Kỹ sư 9x chế máy sản xuất bẫy ruồi, tạo việc làm cho nhiều người
(Dân trí) - Chàng kỹ sư trẻ Lê Phạm Ngọc Duy (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã cùng với anh họ sáng chế ra máy sản xuất bẫy ruồi từ những ý tưởng đơn giản. Nghề "tay trái" này giúp anh Duy tạo công việc cho hơn 10 lao động.
Áp dụng kỹ thuật vào sản xuất
Mỗi khi mùa mưa tới, khu vực xã Đá Bạc (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thường có khá nhiều ruồi, gây mất vệ sinh. Nguyên nhân do khu vực này khá nhiều rừng cây rậm rạp, nhiều gia đình chăn nuôi gia súc nên ruồi phát triển khá nhanh.
Trong một lần về quê, anh Lê Phạm Ngọc Duy (30 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thấy người anh họ đang cặm cụi làm bẫy bắt ruồi thủ công.
Mỗi lần bắt, anh họ của Duy chỉ "gom" được vài chục con ruồi. Trong khi đó, khu vực quanh nhà mỗi ngày xuất hiện hàng ngàn con ruồi.
Sau khi thấy anh họ tìm hiểu các kỹ thuật trên mạng để tự động hóa máy móc nhưng bất thành, anh Duy đã đưa tay tương trợ.
Cách đây khoảng 2 tháng, anh Duy có dịp về quê thì thấy anh trai đang mày mò làm cái bẫy để bắt ruồi xung quanh nhà. Do anh trai làm thủ công nên tốn nhiều thời gian và công sức.
"Mình là kỹ sư nên sử dụng máy móc hỗ trợ anh làm nhiều bẫy hơn, hiệu quả hơn. Sau khoảng 1 tháng thì hệ thống làm bẫy ruồi tự động được hoàn thành”, anh Duy chia sẻ.
Bẫy ruồi của anh Duy có cấu tạo đơn giản gồm 2 vòng thép có đường kính 20cm nằm hai đầu bẫy, xung quanh được bọc lưới để khi ruồi bay vào thì không thoát ra được.
Cấu tạo đơn giản là thế nhưng để dùng phương pháp thủ công mà sản xuất hàng loạt thì một người chỉ có thể làm ra được 20 bẫy một ngày. Với số lượng hạn chế như vậy thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của khách.
“Hồi trước mình uốn vòng thép bằng tay thì không đạt được độ tròn mong muốn nên sản phẩm không có độ thẩm mỹ. Từ khi mình áp dụng máy móc thì thời gian sản xuất giảm xuống. Tầm 4 giây đã có được một vòng thép với độ tròn gần như hoàn hảo đảm bảo được độ thẩm mỹ của sản phẩm”, anh Duy tâm sự.
Việc áp dụng máy móc vào khâu sản xuất thay những công đoạn thủ công giúp anh Duy có thể sản xuất 10.000 bẫy ruồi trong vòng một tháng. Tuy vậy, do lượng khách hàng còn hạn chế nên hiện tại anh chỉ sản xuất khoảng 1.000 bẫy ruồi mỗi tháng.
Lúc đầu, Duy chỉ sử dụng sản phẩm của mình cho gia đình và tặng cho những hộ dân xung quanh để cùng nhau diệt ruồi. Mô hình này khá hiệu quả và được người dân khá thích thú.
Một thời gian sau, khi các sản phẩm cho thấy được hiệu quả. Tiếng lành đồn xa nên nhiều khách hàng ở các tỉnh như: Buôn Ma Thuột, Bến Tre, Long An,... đã đặt hàng, tạo ra nguồn thu ổn định cho anh. Với giá thành 35.000 đồng/chiếc nhưng mang lại hiệu quả cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Tạo việc làm cho công nhân bị mất việc do dịch Covid-19
Thấy việc làm bẫy ruồi hiệu quả, anh Duy đã cùng với người anh của mình thương mại hóa sản phẩm. Mục đích của anh vừa giúp tăng kinh tế cho gia đình, vừa hỗ trợ cho những lao động mất việc tại địa phương.
“Đợt dịch vừa rồi, mình thấy nhiều bà con bị thất nghiệp nên mình đã đầu tư máy móc để mở rộng sản xuất tạo việc làm cho bà con xung quanh. Lúc đầu là mô hình hộ gia đình đến nay đã phát triển trở thành xưởng sản xuất như hiện nay”, anh Duy chia sẻ.
Xưởng sản xuất của anh hiện có 10 nhân công, chủ yếu là công nhân bị mất việc tại địa phương. Việc mở rộng sản xuất đã tạo cho họ việc làm với thu nhập trung bình dao động từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
"Tháng trước công ty cho nghỉ thì mình ở nhà làm bẫy ruồi cả ngày. Tháng cũng thu nhập được gần 10 triệu. Giờ công ty gọi đi làm trở lại rồi nhưng việc không nhiều nên mình vẫn tranh thủ làm bẫy ruồi buổi tối để tăng thu nhập. Công việc này cũng nhàn", chị Hoài chia sẻ.
Anh Duy cho biết, công việc ở đây chủ yếu làm theo sản lượng nên có thể làm buổi tối. Ban ngày anh, chị công nhân có thể xin làm các công việc khác để kiếm thêm thu nhập.
"Mình phụ trách khâu may túi đựng ruồi, nếu chịu khó làm thì mỗi tháng cũng kiếm thêm được 7 triệu đồng. Công việc này rất thuận tiện nên mình cố gắng làm thêm để kiếm tiền. Mình cứ đến lấy hàng rồi mang về nhà may, may nhiều thì nhiều tiền", chị Trần Thị Tần tâm sự.
Trước tình trạng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều công ty đã phải giải thể nên tình trạng công nhân thất nghiệp tăng cao. Mô hình sản xuất của anh Duy vừa giúp bà con tại địa phương giải quyết nỗi lo về ruồi, nhặng đồng thời giải quyết vấn đề kế sinh nhai cho công nhân thất nghiệp tại địa phương.