"Kịch bản" xấu khi thiếu việc làm, bất ổn xã hội sẽ hiện hữu
(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội lo lắng khi các trung tâm công nghiệp từng có thời gian thiếu hụt công nhân, song đến nay doanh nghiệp lại phải cắt giảm lao động.
Tại phiên thảo luận tổ ngày 25/5 về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, tác động từ bên ngoài làm bức tranh kinh tế những tháng đầu năm ảm đạm. Số lượng doanh nghiệp đăng ký giảm nhiều, công nhân thất nghiệp tăng lên.
Đại biểu Lê Thanh Vân dẫn chứng, trong ngày 23/5, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận 22.000 hồ sơ thất nghiệp. Tại các khu công nghiệp phía Nam, Đồng Nai, Bình Dương, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiếu đơn hàng để duy trì sản xuất.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được của năm 2022, đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy (đoàn Hà Nam) cũng cho rằng cần nhìn nhận thẳng thắn vào những khó khăn bắt đầu từ quý 4/2022 đến nay.
Tăng trưởng quý I/2023 chỉ 3,32%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Hà Nam vốn là địa phương nhiều năm có mức tăng trưởng hai con số nhưng đến quý này cũng chỉ đạt mức 4,04%. Đây là con số rất thấp, trong đó tăng trưởng về công nghiệp và xuất khẩu giảm thấy rõ.
Đại biểu Trương Quốc Huy cũng nêu hiện tượng "ngược", nhiều năm liền, doanh nghiệp tại địa phương luôn thiếu lao động, phải huy động người đi tuyển dụng trong các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay lại có hiện tượng người lao động không có việc thường xuyên, doanh nghiệp sa thải bớt nhân công. Đây là kịch bản xấu vì khi người lao động không có việc làm, bất ổn xã hội sẽ hiện hữu.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) đánh giá, thời gian qua, gam màu nổi bật trên bức tranh kinh tế là những khó khăn. Đại biểu này đề nghị cần đánh giá sâu sắc, đầy đủ từ nguyên nhân và có biện pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Qua báo cáo Chính phủ, tăng trưởng GDP cả nước quý I/2023 đạt 3,32%, song các "trung tâm" xuất khẩu trên cả nước lại sụt giảm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do khu vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng âm.
Đặc biệt, doanh nghiệp xây dựng hiệu quả sản xuất thấp, hoạt động đình trệ, thiếu việc làm. Doanh nghiệp thành lập mới, trở lại hoạt động giảm, số giải thể tăng.
"Đây là điều hết sức đáng lo ngại. Đề nghị cần đánh giá đầy đủ bức tranh cụ thể về tình hình khó khăn của doanh nghiệp. Một trong những giải pháp lúc này là tháo gỡ khó khăn về vốn và thị trường", đại biểu Trần Văn Tuấn nói.
Theo đại biểu này, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn do kinh tế khó khăn chính là lực lượng lao động. Trong báo cáo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến cuối tháng 11/2022 cho thấy, đã có hơn 1.200 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động.
Số lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng là trên 472.000 người, chiếm 64,54% tổng số lao động tại các doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho biết: "Bắc Giang cũng tỉnh công nghiệp, chúng tôi xác định rõ, bên cạnh chính sách giúp doanh nghiệp, cần có chính sách giúp công nhân lao động ở khu công nghiệp cả trước mắt và lâu dài".
Tạo việc làm, tăng cường nâng cao tay nghề là những giải pháp căn cơ không chỉ để hỗ trợ công nhân mà còn giúp cho doanh nghiệp có thể nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất khi kinh tế phục hồi.