1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kỹ sư 8X về quê với tham vọng đưa phở sắn xứ Quảng xuất ngoại

Ngô Linh

(Dân trí) - Trước nguy cơ thất truyền của nghề làm phở sắn danh tiếng gần trăm năm, anh Dương Ngọc Ảnh (SN 1985) cùng vợ đã về quê nhà Quảng Nam vực dậy làng nghề, tham vọng đưa phở sắn ra "sân chơi" thế giới.

Khởi nghiệp với đặc sản quê

Thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) được biết đến với làng nghề phở sắn lâu đời. Theo các bậc cao niên, phở sắn Quế Sơn đã xuất hiện vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Nhưng do chiến tranh loạn lạc, nghề dần thất truyền.

Năm 1996, ông Dương Ngọc Xinh là người đầu tiên khơi lại nghề này tại làng Thuận An, thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Sau này phát triển dần thành làng nghề truyền thống, lúc hưng thịnh nhất có 12 cơ sở tham gia sản xuất.

Kỹ sư 8X về quê với tham vọng đưa phở sắn xứ Quảng xuất ngoại - 1

Phở sắn, món ăn đặc sản dân dã của huyện Quế Sơn, Quảng Nam.

Năm 2009, tỉnh Quảng Nam đã chính thức công nhận phở sắn Đông Phú - huyện Quế Sơn là làng nghề. Nhưng do công đoạn làm phức tạp, thị trường hạn chế và giá thành không cao nên hầu như lao động địa phương đi nơi khác tìm việc, chỉ còn vài hộ trụ lại với nghề.

Nhiều năm sau, trong một lần về thăm quê, anh Dương Ngọc Ảnh (con trai ông Xinh) nhận thấy nghề làm phở sắn chỉ còn 2 hộ sản xuất và đang có dấu hiệu thất truyền. Dù rằng nghề từng một thời nuôi sống gia đình, giúp anh ăn học đến nơi đến chốn. Chính vì vậy, năm 2017, anh Ảnh quyết định cùng vợ vực dậy nghề truyền thống cha ông.

Kỹ sư 8X về quê với tham vọng đưa phở sắn xứ Quảng xuất ngoại - 2

Làng nghề truyền thống có tuổi đời gần trăm năm có nguy cơ thất truyền.

"Đặc sản Quế Sơn có phở sắn, bún sắn nhưng trước đây chỉ bán ở chợ quê, không có thương hiệu dù làng nghề này đã gần trăm tuổi. Vậy nên, muốn món đặc sản này bước ra khỏi tỉnh, tôi đã lập dự án khởi nghiệp phở sắn Caromi. Trong đó, Caromi có nghĩa là mì có hình caro", anh Dương Ngọc Ảnh cho hay.

Sau khi về quê với lợi thế có sẵn là cơ sở sản xuất phở sắn của bố mẹ, anh đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại vào sản xuất nên đã tiết kiệm được chi phí, sợi phở đẹp hơn. Bên cạnh đó, anh còn khuyến khích những người thợ làm nghề phở sắn trước đây về làm cho cơ sở mình.

Kỹ sư 8X với tham vọng đưa phở sắn "xuất ngoại"

Không chỉ làm phở sắn, anh Ảnh còn mở rộng thêm các sản phẩm như phở sắn nhuộm gấc, nhuộm nghệ và đóng gói bao bì cẩn thận, bắt mắt. Mỗi ngày, lò làm phở sắn của gia đình anh cung cấp gần 300 kg phở sắn khô.

Niềm vui đến ngay khi dự án bắt đầu khởi động, dự án phở sắn Caromi đã đoạt giải Nhất cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2018" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. Bên cạnh việc phát triển nghề, doanh nghiệp của Ngọc Ảnh lập ra tại quê nhà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người lao động, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/tháng/người.

Kỹ sư 8X về quê với tham vọng đưa phở sắn xứ Quảng xuất ngoại - 3

Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại không những tiết kiệm sức lao động, mẫu mã cho ra cũng đều và đẹp hơn.

Nhận thấy thị trường phở sắn dần mở rộng, bà Hoa (54 tuổi), trước đó làm cho cơ sở phở sắn của gia đình anh Ảnh, cũng bắt đầu quay trở lại vực dậy nghề truyền thống. Được hỗ trợ máy móc hiện đại giúp tiết kiệm sức lao động, gia đình bà Hoa đang dần sống được với nghề này.

"Nhờ cháu Ảnh về quê vực dậy nghề truyền thống, mở rộng thị trường mà nhiều cơ sở trong làng cũng được hưởng lợi. Trước làm nghề này cực lắm, lời lãi không đáng bao nhiêu, giờ giá trị phở sắn tăng cao nên cũng sống được với nghề", bà Hoa chia sẻ.

Kỹ sư 8X về quê với tham vọng đưa phở sắn xứ Quảng xuất ngoại - 4

Ngoài phở sắn thuần, cơ sở Caromi còn nhuộm màu rau củ như gấc, nghệ… cho sản phẩm bắt mắt hơn.

Tham vọng đưa phở sắn ra thế giới

Lựa chọn một hướng tiếp cận riêng, sau khi cho ra đời thương hiệu Caromi, anh Ngọc Ảnh không đẩy mạnh bán ra thị trường đại trà ngay mà tìm "lối đi" cho phở sắn.

Anh tìm đến các đầu bếp hàng đầu để hỏi về những công thức mới lạ cho món phở sắn, lên ý tưởng đưa nguyên liệu này vào các nhà hàng ở Đà Nẵng, TPHCM, Hội An… Thậm chí, nhiều du khách nước ngoài cũng đã tìm về tận làng nghề để trải nghiệm thực tế.

Kỹ sư 8X về quê với tham vọng đưa phở sắn xứ Quảng xuất ngoại - 5

Anh Dương Ngọc Ảnh rất tâm đắc với sản phẩm phở sắn và tham vọng đưa phở sắn xuất ngoại.

Theo anh Ngọc Ảnh, phở sắn là một sản phẩm từ tinh bột củ, một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Không như gạo hay lúa mì có thể gây dư thừa năng lượng, phở sắn sau quá trình chế biến vẫn có giá trị dinh dưỡng cao với hàm lượng chất xơ rất nhiều, hoàn toàn phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường, muốn giảm cân…

Nhiều sản phẩm từ củ sắn được cơ sở của anh Ngọc Ảnh đưa ra thị trường như bánh tráng sắn, phở sắn thuần hoặc nhuộm với các loại rau củ như nghệ, gấc… được thiết kế đa dạng mẫu mã, bắt mắt, nhỏ gọn phù hợp đóng gói xuất đi xa.

Kỹ sư 8X về quê với tham vọng đưa phở sắn xứ Quảng xuất ngoại - 6

Anh Ngọc Ảnh từng tham khảo nhiều đầu bếp hàng đầu để tìm ra những cách chế biến phở sắn đa dạng, lên ý tưởng đưa nguyên liệu này vào các nhà hàng, khách sạn cao cấp.

Anh Ngọc Ảnh cho hay, những sản phẩm làm từ sắn của cơ sở đã từng xuất đi Thái Lan, Mỹ… Nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh 2 năm qua khiến việc "xuất ngoại" bị đình trệ.

"Chúng tôi đang hoạch định lại chiến lược để phở sắn tiếp tục "xuất ngoại", do chi phí vận chuyển cao nên khá khó khăn, cơ sở cũng đang tìm cách gỡ rối. Tiếp đến là tính đến xin thành lập hợp tác xã, đưa ra quy trình chuẩn để bà con làm sản phẩm đạt chất lượng cao, để phở sắn Quế Sơn sẽ có thương hiệu.

Phát triển du lịch làng nghề cũng đang được tính đến, chúng tôi đang hợp tác với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM để phát triển đưa làng nghề phở sắn sẽ là điểm đến khi du khách khám phá Quế Sơn…", anh Ảnh kỳ vọng.