1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bình Định:

Những phụ nữ hành nghề vá lưới thuê ở mũi biển Đề Gi

(Dân trí) - Sau mỗi tuần trăng, các tàu cá vào bờ bán sản phẩm và nghỉ biển. Đó là lúc những phụ nữ ở mũi biển Đề Gi (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) lại tất bật với nghề vá lưới thuê…

Vá lưới xuyên Việt

Theo những người có thâm niên, nghề vá lưới của phụ nữ ở mũi biển Đề Gi (huyện Phù Cát) nổi tiếng khắp cả nước. Dọc dải đất Trung Bộ đến miền Nam vào tận Kiên Giang, Cà Mau, nơi đâu cũng thấy những phụ nữ ở Đề Gi hành nghề vá lưới cho những con tàu đánh bắt vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa...

Những phụ nữ hành nghề vá lưới thuê ở mũi biển Đề Gi - 1
Những đội vá lưới ở các làng biển ở Bình Định.

Vừa thoăn thoắt trên tay chiếc ghim vá, bà Ngô Thị Nhàn (hay gọi là cô Tám Nhàn), vốn quê ở phố biển Quy Nhơn (Bình Định) ra Đề Gi hành nghề vá lưới, chia sẻ: “Riêng nghề vá lưới thì ở Đề Gi có đông thợ vá nhất cả miền Trung. Dọc mũi biển Đề Gi đếm hết các làng Quang Đông, Vĩnh Lợi, Ngãi An, Hóa Lạc, Chánh Lợi phải có cả ngàn thợ vá lưới đấy”.

Vài năm trở lại đây, nhờ những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngư dân Bình Định nói riêng và cả nước chung đều mạnh dạn đóng mới, cải hoán tàu công suất lớn vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tàu lớn đòi hỏi ngư lưới cụ cũng phải lớn để đáp ứng cho những chuyến đánh bắt kéo dài cả tháng trời.

Theo lão ngư Lê Văn Thãi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) - chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS, những tàu có công suất lớn thì các chủ tàu phải đầu tư hàng tỷ đồng để sắm lưới với đủ kích cỡ, loại lớn nhất dài đến 100 sải (200 mét), rộng 2.500m2.

Để sở hữu một vàng lưới khổng lồ như vậy, chủ tàu phải nhờ đến những đội vá lưới cả trăm người. Những người thợ vá cần mẫn làm việc suốt cả tuần lễ, thậm chí cả tháng trời mới vá xong.

Lúc ra khơi đánh bắt lưới thường đụng phải gành đá, san hô, cây gỗ, xác tàu đắm hay bị các cá lớn có gai đâm phá hư rách cũng phải nhờ đến những người thợ vá lưới.

Những phụ nữ hành nghề vá lưới thuê ở mũi biển Đề Gi - 2
Nghề vá lưới đòi hỏi người vá cẩn trọng, tỉ mỉ...

“Ra biển, mọi thứ trên tàu đều quý giá nhưng không có lưới thì không thể đánh bắt cá được. Còn lưới đánh bắt có bền thì một phần nhờ vào tay nghề của người thợ vá lưới. Nghề biển mà không có những người thợ vá lưới thì không ra khơi được. Họ như những cánh tay phải đắc lực, chắp cánh cho tàu của chúng tôi yên tâm ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền…”, lão ngư Lê Văn Thãi chia sẻ.

Hàng năm, các đội vá lưới ở khu vực biển Đề Gi thường đi rất nhiều tỉnh để hành nghề. Thường thì mùa vá lưới tập trung vào những tháng trăng sáng, khi những con tàu “no” cá trở về bán sản phẩm rồi nghỉ biển.

Riêng đội vá lưới của bà Tám Nhàn thì đi quanh năm suốt tháng ở rất nhiều vùng biển. Từ tháng 12 đến tháng 1 họ vá lưới cho đoàn tàu cá ở Bình Định.

Ra tháng 2 thì vá cho đoàn tàu cá ở Thừa Thiên Huế, đến tháng 3 trở ngược vào các mũi biển Phú Yên, Khánh Hòa rồi Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau…

Thâu đêm vá lưới

Làm nghề vá lưới thuê phần lớn là phụ nữ ở cá làng biển và thường đã có gia đình. Độ tuổi thường từ 25-50, nhiều người gắn bó lâu dài với công việc này và xem đây là nghề chính của mình.

Những phụ nữ hành nghề vá lưới thuê ở mũi biển Đề Gi - 3
Những phụ nữ ở các làng chài ở Đề Gi đi nhiều tỉnh thành, chủ yếu các tỉnh phía Nam để vá lưới thuê.

Ở tuổi 56 nhưng bà Nguyễn Thị Đồng (ở thôn Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) đã có thâm niên 40 năm hành nghề vá lưới.

Bà Đồng kể: “Ở đây, lớp tuổi như chúng tôi gần như ai cũng biết vá lưới. Người đi trước chỉ người đi sau, cứ thế truyền nghề từ đời này sang đời khác. Đồ nghề để vá lưới chỉ cần vài chiếc ghim, cái kéo là đủ. Nhiều người chồng đi biển, vợ ở nhà vá lưới, mỗi ngày cũng kiếm được 150.000-200.000 đồng”.

Theo bà Đồng, nghề vá lưới nhìn thì đơn giản nhưng đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ cao, đảm bảo chính xác để các mắt lưới đúng cỡ cần vá. Khi vá phải nhanh tay nhưng phải chặt để các mối gút thật chắc, khi đánh cá không bị bung xổ các mối nối. Vá lưới khó nhất là công đoạn bắt moi lưới tét và xây mành.

Bà Đồng cũng cho biết, nghề vá lưới của phụ nữ cũng lắm vất vả, có những chuyến đi vào các tỉnh phía Nam vá lưới phải ở cả tháng trời mới về.

“Thường vào vụ cá chính, có ngày các chị em làm việc thâu đêm suốt sáng. Có lần chủ tàu cần vá nhanh để kịp chuyến biển, chị em đành phải thức khuya dậy sớm để vá lưới. Khi mệt lã người chị em ra ngủ giữa tàu, lấy lưới làm chăn đắp. Chợp mắt 2-3 tiếng lại thức dậy vá tiếp”, bà Đồng tâm sự.

Ngoài thợ vá lưới, những nữ thợ vá lưới còn làm thêm nghề thợ “đụng”. Nghĩa là đụng gì làm nấy, từ xẻ mực, lặt tôm, lặt đầu cá, cạy hàu… đều làm hết.

Những phụ nữ hành nghề vá lưới thuê ở mũi biển Đề Gi - 4
Người vá dùng nhang (hương) để đốt cho các đầu mấu vo gọn không bị toe sợi lưới.

Theo những phụ nữ hành nghề vá lưới, bình quân tiền công 1 ngày vá lưới được khoảng 200.000 đồng. Nếu vào các tỉnh phía Nam vá thì 1 ngày được 250.000 - 300.000 đồng, còn vá cả đêm thì chủ có thể trả đến 500.000 đồng, ăn uống chủ lo.

Điều đặc biệt, thời gian của các thợ vá lưới được tính bằng những tuần nhang (đốt cháy 1 cây hương từ 45 - 60 phút), mỗi ngày 6 đến 8 tuần nhang.

Theo giải thích của những thợ vá lưới, việc vá lưới bằng nhang đã có từ nhiều thế hệ trước lưu lại. Nén nhang dùng là để đốt mấu lưới, làm cho mấu vo gọn lại mà không bị toe sợi lưới.

Ngoài ra, người xưa quan niệm dùng nhang đốt mấu lưới nhằm để cầu may cho những con tàu vươn khơi xa đánh bắt được bình an, cá tôm đầy khoang.