô hình ấp, nuôi lươn giống, lươn thịt của gia đình anh Lượng mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài ra còn tạo việc làm ổn định cho anh em trong gia đình", ông Đề cho hay.