Ứng xử với tiền lẻ: Bài học đầu đời về khởi nghiệp
Quá trình tích cóp từng đồng tiền lẻ thành số tiền lớn cũng là quá trình tích lũy kinh nghiệm làm việc từ đơn giản đến phức tạp. Đây chính là bài học đầu đời về khởi nghiệp.
Những năm gần đây, nhiều nơi bán hàng (siêu thị, cửa hàng tạp hóa...) tìm cách chiếm dụng tiền lẻ của khách hàng bằng cách thối tiền bằng kẹo. Khách hàng không quan tâm nhưng cuối ngày, tổng kết doanh số thì số tiền lẻ đó gom lại sẽ thành số tiền lớn.
Nhiều nơi bán hàng sử dụng thủ thuật đánh lừa cảm giác của khách hàng thông qua định giá bán sản phẩm, chẳng hạn như 199 ngàn đồng sẽ tạo cảm giác rẻ hơn 200 ngàn đồng. Khi mua món hàng đó, người tiêu dùng chắc chắn sẽ đưa 200 ngàn và người bán thối lại bằng kẹo để chiếm dụng 1 ngàn đồng. Do phần lớn người tiêu dùng có tâm lý xem nhẹ tiền lẻ nên người bán mới không ngần ngại sử dụng thủ thuật này.
Một hiện tượng khá phổ biến là nhiều người kỳ kèo từng đồng bạc lẻ với những người bán rau, bán cá ngoài chợ, nhưng lại sẵn sàng bồi dưỡng cho nhân viên phục vụ những đồng tiền lẻ khi uống cà phê, đi taxi, mua hàng trong siêu thị...
Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là vì số đông trong xã hội trọng tiền, nhất là ở những nơi nhân viên bán hàng có thái độ nhiệt tình với những khách hàng hào phóng, thờ ơ với những người chỉ "chi đúng và chi đủ”. Do vậy, nhiều người muốn dùng vài đồng tiền lẻ để mua sự nhiệt tình của nhân viên, còn những người bán rau, bán cá ngoài chợ không quan tâm đến điều này nên họ mới kỳ kèo từng đồng, từng cắc.
Với những người làm ăn chân chính thì tiền chính là biểu hiện của công sức lao động. Phí phạm tiền bạc cũng là phí phạm công sức lao động. Ở một số nước phát triển, các bậc phụ huynh thường dạy con cái phải biết quý trọng đồng tiền kiếm được bằng sức lao động của mình và trả công sòng phẳng cho con khi "thuê” chúng làm những công việc vừa với sức vóc và lứa tuổi.
Vì thế, ngay từ nhỏ, con họ đã rất trân trọng những đồng tiền tự mình kiếm được, biết cách tích cóp và làm chúng sinh sôi nảy nở để có số vốn của riêng mình.
Điểm chung ở những doanh nhân làm giàu chân chính là họ rất trân trọng đồng tiền do mình làm ra và rất có ý thức trong chi tiêu, không bao giờ tiêu xài hoang phí.
Khi hỏi một doanh nhân giàu có: "Tại sao anh chi tiêu kỹ quá, còn con trai anh lại tiêu xài rất hoang phí?", câu trả lời "bởi vì cha tôi nghèo hơn cha nó” của doanh nhân này cho thấy những ai bỏ công sức ra kiếm tiền thường biết trân trọng đồng tiền, còn những đồng tiền dễ dàng có được, không phải là kết quả của công sức lao động sẽ rất dễ bị tiêu xài hoang phí.
Như vậy, tích cóp những đồng tiền lẻ cũng chính là thái độ cần mẫn làm từ việc nhỏ đến việc lớn theo nguyên lý phát triển bền vững "tích tiểu thành đại". Những người khởi nghiệp cũng cần hiểu rõ nguyên lý này, bởi quá trình khởi nghiệp luôn bắt đầu từ những việc nhỏ, kiểm soát chi tiêu để tăng phần tiết kiệm, tích lũy để có số vốn lớn nhằm sẵn sàng thực hiện những ý tưởng làm ăn sau này.
Sau khi thành lập công ty với rất nhiều hạng mục phải chi tiêu, điều quan trọng nhất là phải biết tiết kiệm từ những hạng mục nhỏ để tránh hoang phí, mất kiểm soát về dòng tiền là những kỹ năng cơ bản. Mỗi người khởi nghiệp cần thấm nhuần bài học này để biết quý trọng những đồng tiền dù ít ỏi mà họ có được.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền/Doanh nhân Sài gòn