Trường nghề vẫn "đói" người học
(Dân trí) - Dù làm rất nhiều cách nhưng không ít trường nghề ở TPHCM vẫn trong tình trạng mong ngóng, "bói khó ra" nguồn học sinh.
Thở dài nhắc đến tuyển sinh
Đã bước qua cao điểm tuyển sinh, nhưng nhiều trường nghề ở TPHCM vẫn còn "đầy chỗ trống" khi thiếu người học.
Hàng loạt trường Trung cấp như Quốc tế Sài Gòn, Việt Á, Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, Trung cấp Y dược Vạn Hạnh... việc tuyển sinh đều rất khó khăn, tuyển được 30% so với chỉ tiêu đã được xem là mức khá. Một số ngành không đủ lượng thí sinh tối thiểu để mở lớp.
Nói đến công tác tuyển sinh năm nay, ông Lê Hồng Việt, Trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn thở dài: "Không ổn một chút nào!". Đến nay, tất cả các phân hiệu của trường mới tuyển được gần 300 thí sinh trong 900 chỉ tiêu.
Ông Việt cho hay, khó tuyển nhất lại nằm ở ngành mũi nhọn, khối ngành về chăm sóc sức khỏe. Khối ngành này trường chỉ tuyển học sinh tốt nghiệp THPT, mà học sinh tốt nghiệp lớp 12 thì hầu hết chọn vào ĐH nên nguồn tuyển cho khối chuyên nghiệp rất ít.
Tại Trường Trung cấp Việt Khoa, ở hầu hết các ngành của trường đều không đạt chỉ tiêu tuyển sinh, Trường Trung cấp Y dược Vạn Hạnh chỉ chỉ tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu tuyển sinh.
Khối trường CĐ cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh khi ít nguồn tuyển, nhiều trường thí sinh đăng ký đông nhưng chỉ là con số ảo, đến khi nhập học thí lượng thí sinh rơi rụng dần.
Nhiều trường phải liên tục điều chỉnh các phương án tuyển sinh để phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, kéo dài thời hạn tuyển sinh... nhưng vẫn không ăn thua.
Thiếu nguồn tuyển
Là trường có tên tuổi, lại thiên về ngành kỹ thuật thu hút sự quan tâm, việc tuyển sinh không ngành nào rơi vào "ế ẩm" nhưng đến nay Trường CĐ Lý Tự Trọng vẫn chưa đạt chỉ tiêu tuyển sinh.
Trường đã rất nỗ lực trong việc tiếp cận sớm thí sinh, kết hợp với các doanh nghiệp trong đào tạo, tìm đầu ra... nhưng vấn đề nằm ngoài khả năng của trường nguồn tuyển cho khối giáo dục giáo dục nghề nghiệp eo hẹp.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc bày tỏ, trước đây muốn vào ĐH phải đạt điểm sàn, còn bây giờ, rất khó để trượt ĐH, tâm lý của người học vẫn muốn vào ĐH nên nguồn tuyển cho các trường nghề bị thu hẹp.
Nhiều trường ĐH tăng chỉ tiêu xét học bạ, thí sinh chỉ cần đỗ tốt nghiệp là đỗ nên người học "dạt" nhiều vào ĐH. Vậy nên, dù có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh học nghề nhưng đây vẫn chưa phải là ưu tiên trong lựa chọn của người học.
Theo ông Lê Hồng Việt, các trường nghề để có người học, chắc chắn phải tập trung phát triển ngành nghề, đảm bảo chất lượng đào tạo, kết nối với các cơ sở, doanh nghiệp ngay trong quá trình đào tạo, kết nối việc làm...
Thế nhưng, để phát huy được những lợi thế trên thì phải tùy thuộc vào công tác tuyển sinh. Việc này nhiều khi nằm ngoài khả năng của trường, có khi đành ngồi chờ.. .thay đổi nhận thức từ phụ huynh, người học.
"Theo tôi, cần có sự phân luồng tuyển sinh rõ ràng hơn. Qua đó, giúp phụ huynh, học sinh nhìn vào thực tế năng lực và nhu cầu xã hội để có sự định hướng từ đầu cho con. Người học cần chọn ngành, hiểu ngành, hiểu mình trước khi chọn bậc học, trường học", ông Việt bày tỏ.