Kon Tum: Nhọc nhằn phận đời nữ phu gạch
(Dân trí) - Tuy tuổi tác lớn nhưng hàng chục phụ nữ xã Hòa Bình (TP.Kon Tum) vẫn làm nghề “phu gạch”. Công việc vất vả nhưng đã gắn bó và nuôi sống bao nhiêu thế hệ con cái trưởng thành.
Những ngày bão lũ, chúng tôi đến với xóm làm nghề gạch thủ công tại thôn 2 và thôn 3 (xã Hòa Bình, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Dọc đường đi vào thôn, hàng trăm lò gạch thủ công nằm san sát, tạm bợ mọc lên từ hàng chục năm nay.
Hai bên đường là từng tốp phụ nữ trung niên đang chờ xe để bốc gạch lên. Một nhóm người khác đang tham gia nặn lên những viên gạch vuông vắn.
Từ cái tuổi đôi mươi, chị Nguyễn Thị Lệ Thủy (thôn 3, xã Hòa Bình) đã về xứ lò gạch này để làm dâu. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị Thủy phải đi làm thuê ở các lò gạch thủ công.
Trải qua nhiều năm “tay lấm, chân bùn”, vợ chồng chị Thủy đã xây được một cái lò gạch thủ công với kinh phí gần 200 triệu đồng. Vì khởi nghiệp không có vốn nên hai vợ chồng chỉ thuê một người phụ việc.
Để làm đủ gạch giao cho khách hàng, hai vợ chồng tranh thủ làm ngày, làm đêm. Từ một người phụ nữ chỉ biết đến nội trợ, nay chị Thủy đã trở thành một thợ gạch thực thù, chẳng kém gì những “đấng mày râu”.
Dù ở bất cứ công đoạn nào, từ làm mê (tức là cho đất lên băng chuyền để máy ép thành khuôn), cắt gạch thành viên, cho đến bốc gạch gạch,… chị điều làm hết.
Chị Thủy tâm sự: “Từ một nữ phu gạch, vợ chồng đã vất vả xây dựng nên một cái lò gạch thủ công với mong muốn sẽ thoát nghèo. Mỗi năm, gia đình thu về khoảng 300 - 400 triệu đồng. Số tiền này cũng dành hơn 1/2 để tái đầu tư mua nguyên vật liệu và bảo trì máy móc".
Tuy nhiên, những năm gần đây gạch mất giá do khách hàng ít chuộng gạch nung thủ công. Vợ chồng chỉ lấy công làm lời và hoạt động cầm chừng.”.
Cô Hồ Thị Trung (50 tuổi, thôn 4, xã Hòa Bình) đã có hơn 30 năm mưu sinh trên xóm lò gạch cũ này. Cô Trung tâm sự, từ xưa người dân trên địa bàn Hòa Bình này đều chủ yếu mưu sinh bằng nghề làm gạch. Chồng thì làm những việc nặng nhọc trong lò gạch nóng bức. Còn những người phụ nữ thì bốc gạch lên xe, nặn gạch…
Công việc ở đây đều cần có sức khỏe và sự chịu khó. Các năm trước thì giá gạch cao nên chị em còn có thu nhập. Giờ gạch ít người mua, người thuê bốc nên tiền cũng chỉ đủ mua bó rau, ít gạo.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hương (45 tuổi, thôn 2, xã Hòa Bình) cho biết: “Tôi đã làm gạch được hơn 20 năm, cuộc sống giờ đình đều trông mong vào những lò gạch này. Nếu làm công trong lò gạch thì họ khoán theo viên. Trung bình cũng kiếm được từ 200 - 300 ngàn đồng/người/ngày".
Tuy nhiên, hiện nay lò gạch thủ công đang dần gặp khó khăn nên việc cũng ít dần, vì vậy mà thu nhập giảm đi một nửa. Hiện nay công việc ít, chị em cũng ngồi bên lò gạch để chờ thuê đi bốc gạch, kiếm thêm ít tiền sinh hoạt cho gia đình.
Trời đang rải những cơn mưa, nhưng những người phụ nữ vẫn miệt mài bốc hàng ngàn viên gạch lên xe. Trung bình, mỗi nhóm phụ nữ bốc 1 thiên gạch thì chỉ nhận được 50 ngàn đồng.
Mức độ nặng nhọc và nguy hiểm lại không tương xứng với số tiền thu được. Nhìn đôi bàn tay chai sạm, chi chít vết sẹo nhỏ…càng khiến chúng tôi cảm động trước nghị lực của những phụ nữ nơi đây.
Chị Hương kể: “Bốc gạch phải nhanh, đều tay chuyền qua cho người khác. Chính vì vậy, luôn xảy ra việc gạch rơi vào chân, cạnh gạch là rách da hay là bàn tay cham sạm vì bốc gạch. Đêm về khi cởi chiếc áo là nhìn thấy đôi vai thâm tím về gánh gạch. Nghề vất vả vậy nhưng vì con cái, gia đình nên chúng tôi phải theo nghiệp. Làm lâu dần rồi cũng quen”.
Ông Nguyễn Văn Hồng (Chủ lò gạch thôn 2, xã Hòa Bình) cho biết: “Thường trong lò gạch có 2 đội ngũ, một nhóm từ 2 – 5 người làm trong lò gạch để phụ trách việc nặn, phơi và đưa gạch vào lò. Số thứ hai là đội ngũ bốc gạch do bên người vận chuyển thuê và trả chi phí. Do nghề gạch thủ công này thu nhập và việc làm ít dần vì gạch ế nên đàn ông cũng bỏ vào thành phố tìm công việc khác. Chỉ còn là cánh phụ nữ trong xã vừa chăm con và tranh thủ thời gian để làm”.
Ông Phạm Phước, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (TP.Kon Tum) cho biết, trên địa bàn xã Hòa Bình có khoảng 138 lò gạch thủ công. Cũng nhờ những lò gạch này đã giải quyết được số lượng nhân công trên địa bàn, nhất là phụ nữ tận dụng thời gian rảnh rỗi để kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, hiện nay những lò gạch thủ công đang có nhiều bất cập trong bảo vệ môi trường và tài nguyên. Chính vì vậy, nguồn lao động tại lò gạch đang gặp khó khăn về thu nhập. Hiện xã cũng đang đề xuất để hướng nghiệp và dạy việc cho những phụ nữ chuyển nghề phù hợp”.
Thống kê từ ngành chức năng, thành phố Kon Tum có 202 cơ sở và 01 hợp tác xã sản xuất gạch đất sét nung thủ công với 310 lò. Hiện có khoảng 1.021 lao động tham gia sản xuất trên địa bàn 05 xã, phường gồm: Hòa Bình, Ngok Bay, Đăk Blà, Ngô Mây, Kroong. Trong đó, có 206 lò nằm trong quy hoạch, 104 lò còn lại nằm ngoài quy hoạch.