Đằng sau chuyện công ty tặng mía, tóc giả làm quà Tết cho nhân viên
(Dân trí) - Cận Tết Nguyên đán, một số công ty Trung Quốc tặng quà độc lạ cho nhân viên, như mía khổng lồ mang "may mắn và thành công", tóc giả để cầu chúc "làm ăn phát tài" trong năm mới.
Tập đoàn công nghệ Tencent, trụ sở tại thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), đã tặng những cây mía khổng lồ cho nhân viên làm quà Tết. Món quà mang ý nghĩa như lời chúc may mắn và thành công trong năm mới.
Truyền thông Trung Quốc lý giải rằng trong tiếng Quảng Đông có cụm từ "thẳng hơn cả mía", nên việc tặng mía tượng trưng cho sự suôn sẻ và thuận lợi, hi vọng "mọi thứ đều tốt đẹp".
Đoạn video trên mạng xã hội cho thấy mỗi nhân viên cầm một cây mía khổng lồ đi lại trong văn phòng. "Gã khổng lồ" công nghệ Tencent còn có thêm dịch vụ gọt vỏ và cắt khúc mía.
Hoạt động tặng mía không chỉ mang ý nghĩa tinh thần mà còn đem lại lợi ích sức khỏe cho nhân viên.
Đây còn là chiến lược truyền thông nội bộ thông minh của Tencent. Việc nhân viên hào hứng chia sẻ hình ảnh món quà độc đáo này trên mạng xã hội đã giúp công ty lan tỏa hình ảnh thương hiệu gần gũi, sáng tạo và biết cách quan tâm đến nhân viên.
Ngoài tặng mía, nhiều công ty Trung Quốc còn tặng nhân viên những món quà Tết độc lạ như tóc giả. Theo Jiemian News, một công ty sản phẩm văn hóa ở Trung Quốc đã tặng tóc giả cho những nhân viên sinh năm 1990-1999.
Ban đầu, một số người cho rằng đó là trò đùa vì nghĩ rằng những nhân viên này đã bị rụng tóc do áp lực công việc.
Tuy nhiên, công ty cho biết từ "tóc giả" trong tiếng Trung Quốc có chữ "Fa", có nghĩa là "Phát" - ăn nên làm ra. Món quà này được xem là một lời chúc may mắn, làm ăn phát tài cho dịp năm mới.
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người lao động ở Trung Quốc nhận được nhiều nhu yếu phẩm như dầu ăn và gạo, may mắn hơn còn được tặng cả gia súc, gia cầm.
Hàng năm, một số người cho biết nhận được gà, vịt và thậm chí là cừu từ chủ lao động của mình.
Tại Trung Quốc, có một niềm tin dân gian cho rằng giết gà vào ngày 27/12 Âm lịch sẽ mang lại may mắn cho năm tới.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, chỉ có các vùng nông thôn mới giết gia súc mà họ nuôi vào dịp đầu năm mới. Do đó, món quà này đã trở thành gánh nặng cho người nhận.
"Chúng tôi giữ món quà năm mới của mình như một con vật cưng. Chú gà sau đó còn đẻ trứng", một người dùng mạng cho biết.