1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM:

Khách liên tục hủy hợp đồng, nghề cho thuê xe điêu đứng

Xuân Hinh

(Dân trí) - Hơn 40 khách hủy thuê xe trước và sau Tết khiến công việc cho thuê xe của anh Thế thua lỗ gần 40 triệu đồng. Số tiền trả góp mua xe ngày càng cao khiến anh Thế dần đi đến con đường phá sản.

Khách liên tục hủy hợp đồng, nghề cho thuê xe điêu đứng - 1
Hàng chục chiếc xe của công ty anh Thế nhiều ngày không có khách thuê.

Ngày mùng 9 Tết, theo đúng lịch trình hôm nay, anh Trần Văn Thế (37 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) sẽ đưa khách đi An Giang du xuân. Ngoài anh Thế, 4 tài xế của công ty cũng được phân công đưa khách đến các tỉnh miền Tây đi lễ chùa đầu năm. Tuy vậy, cả 5 khách đều hủy thuê xe khiến anh Thế và nhân viên đều thất nghiệp.

"Nghề của chúng tôi như công việc của người đi câu cá, lúc được lúc không. Từ 20 tháng Chạp đến giờ hầu như ngày nào cũng có khách hủy thuê xe. Ngày nào ít thì 1 chuyến, hôm nay nhiều nhất là 5 chuyến. Có khách thì mình nhận đặt cọc, có khách thì không nên mình phải chịu hết chi phí", anh Thế than thở.

Anh Thế đã làm nghề cho thuê xe từ năm 2008 đến nay. Năm 2010, anh Thế thành lập công ty. Tới nay, anh có 12 chiếc xe từ 4 - 16 chỗ cho thuê tại khu vực phía Nam. Mỗi năm lợi nhuận của công ty từ 300 - 400 triệu đồng.

Khách liên tục hủy hợp đồng, nghề cho thuê xe điêu đứng - 2
Có những chiếc xe để trong nhà giữ xe nhiều ngày, bụi phủ toàn xe.

"Để mở rộng công ty mình phải kêu gọi 2 đồng nghiệp góp vốn chung. Trừ hết chi phí mỗi người một năm cũng chỉ được hơn 100 triệu đồng thôi. Người ngoài nhìn vô nghĩ là nghề này dễ kiếm ăn nhưng họ đâu biết bao nhiêu chi phí phải lo như bảo trì, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng xe...", anh Thế tâm sự.

Từ năm 2018, cá nhân anh Thế mua trả góp thêm 2 chiếc xe 7 chỗ để mở rộng công ty. Mỗi tháng anh Thế trả góp 15 triệu đồng 2 chiếc xe mới mua và 10 triệu đồng 2 chiếc xe cũ còn nợ. Trả nợ chưa được bao lâu thì năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát khiến việc kinh doanh gặp khó.

"Mỗi tháng phải chi phí trả trăm triệu đồng, rất áp lực. Chưa khi nào khó khăn như năm qua. Có những tháng anh em phải vay mượn khắp nơi để trả nợ cho ngân hàng. Chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng phải tiết kiệm tối đa. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà những anh em làm nghề kinh doanh xe cũng như vậy. Càng trả góp nhiều thì áp lực càng nặng", anh Thế cho biết thêm.

Khách liên tục hủy hợp đồng, nghề cho thuê xe điêu đứng - 3
Anh Hùng đã phải bán xe để trang trải chi phí duy trì công ty.

Năm 2020, công ty anh Thế chỉ đủ kinh phí duy trì, không lợi nhuận. Một số lái xe đã nghỉ làm vì không có thu nhập. Anh Thế đã tiêu gần hết 300 triệu đồng tiền tiết kiệm để tiếp tục duy trì hoạt động của công ty nhằm giữ chân khách hàng. 

"Vợ tôi nhiều khi không hiểu cứ nghĩ tôi lấy tiền đi làm việc riêng. Sau đó, vợ tôi đến công ty và thấy khách liên tục hủy hợp đồng thuê xe nên đã thông cảm. Có những tháng cả công ty không có một hợp đồng nào, nếu không có tiền tiết kiệm thì chắc tôi đã phá sản. Tôi cũng từng nghĩ đến việc bán xe nhưng bán xe cũng không ai mua nên đành thôi", anh Thế cho hay.

Cùng làm chung với anh Thế, anh Nguyễn Hoàng Hùng (45 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho biết năm 2020 đã tiêu hết gần 50 triệu đồng tiền tiết kiệm. Anh đã phải sang nhượng lại một chiếc xe để lấy tiền trả góp 2 chiếc xe còn lại.

"Tôi có 4 chiếc xe nhưng 3 chiếc trả góp ngân hàng. Mỗi tháng gần 20 triệu đồng. Tháng 8/2020, tôi phải bán đi 1 chiếc xe 7 chỗ vì không đủ tiền trả lãi hàng tháng. Năm nay thực sự khó khăn và vất vả. Anh em cố gắng làm hết sức nhưng do dịch bệnh nên khách hàng họ phải hủy hợp đồng, mình không chấp nhận cũng không được", anh Hùng cho hay.

Khách liên tục hủy hợp đồng, nghề cho thuê xe điêu đứng - 4
Hàng loạt chi phí duy trì xe khiến các công ty cho thuê xe gặp khó vì không có khách.

Theo anh Hùng, ngay trong dịp Tết, khách đã hủy hơn 40 hợp đồng khiến công ty thua lỗ gần 40 triệu đồng. Số lượng khách thuê xe dịp Tết năm nay cũng chỉ khoảng 100 hợp đồng, bằng 1/4 so với mọi năm.

"Đa phần khách thuê xe đều gọi điện đặt lịch, chỉ một số ít chuyển khoản tiền giữ chỗ. Mình phải lên lịch cho tài xế, sắp xếp xe, sắp xếp chỗ ăn, nghỉ cho tài xế... nên rất tốn kém. Khách hủy chỉ gọi điện là xong, các chi phí mình phải chịu hết. Buồn lắm nhưng phải chấp nhận", anh Hùng than thở. 

Anh Hùng cho biết, riêng nhóm cho thuê xe tại quận Gò Vấp, quận 12 mà anh làm việc chung dịp Tết đã có hơn 200 hợp đồng thuê xe bị hủy. Nhiều công ty cho thuê xe năm 2020 đã phải phá sản, bán xe để trả nợ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì hàng trăm công ty cho thuê xe sẽ phải giải thể vì không đủ tiền trả góp mua xe.