Quảng Ngãi: Không dễ tìm việc cho gần 1.000 lao động làm gạch thủ công
(Dân trí) - Sản xuất gạch là nghề truyền thống của hàng ngàn lao động huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi). Theo chủ trương xoá bỏ 84 lò gạch công thủ công nhằm giảm ô nhiễm, gần 1.000 lao động làm nghề gạch gặp cảnh thất nghiệp. Chính quyền địa phương cũng rơi vào thế khó trong việc giải quyết việc làm cho người dân.
Ông Nguyễn Bình Thắng (51 tuổi, thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa) gắn bó với nghề sản xuất gạch hơn 30 năm qua. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, lò gạch của ông Thắng còn giải quyết việc làm cho 20 lao động.
Thực hiện chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công, cơ sở sản xuất của ông Thắng phải dừng hoạt động từ ngày 20/7. Số lao động sống nhờ vào lò gạch của ông Thắng hàng chục năm qua cũng mất việc làm.
“Lao động tại lò gạch của tôi phải đi tìm việc làm khác nhưng rất khó, nhiều người vẫn chưa có việc làm. Tôi cũng đi xin làm tài xế xe tải nhưng họ từ chối vì thấy tôi đã nhiều tuổi, sợ sức khỏe và thị lực không đảm bảo. Bây giờ hai vợ chồng vẫn chưa biết xoay sở sao để có việc làm, có thu nhập nuôi hai đứa con đang tuổi ăn học", ông Thắng cho biết.
Huyện Tư Nghĩa được xem là "thủ phủ" sản xuất gạch với 84 lò thủ công. Đến cuối tháng 7, tất cả lò gạch đều phải ngừng sản xuất khiến gần 1.000 lao động mất việc làm.
Chị Nguyễn Thị Duy Linh (43 tuổi, xã Nghĩa Hiệp) đã làm thuê cho một lò gạch ở xã Nghĩa Mỹ hơn 10 năm. Nghề làm gạch tương đối vất vả nhưng mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. Thế nhưng, từ khi lò gạch ngừng hoạt động, chị Linh đứng ngồi không yên vì không biết xin việc ở đâu để có thu nhập chi tiêu trong gia đình.
“Bây giờ xin làm công nhân ở mấy khu công nghiệp người ta không nhận nữa vì họ chỉ tuyển ở độ tuổi 18 - 38. Còn học nghề thì ở tuổi này rồi cũng không biết học nghề gì. Gia đình tôi không có đất ruộng để làm nông nên thời gian tới chắc khó khăn lắm", chị Linh than thở.
Ông Nguyễn Công Binh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ (huyện Tư Nghĩa) cho biết, xã Nghĩa Mỹ là một trong những địa phương có số lò gạch thủ công nhiều nhất trên địa bàn huyện Tư Nghĩa.
Toàn xã có 40 lò gạch với trên 300 lao động. Do đó, vấn đề giải quyết việc làm đang là bài toán khó đối với chính quyền địa phương.
Theo ông Binh, dù địa phương đã đưa ra hướng hỗ trợ bằng cách cho người dân đăng kí và lựa chọn nghề nghiệp, chính quyền dựa vào đó để tạo điều kiện mở các lớp học nghề, đào tạo kĩ năng. Đồng thời, liên kết với các khu công nghiệp nhằm giới thiệu việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, đa số người lao động đều đã lớn tuổi, không có bằng cấp nên rất khó để giới thiệu việc làm.
“Vấn đề hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chính quyền địa phương mong muốn cấp trên tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất”, ông Binh kiến nghị.
Theo ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, UBND huyện đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho bà con bằng cách thu mua lượng đất sét tồn đọng cho các hộ dân với mức giá 200.000/m3.
Đồng thời, thống nhất mức hỗ trợ 250.000/m2 đất nền lò và hỗ trợ chi phí tháo dỡ lò gạch. Tuy nhiên, về vấn đề giải quyết việc làm cho nhân công tại các lò gạch đến nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn và chưa tìm được hướng giải quyết thỏa đáng.
"UBND huyện Tư Nghĩa đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để giúp người dân chuyển đổi nghề mới nhằm sớm ổn định cuộc sống. Trước mắt, huyện trích ngân sách hỗ trợ người dân tháo bỏ các lò gạch, tổ chức họp lấy ý kiến về nhu cầu việc làm, qua đó làm việc với ngân hàng, các sở, ngành liên quan, cơ sở đào tạo nghề để giúp người dân vay vốn đầu tư làm ăn, chuyển đổi nghề nghiệp", ông Thành thông tin.
Quốc Triều