1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

8X về quê khởi nghiệp với nghề đi vào ca dao, vọng cổ

Ngô Linh

(Dân trí) - Phát triển du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm làng nghề, hướng tới giữ gìn nghề dệt chiếu cói truyền thống, chị Phạm Thị Công bỏ phố về quê quyết tâm theo đuổi đam mê.

Không để nghề thất truyền

Làng dệt chiếu Đông Hà, xã Cẩm Kim (TP Hội An, Quảng Nam) hình thành hơn 100 năm trước, phát triển từ làng dệt chiếu Bàn Thạch, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên) vang bóng một thời.

Các bà, các mẹ ở làng chiếu Bàn Thạch đã mang nghề nghiệp tổ tiên phát triển ở quê chồng khi về Hội An làm dâu.

Sinh ra và lớn lên ở xã Cẩm Kim (Hội An), từ năm lên 7, chị Phạm Thị Công (34 tuổi) đã theo mẹ học dệt chiếu, chẻ cói (hay còn gọi là lát, nguyên liệu dệt chiếu).

Chứng kiến quá trình hưng thịnh đến nguy cơ thất truyền của nghề thủ công truyền thống quê hương, chị Công không khỏi xót xa. Từ đó, chị nuôi ước mơ khôi phục, phát triển làng nghề dệt chiếu truyền thống theo thị hiếu mới.

8X về quê khởi nghiệp với nghề đi vào ca dao, vọng cổ - 1

Chị Phạm Thị Công khởi nghiệp với nghề dệt chiếu cói truyền thống (Ảnh: Ngô Linh).

"Khi xưa trong làng 10 hộ thì hết 9 hộ dệt chiếu. Cứ đến mùa hè, từ đầu làng đến cuối làng, từ trẻ nhỏ đến người già kéo nhau ra bờ sông chẻ cói, đan chiếu… vui lắm. Nhưng giờ đây cảnh ấy chỉ còn trong ký ức, cả làng giờ chỉ còn 2 hộ dệt chiếu, chủ yếu trình diễn nghề phục vụ khách du lịch", chị Công tiếc nuối.

Với ước mơ khôi phục, phát triển làng nghề dệt chiếu truyền thống, năm 2018, chị Công đầu tư 100 triệu đồng, bắt tay cải tạo ngôi nhà bố mẹ thành không gian dệt chiếu để du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Với những kiến thức, kinh nghiệm cùng mối quan hệ tạo dựng trong 5 năm làm thông dịch viên, hướng dẫn viên du lịch, chị kết nối với các tour lữ hành đưa du khách về làng mình.

Công việc đang trên đà phát triển thì cuối năm 2019 dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chị Công thất nghiệp, công việc ở cơ sở dệt chiếu cũng bị gián đoạn.

Không nản lòng, chị trở về quê vừa chăm sóc con nhỏ, dành thời gian suy ngẫm rõ hơn về hướng phát triển của mình sau khi dịch bệnh chấm dứt.

8X về quê khởi nghiệp với nghề đi vào ca dao, vọng cổ - 2

Túi xách, tấm lót ly, chén… từ cói (nguyên liệu dệt chiếu) là hướng đi mới của chị Công từ mong muốn giữ nghề truyền thống (Ảnh: Ngô Linh).

Sau thời gian dài ấp ủ, cuối năm 2022, chị khai trương trở lại cơ sở dệt chiếu cói truyền thống gia đình phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. Được tận mắt chứng kiến quá trình dệt chiếu, tự tay thực hành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, du khách quốc tế bày tỏ ấn tượng, thích thú.

"Sau dịch bệnh, mọi việc bắt đầu từ con số không, khách hàng mới khiến tôi gặp không ít khó khăn. Nhưng tôi chưa khi nào nghĩ sẽ từ bỏ và hy vọng một ngày nào đó làng chiếu sẽ sống lại, sản phẩm làm ra được khách hàng đón nhận luôn âm ỉ cháy trong tôi", chị Công bộc bạch.

Đa dạng sản phẩm từ chiếu cói

Để tăng tính đa dạng, đổi mới cho sản phẩm và phù hợp với thị hiếu khách hàng, xu hướng thị trường, chị Công còn làm ra nhiều sản phẩm cách tân từ sợi cói khá bắt mắt, tinh xảo như ví, túi xách, bộ đế lót ly, chén, thảm ngồi.

8X về quê khởi nghiệp với nghề đi vào ca dao, vọng cổ - 3

Các sản phẩm của chị Công được đánh giá cao, khách hàng ưa chuộng (Ảnh: Ngô Linh).

Hàng tháng, chị Công cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm lớn nhỏ, với giá bán dao động 60-230 nghìn đồng/sản phẩm. Sản phẩm làm ra bán khá chạy vì độ bền, thân thiện với môi trường nên được nhiều khách hàng cả trong và ngoài nước ưa chuộng.

Cũng theo chị Công, để làm nên một chiếc chiếu bền và đẹp, nguồn nguyên liệu cói rất quan trọng. Vì vậy, gia đình chị tự trồng cói, mỗi năm khai thác 2 vụ. Cói sau khi cắt về, chẻ nhỏ thành sợi và phơi khô, mang nhuộm màu rồi mới dệt chiếu. Trong quá trình dệt, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ từng chi tiết để có một sản phẩm ưng ý.

Chị Công cho hay thời gian tới, chị mong muốn đưa sản phẩm hướng tới thị trường OCOP (sản phẩm thế mạnh địa phương) để từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu. Bên cạnh đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng để sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài nước.

8X về quê khởi nghiệp với nghề đi vào ca dao, vọng cổ - 4

Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm làng nghề truyền thống, quảng bá sản phẩm là hướng đi của cô gái 8X (Ảnh: Ngô Linh).

"Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm làng nghề truyền thống, quảng bá sản phẩm đang là hướng đi của tôi để từng bước hiện thực hóa giấc mơ làm sống lại làng nghề đang dần mai một. Tôi cũng dự định mở lớp dạy nghề cho những người trẻ, cùng chí hướng để khôi phục nghề dệt chiếu và giúp họ có thu nhập ổn định, có động lực gắn bó với nghề", chị Công tâm sự.

Bà Đỗ Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch xã Cẩm Kim cho biết, hiện ở địa phương còn vài hộ làm chiếu cói truyền thống, làng nghề đang dần bị mai một do thu nhập không cao. Tương lai xã Cẩm Kim sẽ định hướng đưa các làng nghề truyền thống thành sản phẩm du lịch.

"Mô hình khởi nghiệp của chị Phạm Thị Công rất hay và cần được nhân rộng. Chị Công lâu nay làm du lịch, nay quay về khởi nghiệp với sản phẩm truyền thống địa phương chính là động lực cho nhiều bạn trẻ phát huy sức sáng tạo, gắn bó xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm làng nghề, du lịch xanh đang được các cấp rất quan tâm, tạo điều kiện phát triển", đại diện lãnh đạo xã Cẩm Kim chia sẻ.